Sau ba ngày cưỡi ngựa xem hoa ở cố đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi mua một tour nội địa để đến với di chỉ khảo cổ Ephesus ở thành phố Izmir cách đó 564km. Nhà tour phát cho chúng tôi một tờ chương trình, vé máy bay rồi cho xe chở khách ra sân bay Atatürk, tự làm thủ tục rồi lên máy bay. Gần một giờ sau chúng tôi đến sân bay Adnan Menderes của thành phố Izmir, đã thấy người cầm sẵn tấm biển có tên mình đứng đón.
Sau khi đón thêm một nhóm khách khác, anh hướng dẫn Karim đưa tất cả lên xe phóng về hướng thị trấn Selçuk cách đó khoảng 70km. Bốn mươi lăm phút sau chúng tôi đã có mặt tại phế tích Ephesus.
Thành cổ 3.000 năm tuổi
Là một trong những di tích La Mã được bảo tồn tốt nhất trên thế giới, Ephesus nằm trong số các điểm du lịch nổi tiếng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, thu hút hơn 2 triệu du khách mỗi năm. Ephesus được người Hy Lạp cổ đại xây dựng vào thế kỷ thứ X trước Công nguyên và từng là một trung tâm kinh tế – văn hóa quan trọng trên thế giới lúc bấy giờ, chỉ sau Rome.
Thời La Mã cổ đại, Ephesus là một bến cảng tấp nập, trung tâm giao thương quan trọng của cả vùng Tiểu Á, nhưng sau nhiều lần bị tấn công và trải qua thăng trầm lịch sử, Ephesus bị bỏ rơi vào thế kỷ XV, mãi đến năm 1863 các nhà khảo cổ học mới tìm thấy phế tích Ephesus. Người ta ước tính mới chỉ khai quật được khoảng 15% những gì còn ẩn giấu bên dưới Ephesus. Năm 2015 nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đường phố chính của Ephesus rộng thênh thang với hai hàng cột cẩm thạch trắng được chạm khắc tinh xảo, thể hiện trình độ mỹ thuật đỉnh cao. Dọc hai bên đường là các tòa nhà thương mại và các đài phun nước công cộng. Một trong ba đại lộ chính là Curetes có ngôi đền Hadrian xây dựng từ năm 118, thờ vị minh quân Hadrianus của đế quốc La Mã. Ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa trong thế kỷ IV, sau đó sụp đổ, hoang phế theo thời gian. Khi thành phố cổ Ephesus được tìm thấy, ngôi đền cũng được khai quật.
Từ năm 2001 đến 2009, đền được phục dựng từ những bộ phận đào được với chi phí khoảng 40 triệu đồng lira (tương đương khoảng 7,35 triệu USD). Mặt tiền của đền có bốn cột Corinth (trên đỉnh trang trí, điêu khắc tinh xảo hoa văn, dây leo) đỡ một vòm cong, ở giữa là bức phù điêu của Nữ thần chiến thắng Tyche. Bên trong ngôi đền, phía trên cửa là tượng Medusa trang trí lá ô rô. Trên cả hai mặt đều là những bức phù điêu miêu tả lịch sử của Ephesus. Tuy nhiên, đây chỉ là bản phục dựng, còn các bức phù điêu thật hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Khảo cổ Ephesus.
Cách đền thờ Hadrian khoảng 500m là thư viện cổ Celsus xây dựng vào khoảng những năm 114-117. Đây là món quà Gaius Julius Aquila (Quan chấp chính năm 110) vinh danh cha mình là Tiberius Julius Celsus Polemaeanus, một thành viên Viện nguyên lão La Mã và là quan chấp chính năm 92. Ông được xem là người có công đầu trong việc vẽ lại bức tranh toàn cảnh nền y học La Mã thời cổ đại. Thư viện từng chứa 12.000 cuốn sách, lớn thứ ba sau thư viện Alexandria và Pergamum, gồm hai tầng với ba lối vào được xây dựng và trang trí công phu.
