Phong thủy ngày càng được vận dụng nhiều trong cuộc sống đương đại, không chỉ chuyên về chọn đất hay xem cát hung. Từ xuất phát điểm là các luận giải về vũ trụ, dịch học phương Đông đã giúp con người hiểu được quy luật trời đất thay đổi sao cho tương hòa. Để khi xuân sang tết đến vạn vật bước vào mùa mới, thì sẽ có những ứng xử phù hợp.
Mọi ngôi nhà dẫu hoàn thành về mặt xây dựng hoặc đã ở ổn định một thời gian cũng luôn cần những “dịch chuyển” nội ngoại thất phù hợp tùy theo thời điểm. Sự chọn lựa, sắp xếp, chọn kiểu dáng, chất liệu của các vật dụng, trang trí trong các không gian luôn có hai phần cơ bản, gọi nôm na là “phần cứng” và “phần mềm”.
Thay đổi để bền vững
Đầu năm mới luôn là mùa khởi sự xây nhà mới, sửa nhà cũ. Thời biến đổi khí hậu toàn cầu, ngôi nhà bền vững đang được định nghĩa lại, trong đó yếu tố tồn tại linh hoạt và không xâm hại môi trường chính là hợp với triết lý phong thủy lâu nay. Nhiều gia chủ có thể nghĩ rằng làm nhà một lần là để xài cả đời, thậm chí nhiều đời, dẫn đến tâm lý “ăn chắc mặc bền” trong quan niệm đầu tư, xây dựng, mua sắm… mà biểu hiện cụ thể là mật độ bê tông hóa rất cao, dùng nhiều gỗ quý tự nhiên, dùng nhiều thép kính và đá ốp lát tự nhiên, dùng điều hòa không khí toàn bộ…
Quan niệm “ăn chắc mặc bền” không sai vì bản chất người Việt vốn lo xa, chắt chiu và xem nhà cửa là tài sản giá trị lớn, nhưng cần hiểu đúng và dùng đủ quan niệm “ăn chắc mặc bền” theo thời nay sao cho hợp môi trường và mang tính khoa học, khác với lối suy nghĩ trước kia. Cụ thể các thay đổi từ giải pháp bố trí đến sử dụng không gian theo xu hướng bền vững hiện nay như sau:
– Thay đổi để tăng tiện ích: xưa nay người Việt dọn nhà đón xuân không chỉ để trưng bày cho đẹp, tiếp đón phô trương hay treo đèn kết hoa. Nếp sống của xứ nhiệt đới có truyền thống nông nghiệp thường giảm thiểu các xếp đặt mang tính trang trí tạo hình tạo khối, mà tăng giải pháp cho tiện ích nhiều hơn, cần phát huy yếu tố này trong bài trí nhà cửa. Ví dụ căn hộ nhỏ có thể dùng một chiếc bàn lớn vừa tiếp khách vừa là bàn ăn, khi cần là nơi làm việc, hàn huyên. Nhà phố cần tận dụng không gian sân sau, giếng trời có cửa mở rộng để khi cần tăng diện tích tiếp khách, ăn uống, thay vì làm phòng đóng kín cố định. Thay đổi về công năng đa dụng chính là tạo nên những vùng không gian giao tiếp nhiều hơn.
– Thay đổi để có Nội khí tốt: tuân theo quy luật Thủy Đáo Cục Khúc Tắc (dòng khí lưu thông đến nhà cần uốn khúc mềm mại), tức là từ hình khối đến giao thông tiếp cận không trực diện mà thông qua dẫn dắt, đóng mở nhẹ nhàng, bằng hệ vách ngăn linh hoạt và đồ dùng phối hợp. Việc trồng cây, đặt bình phong hoặc hồ cảnh để vừa giảm Trực Xung Đối Môn, vừa tạo khoảng đệm sẽ giúp Nội khí luân chuyển mềm mại hơn, thay vì là những căn phòng kín mít. Việc xử lý thông tầng chéo, tận dụng ô cầu thang, trang trí trong giếng trời… đều là những cách thức hiện đại mà ngôi nhà xưa không có, giúp nới rộng không gian và tăng tầm quan sát dù không tăng diện tích.
