Từ đỉnh Hàm Rồng nhìn xuống, vào những lúc mây và sương như một lớp voan trắng choàng qua thị trấn Sa Pa, người ta vẫn thấy được mái ngói nâu đỏ và tháp chuông cao vút của ngôi nhà thờ đá ẩn hiện trong mây khói, giữa những ngọn thông pơmu xanh ngắt.
Thật khó có thể tìm đâu hình ảnh ngôi giáo đường giữa một cảnh quan ngoạn mục như thế – ngay cả với nhiều nhà thờ nổi tiếng giữa đất trời của Đà Lạt mộng mơ. Không phải vô cớ khi ngôi nhà thờ đá ấy được nhiều nhà nhiếp ảnh săn đón đến vậy. Nó gần như là một biểu tượng, một dấu chỉ của Sa Pa, một cách để nhận biết thị trấn trên mây này. Trong số những tác phẩm đẹp nhất về Sa Pa của nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm, người đã có 27 lần đến với Sa Pa, có vài bức bắt được những khoảnh khắc kỳ diệu mà ánh sáng thiên nhiên đã tô điểm cho nhan sắc vĩnh hằng của ngôi giáo đường bằng đá ấy.
Những năm gần đây, làn sóng không cưỡng nổi của thứ du-lịch-không-bền-vững, thứ du lịch ăn xổi, đã làm biến dạng Sa Pa đến độ nhiều người từng đến đây mươi, mười lăm năm trước không còn nhận ra được cảnh cũ người xưa. Cái đẹp mộc mạc, bình dị thuở nào của Sa Pa đã bị hoen ố bởi nhiều công trình xây dựng mới pha tạp về kiến trúc, bừa bãi vì thiếu quy hoạch, không chỉ ở khu trung tâm mà ở nhiều nơi trong thị trấn lẽ ra phải được bảo vệ thật nghiêm ngặt này (*). Chỉ có nhà thờ đá Sa Pa vẫn nguyên vẹn như xưa, vẫn thu hút như thuở nào. Và khi tuyết trắng về lại với Sa Pa vào mùa đông sau nhiều năm vắng bóng, ngôi nhà thờ đá còn là một biểu tượng của mùa đông Sa Pa: chỉ sau một đêm tuyết rơi, mái nhà thờ đã phủ một màu trắng xóa – cái hình ảnh vốn chỉ thấy ở nước ngoài.
Nhà thờ đá và thị trấn Sa Pa gắn bó mật thiết với nhau. Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp tìm thấy sức hấp dẫn của vùng cao này sau khi đã phát hiện những Đà Lạt, Tam Đảo, Bạch Mã…, Sa Pa bắt đầu được xây dựng thành một khu du lịch nghỉ dưỡng với hàng trăm biệt thự mà nay vẫn còn lại ít nhiều. Ngôi giáo đường bằng đá được hình thành sau đó như một chứng nhân của sự ra đời thị trấn trên cao.
Nhà thờ do linh mục Jean Pierre Idart Alhor (sinh thời thường được người bản xứ gọi là cha cố Thịnh) thiết kế và trực tiếp trông coi việc thi công. Nhà thờ được xây dựng trong suốt 10 năm (1929-1939), cho thấy công trình không đồ sộ này đã được chăm chút như thế nào. Đặc biệt, tháp chuông nhà thờ cao tới 18m, thiết kế thật giản dị mà đầy ấn tượng với mái tháp hơi dốc, phảng phất mái nhà của người Mông, cư dân đông nhất trong số các dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện Sa Pa, cũng là các tín hữu Kitô giáo chiếm số đông trong những buổi lễ tại nhà thờ.
Đến với Sa Pa, nếu may mắn bạn sẽ có dịp dự một buổi lễ với cảnh tượng thật lạ lùng khi mây chợt ùa vào gian thánh trong tiếng kinh cầu rì rầm hay tiếng chuông ngân vang trong chiều…
(*) Vừa qua, tỉnh Lao Kai đã công bố bản quy hoạch thị trấn Sa Pa do các chuyên gia người Pháp thực hiện. Đó là một tin vui cho những ai yêu mến Sa Pa.
- Ảnh Hồ Xuân Bổn, Hoàng Thế Nhiệm