Cổng là những thức cột Corinth, phía trước có bốn pho tượng của bốn vị thần trí tuệ, đức hạnh, thông minh và học thức. Từ cổng vào một khoảnh sân rộng, có chín bậc dẫn lên thư viện lát đá cẩm thạch. Mái vòm chạm trổ họa tiết tinh xảo. Sàn nhà và các bức tường đều lát đá cẩm thạch. Để tạo hiệu quả về thị giác, các kiến trúc sư đã xây phần tường ở giữa cao hơn hai bên, làm tăng thêm vẻ hoành tráng. Đặc biệt, thư viện cũng chính là lăng mộ của Celsus. Ông được chôn cất trong một hầm mộ bên dưới thư viện.
- Xem thêm: Bursa, cố đô xinh đẹp của Thổ Nhĩ Kỳ
Phía sau thư viện là một khu chợ rất lớn. Từ chợ có một đường hầm xuyên dưới con đường đá cẩm thạch để vào một nhà thổ thời cổ. Kỹ nữ ở trên tầng 2, tầng dưới là nơi đón khách và xướng ca. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong ngôi nhà này pho tượng thần Priapus(*) có dương vật ngoại cỡ. Tượng hiện trưng bày trong bảo tàng khảo cổ học, bản sao bán khắp các cửa hàng lưu niệm.
Theo hướng đại lộ Arcadian, công trình hùng vĩ nhất là nhà hát ngoài trời hình bán nguyệt, ghế ngồi là những bậc đá cao dần lên đến 30m, có thể chứa 25.000 người. Sân khấu ở đằng trước và bên dưới là một tòa nhà cẩm thạch hai tầng. Mặt tiền nhà hát trang hoàng lộng lẫy với những hàng cột, hình đắp nổi và các pho tượng. Kiến trúc sư cũng tính toán sao cho khán giả ngồi trên cao vẫn nghe được âm nhạc và tiếng nói của diễn viên.
Khu vực này còn có quảng trường rộng lớn, nơi diễn ra cuộc sống hằng ngày của người dân TP. Ephesus. Nơi đây thậm chí còn có nhà vệ sinh công cộng là những căn phòng không vách ngăn, những băng ghế đá dài để dọc bờ tường, phía trên đục lỗ tròn để nhiều người cùng sử dụng. Có thể thấy trình độ kiến trúc La Mã cổ đại đã phát triển cao khi thiết kế hệ thống nước chảy bên dưới và luồng không khí xoay vòng để đảm bảo vệ sinh. Ven triền đồi là những ngôi nhà của người La Mã cổ đại. Đặc biệt, các ngôi nhà của giới quý tộc dễ nhận biết vì gồm hai tầng, mỗi phòng có chức năng riêng, có hệ thống nước nóng, lạnh. Tường nhà và sàn trang trí các bức tranh khảm đá tinh xảo, sống động, màu sắc còn gần như nguyên vẹn.
Ở phía đông bắc là đền thờ Nữ thần săn bắn Artemis, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Đền Artemis xây từ năm 550 trước Công nguyên, hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, có chiều dài 115m và chiều rộng 55m, một công trình nguy nga, tráng lệ trên tổng diện tích 6.325m2. Phía trước đền là cổng có mái che, tiếp đến là hai hàng cột nối dài đến lối vào đền.
Các nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại đã tạo ra những tuyệt tác sinh động về các chiến binh Amazon trên các bức tường và cột đá bên trong đền Artemis. Tuy nhiên, đền Artemis đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong cuộc tấn công của những người Goth. Bây giờ, di tích ngôi đền lừng danh chỉ là những tảng đá đổ nát vương vãi khắp nơi. 127 cột cẩm thạch màu trắng, giờ chỉ còn hai chiếc được phục chế trơ trọi giữa cỏ dại.