- Xem thêm: “Ăn chơi” nơi khoảng trống
– Thay đổi để ứng xử linh hoạt chứ không rập khuôn: các khác biệt về khí hậu, địa hình, tập quán… tại các địa phương khác nhau đã tạo ra các nền văn minh, văn hóa khác nhau. Việc cóp nhặt kiểu nhà nơi này vào nơi khác, thời xưa qua thời nay sẽ thành sự áp đặt hình thức, không hiệu quả và đi ngược quy luật phát triển. Vì vậy, dạng nhà hiện đại theo kiểu toàn gạch trần, hoặc tô xi măng xám lạnh, hoặc tối giản Bắc Âu một màu trắng toát… đang khá “hot” hiện nay có thể phù hợp với gia chủ này, vùng đất này, nhưng lại rất khó chịu với gia chủ khác, địa phương khác, nên không thể rập khuôn theo trào lưu. Cần nhìn nhận từ góc độ chuyên môn mỗi một mẫu nhà, cách thức xử lý đã thực sự đủ và đúng về công năng, khí hậu, kinh tế và thẩm mỹ hay chưa. Thay đổi không có nghĩa là tìm cái mới, mà có thể quay về làm mới các giá trị cũ vốn đã được kiểm chứng theo thời gian, khí hậu, tập quán cụ thể.
Hiểu Dịch để thích ứng
Theo quan niệm Dịch lý Đông phương, thì yếu tố Biến dịch quyết định các mối quan hệ trong nơi cư ngụ. Ngoài phần “cứng” là kết cấu xây dựng, không gian kiến trúc đã định hình, thì yếu tố “mềm” tạo nên Nội khí cho nhà nằm ở việc sử dụng và cách thức trang trí sắp đặt. Do đó, dẫu hai ngôi nhà hoặc căn hộ có cùng kích thước, mẫu mã, phương hướng… tương tự nhau, nhưng sự thoải mái hay khó chịu, sự tốt xấu về phong thủy của hai ngôi nhà đó lại khác hẳn nhau bởi quá trình tương tác với đồ đạc, thiết bị. Và mỗi khi đến một Tiết khí thay đổi như lúc xuân sang, thì ngôi nhà lại cần gia chủ thích ứng tốt hơn. Một vài lưu ý phong thủy tại các khu vực – chi tiết sau sẽ giúp ngôi nhà tương hòa với mùa xuân nhiều hơn:
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
– Hệ thống đồ gỗ: không gian Việt luôn xem trọng yếu tố hòa hợp thiên nhiên và hướng về hành Mộc, hành đặc trưng của phương Đông với tính chất hướng về ánh sáng, phát triển có gốc rễ và tăng trưởng theo thời gian. Các gia chủ hay thích dùng nhiều đồ gỗ để thấy ấm cúng, sang trọng và hòa hợp hơn. Dĩ nhiên ngôi nhà hiện đại luôn cần sự phối hợp của toàn bộ Ngũ hành chứ không nên thiên về một hành Mộc. Do mùa xuân cũng là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, trường khí thiên về tính Mộc gia tăng, nên việc sắp xếp thêm cây cảnh, tủ kệ, bàn ghế… bằng gỗ hoặc mây tre sẽ đem lại sức sống, sinh khí nhiều hơn cho nơi cư ngụ.
– Tranh ảnh, câu đối, thư pháp: cũng thuộc hành Mộc có bổ sung thêm yếu tố Thủy và Thổ tùy chất liệu, hệ thống tranh ảnh ngoài ý nghĩa trang trí mỹ thuật còn góp phần kích hoạt luồng khí, tạo tâm lý thoải mái, thư giãn. Cha ông ta treo các loại tranh phong cảnh, thủy mặc cũng là một cách đưa thiên nhiên vào nội thất, hình thành thú thưởng ngoạn thanh lịch, lại dễ dàng gia giảm, thay đổi chủ đề mà không phụ thuộc vào cấu trúc ngôi nhà. Tại các vị trí bất lợi hoặc khó trổ cửa ra ngoài, một bức tranh miêu tả thiên nhiên sẽ đóng vai trò bổ sung cảnh trí, gia tăng Nội khí. Năm mới chính là dịp trưng bày hình ảnh gia đình sum vầy, thiên nhiên tươi đẹp khá phù hợp.
