Q Tôi muốn dùng giấy dán tường cho ngôi nhà phố của mình nhưng khi tham khảo thấy khá nhiều mẫu ưa thích nên khó chọn lựa được. Có người bạn khuyên nên chọn giấy dán tường theo phong thủy thì sẽ loại bỏ các màu hay họa tiết không hợp tuổi. Xin hỏi quý báo, vấn đề này cần áp dụng phong thủy thế nào? Tôi xin cảm ơn quý báo.
(Trần Nhất Nam, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM)
A Về phong thủy, mức độ gia tăng khí trong nhà luôn được kích hoạt nhờ các điểm nhấn, trong đó tường nhà là khu vực tác động trực tiếp vào thị giác và ngăn chia cụ thể không gian.
Nếu chúng ta sinh hoạt trong một ngôi nhà mà các mảng tường thay đổi màu sắc, họa tiết liên tục, thiếu sự liên quan với nhau về độ nhẵn hay bóng, màu nóng hoặc lạnh lộn xộn, hoa văn thiếu đồng nhất… thì dù có dùng giấy dán tường đắt tiền đi chăng nữa, khả năng dẫn dắt và liên kết không gian vẫn khó tạo ra được. Tất nhiên, nếu chỉ dùng có một loại họa tiết hay màu sắc giấy dán cho tất cả các không gian, thì cũng chỉ là lối hoàn thiện đơn điệu, không phân biệt chính phụ và làm cho không gian ngôi nhà thiếu sinh động. Quan điểm dung hòa về phong thủy là chọn cách dán giấy có chính phụ và điểm nhấn sao cho tự nhiên và hài hòa âm dương tốt hơn. Đối với những không gian chính, đối ngoại và giao tiếp nhiều như phòng khách, phòng sinh hoạt, nên dùng giấy ở mảng nhấn có diện tích lớn và điểm nhìn rộng. Cón với những không gian phụ như hành lang cầu thang, hay phòng ngủ riêng tư thì dùng giấy dán với tỷ lệ họa tiết nhỏ hơn, các vị trí tiếp giáp cần có phân cách hoặc chuyển tiếp, không nên dán tràn lan một loại giấy vào mọi chỗ.
Về vấn đề giấy dán tường chọn theo mệnh tuổi (ngũ hành) thì cũng là một cơ sở tham khảo, ví dụ người mệnh Kim chọn tông màu trong nhóm màu tương sinh tương hòa với Kim là Thổ – Kim – Thủy tức là nhóm màu vàng – trắng (xám, ánh kim loại) và xanh biển hoặc có nét đen, sọc mềm mại uốn lượn hoặc tròn… Tuy nhiên, dù chọn màu tương sinh bản mệnh thì vẫn không được quên các nguyên tắc về điểm nhấn đúng mức và có tiết chế, tránh lạm dụng giấy dán tường khiến ngôi nhà dễ rơi vào tình trạng sặc sỡ hoặc rối mắt vì đủ thứ họa tiết hoa văn.
Các điểm nhấn có thể chọn lựa tùy theo không gian và phải căn cứ vào thực chất sử dụng. Ví dụ một phòng ăn thì điểm nhấn nên tại khoảng trống giữa bàn ăn và kệ bếp hay quầy bar nhằm tạo sự sinh động. Trong khi đó nếu làm một mảng nhấn tại giữa phòng khách hoặc đầu giường ngủ thì có thể khi kê bộ salon hoặc kê giường ngủ vào sẽ làm che khuất, mất tác dụng của mảng nhấn đó. Những trường hợp này, điểm nhấn có thể chuyển sang vùng mà tầm mắt thường quan sát được như khoảng kệ tivi hay khoảng trống đi lại mà gia chủ hoàn toàn có thể tính toán từ đầu lúc bố trí đồ nội thất.