Ngôi nhà cuối cùng của Đức Mẹ đồng trinh
Miền đất Ephesus trù phú, phì nhiêu với khí hậu luôn mát mẻ, trong lành cũng là cái nôi của Kitô giáo. Không xa Israel nơi Chúa Jesus ra đời và phục sinh, hai tông đồ của ông là Thánh John và Thánh Paul đã dành nhiều thời gian để tới đây rao giảng lời dạy của Chúa. Kitô giáo nhanh chóng trở thành tôn giáo chủ đạo ở Ephesus và người dân ngày nay vẫn tụ tập quanh ngọn đồi Ayasuluk – nơi vẫn còn di tích nhà thờ Thánh John. Nhà thờ Hồi giáo Isabey gần đó là một kiệt tác kiến trúc tôn giáo được xây dựng từ thế kỷ XIV theo phong cách kiến trúc thời các tiểu vương quốc xứ Anatolia (gọi là phong cách Anatolyan Beylik – khoảng cuối thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIII), nổi bật với mái vòm và những khu vườn đầy hoa.
Nằm trên ngọn đồi xanh mát Coressos ở phía tây nam là dấu tích ngôi nhà nơi Đức Mẹ Maria trải qua những năm tháng cuối đời, hiện được phục dựng trên nền móng có từ thế kỷ VI và từ một số di vật, trở thành một nhà nguyện linh thiêng. Hành trình tìm lại ngôi nhà của Đức Mẹ Maria khá kỳ thú, dựa vào cuốn sách Life of the Blessed Virgin xuất bản ở Đức thế kỷ XIX của nữ tu Anna Catherina Emmerich.
Tuy chưa từng ra khỏi nước Đức, nhưng bà đã tưởng tượng về một ngọn đồi và ngôi nhà của Mẹ Maria trước khi bà qua đời. Việc tìm thấy ngôi mộ Thánh John ở Ephesus khiến cho những người tìm kiếm có thêm căn cứ. Cuối cùng, nhóm tìm kiếm đã đến một nơi khớp hoàn toàn với mô tả của vị nữ tu. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố khu vực này là nhà của Ðức Mẹ Maria (Meryem Ana Evi), là di tích lịch sử quốc gia và tổ chức thành điểm hành hương, hằng năm đón hàng triệu khách – cả Kitô giáo lẫn Hồi giáo.
Chính giữa, ngay lối vào nhà nguyện là căn phòng lớn nhất với ban thờ và tượng của Đức Mẹ Maria. Phía bên phải là một căn phòng nhỏ được cho là nơi bà từng nằm nghỉ. Nguồn nước mà bà từng sử dụng nay được dẫn ra bên ngoài. Người ta tin rằng việc uống nước nơi mà Đức Mẹ đồng trinh sử dụng từ hàng ngàn năm trước, có tác dụng trị bệnh thần kỳ hay chí ít cũng mang lại sức khỏe cho bản thân.
Đáng chú ý hơn cả là “Bức tường ước” nằm ngay bên ngoài nhà nguyện. Khách hành hương ghi những điều mong muốn vào giấy hay trên một mảnh vải sạch rồi treo lên bức tường. Người ta tin rằng quyền năng của Đức Mẹ có thể giúp họ hoàn thành điều ước. Giáo hội La Mã chưa bao giờ tuyên bố về tính xác thực của khu di tích do chưa có chứng cứ khoa học nào đáng kể. Tuy nhiên đã có bốn vị Giáo hoàng đến viếng thăm ngôi nhà. Năm 2004 Giáo hoàng John Paul II đã phong thánh cho nữ tu Anna Catherina Emmerich.
- Xem thêm: Những thung lũng kỳ lạ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Không phải là tín đồ Công giáo nhưng chúng tôi đều thành kính cầu mong những điều an lành nhất. Những ngọn nến được đốt lên trong ngôi nhà nhỏ và trong những ô đặt nến bên ngoài nhà làm bớt đi vẻ lạnh lẽo ở đây. Thành cổ Ephesus dù chỉ còn lại tàn tích song sức hấp dẫn về mặt văn hóa tinh thần vẫn không hề suy giảm. Vẻ đẹp hoài cổ đã giữ chân du khách đến thăm nơi này.
(*) Priapus hay Priapos trong tiếng Hy Lạp là thần sinh sản và tình dục, được khắc họa có dương vật cương cứng to quá khổ