– Chiếu sáng và đèn trang trí: khác với đèn chiếu sáng cơ bản, đèn trang trí (như đèn chùm, đèn rọi tranh, đèn chiếu điểm, đèn cây đứng, đèn bàn hoặc đèn ngủ…) hay được mua sau khi đã hoàn thành xây dựng và có thời gian sử dụng, chọn lựa. Việc thay đổi cách chiếu sáng theo hướng ấm áp hơn, lan tỏa hơn và rực rỡ hơn sẽ phù hợp mùa lễ hội đầu năm, tăng Dương giảm Âm và giúp khắc phục một số bất lợi cho không gian (nếu có). Về nguyên tắc Ngũ hành thì phòng khách và bàn ăn nên thêm ánh sáng vàng nhẹ (Hỏa – Thổ), trong khi sân vườn có thể điểm thêm ánh xanh (Thủy – Mộc). Ánh sáng trắng (Kim) phù hợp không gian văn phòng nên không cần dùng nhiều trong dịp sum vầy họp mặt năm mới.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
– Hệ thống màn che và thảm: rèm cửa giúp giảm bớt ánh sáng chói lọi và các tia nhìn xoi mói từ bên ngoài, đồng thời cho tác dụng thụ cảm mềm mại hơn đối với người trong phòng. Vì thế, chọn rèm cần căn cứ theo bối cảnh cụ thể (với màu sắc, tỷ lệ, tương quan đồ vật…) chứ không đơn thuần là chọn mẫu vải đẹp. Việc chọn màu và hoa văn của rèm, thảm nên tham khảo ý kiến các thành viên trong gia đình, nên có sự thay đổi rèm, thảm theo tính chất Ngũ hành sinh khắc của mùa trong năm để tốt hơn về phong thủy. Ví dụ mùa đông qua xuân (thuộc Thủy – Mộc) thì rèm thảm cần bổ sung yếu tố Hỏa Thổ ấm áp hơn như họa tiết vui mắt, màu sắc thiên về đỏ, cam, nâu, vàng… Nếu vẫn giữ lại hệ thống rèm cũ, có thể gia tăng tính ấm áp ở thảm trải sàn, gối dựa salon… để những phụ kiện “mềm” giúp nhà thêm sắc xuân mới.
– Vật kỷ niệm, phụ kiện trang trí: mỗi gia đình luôn có khá nhiều và tăng dần theo thời gian các loại vật dụng kỷ niệm, cần chọn lọc và sắp xếp chúng như thế nào để tránh biến ngôi nhà thành một… kho chứa vật dụng. Chất liệu, màu sắc của vật trang trí cũng tuân theo Ngũ hành, như bình gốm thuộc Thổ và Kim, gỗ mỹ nghệ hay mây tre thuộc Mộc, vật dụng màu đỏ cam và có hình tam giác nhọn thì thuộc Hỏa, còn màu xanh, đen và vật có gắn gương, hình dáng uốn lượn… thì thuộc Thủy. Tùy theo không gian và mệnh chủ mà dịch chuyển, làm mới cho tương hợp, các thay đổi này không ảnh hưởng đến cấu trúc ngôi nhà, nhưng có thể làm thay đổi đáng kể thụ cảm về không gian.
- Xem thêm: Nhà cửa và những con số
Xuân là mùa của bao dịch chuyển, mở đón, đổi thay. Đầu năm ai cũng xuất hành, khai bút, khai tâm để đón những điều mới mẻ, để ôn cố tri tân, nhìn lại hôm qua nhằm bước tiếp ngày mai tốt hơn. Hiểu về Dịch là nắm lấy yếu tố văn hóa truyền thống diễn giải phù hợp với xu thế thời đại mới. Như quẻ Địa Sơn Khiêm (quẻ Khiêm) là đạo của trời, đất và người, trong đó cái gì đầy quá ắt phải khuyết bớt đi thì mới dụng được, cái gì thiếu thốn phải được bù đắp. Khiêm ứng trong việc làm nhà là biết đủ nên dừng, giữ khoảng trống mà hữu dụng trong công năng, chứ không phải trang trí dư thừa, phô trương tốn kém. Thay đổi về nhận thức khi khởi sự làm nhà sẽ kéo theo hành động, để các bên tham gia từ đầu đến thiết kế không sa đà theo hình thức mà hướng đến thực chất. Đó cũng là hướng đến sự an lành, bình yên trong nơi cư ngụ.
– Ảnh Xuân Trang