Sự kiện nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần II một lần nữa khơi dậy mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về đất nước vẫn còn khá kín cửa này.
Trong số những gì người ta muốn tìm hiểu về Triều Tiên, có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là về hội họa vì các tác phẩm hội họa có thể mang đến lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư, như trường hợp ông Pier Luigi Cecioni, chủ nhân của một bộ sưu tập hàng trăm bức tranh được ông đưa từ Bình Nhưỡng về Ý cách đây trên mười năm.
Pontassieve là một thị trấn nhỏ yên ắng ở vùng Tuscany (miền Trung nước Ý), cách Bình Nhưỡng hơn 8.000km, thế nhưng ở đây người ta có thể tìm thấy một trong những bộ sưu tập tranh của các họa sĩ Triều Tiên vào loại lớn nhất ở phương Tây.
Toàn bộ tác phẩm trong sưu tập này đều có xuất xứ từ xưởng sáng tác tập thể Mansudae ở Bình Nhưỡng, một trong những xưởng mỹ thuật lớn nhất thế giới với khoảng 800-1.000 nghệ sĩ tạo hình thường xuyên sáng tác cùng một đội ngũ chừng 3.000 người phục vụ.
- Xem thêm: Quan hệ liên Triều trong hội họa
Năm 2006, khi cùng một dàn nhạc Ý từ Florence đến Triều Tiên trong một chương trình biểu diễn được Bình Nhưỡng cấp phép, ông Pier Cecioni đã đề nghị được xem các tác phẩm mỹ thuật ở đất nước này.
“Họ đưa tôi đến xưởng sáng tác Mansudae, nơi chưa có ai ở phương Tây từng nghe đến. Vì vậy, tôi đã đưa ra đề nghị liệu họ có thích kinh doanh với chúng tôi không, và họ đáp ‘chắc chắn rồi’”, Pier Cecioni cho biết. Thế là nhạc sĩ Pier Cecioni có thêm công việc mới: kinh doanh tranh Triều Tiên.
Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ I tại Singapore, mối quan tâm toàn cầu đối với đất nước Triều Tiên tăng cao chưa từng thấy, theo nhận định của nhà buôn tranh Pier Cecioni – khi mà có rất nhiều người tìm đến gallery của ông ở Pontassieve chỉ với mong muốn có được một vài bức tranh của các họa sĩ Triều Tiên.
Với một diện tích “khủng” trên 120.000m2, xưởng sáng tác Mansudae là nơi cung ứng tranh mọi chất liệu: khắc gỗ, sơn dầu, chì than, tranh lụa, tranh thêu và cả tranh cẩn đá bán quý (semi-precious stone).
Pier Cecioni đã mua nhiều bức tranh với tất cả những chất liệu đó, có giá từ 300 USD đến 7.000 USD, tùy theo kích cỡ và tính chất công phu khi thực hiện. Tuy nhiên, loại tranh được mua nhiều nhất tại Mansudae là các poster cổ động được vẽ tay vốn có giá phải chăng và rất được các nhà sưu tập khắp nơi ưa thích.
Pier Cecioni đã rất ngạc nhiên khi việc giao dịch mua tranh ở xưởng Mansudae lại rất dễ dàng: “Cách nào đó, việc kinh doanh với Triều Tiên hoàn toàn cổ điển và rất đáng tin cậy. Họ nói là làm và những gì bạn nói bạn phải làm”.
Làm cách nào để đưa tranh về Ý, trong khi có những bức rộng đến hơn 2m? Hóa ra đã có dịch vụ vận chuyển bưu kiện quốc tế DHL ở Bình Nhưỡng: “Vì vậy, họ chuyển tranh qua DHL đến cho chúng tôi chỉ mất năm ngày”, ông Pier Cecioni cho hay.
Thật ra, trước khi được các nhà sưu tập tranh trên thế giới biết đến, Mansudae đã nổi tiếng với các bức tượng đồng hoành tráng, được đặt tại nhiều quảng trường của hơn một chục nước ở châu Phi như Namibia và Senegal. Tuy nhiên, việc kinh doanh các tượng đồng này sau đó đã bị cản trở bởi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (UN) do các vụ thử hạt nhân tại Triều Tiên. Các giới chức UN cho rằng nhờ các tượng đài này mà Triều Tiên có thể thu được hàng trăm triệu USD.
Trong khi đó, ông Pier Cecioni chỉ giao dịch với xưởng Mansudae để có được các tác phẩm hội họa cho phòng tranh của mình và khoản tiền mua tranh, theo ông không đem lại điều gì đáng kể đối với nền kinh tế Triều Tiên. Thế nhưng công việc kinh doanh của ông vẫn chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận: ông không thể nhập thêm tranh từ xưởng Mansudae.
Dù không thể có được tác phẩm mới của các họa sĩ Triều Tiên tài năng, đặc biệt là với tranh vẽ theo phong cách tả thực đến từng chi tiết, thật sống động, nhưng trong kho của phòng tranh ở Pontassieve, ông Pier Cecioni vẫn còn sở hữu hơn 300 tác phẩm.
Thế mà nhu cầu của các nhà sưu tập quốc tế về tranh Triều Tiên chưa hề giảm, thậm chí đang tăng lên từng ngày. Nhưng thay vì bán đi số tranh đã có, Pier Cecioni đã bắt đầu ngưng bán, bởi ông tin rằng những gì là nghệ thuật thật sự luôn rất khó tìm được giá trị tương xứng, và ông muốn giữ số tranh Triều Tiên đã có cho tới khi có thể nhập khẩu từ Bình Nhưỡng những tác phẩm mới.
Sau đây là cuộc trao đổi giữa Pier Cecioni với tạp chí online Artnet News.
Khung cảnh mỹ thuật Triều Tiên trông như thế nào?
Khung cảnh mỹ thuật Triều Tiên khá chân thực, không phức tạp và theo tôi thì một yếu tố thật sự đặc biệt của khung cảnh này là tất cả các họa sĩ xuất sắc nhất đều làm việc trong xưởng sáng tác Mansudae. Đó là một xưởng sáng tác khổng lồ với khoảng 4.000 người làm việc; trông giống một khu campus ở Mỹ nhưng không phải là trường học. Tất cả các họa sĩ đều có trình độ đại học, tuổi của họ khá chênh lệch: từ độ tuổi 20 cho đến 70. Họ sống ở Bình Nhưỡng và chỉ đến đó làm việc, không lưu trú sáng tác.
Ông nghĩ gì về ý định của Mansudae khi muốn kinh doanh với ông?
Họ rất thích điều đó vì tranh được giới thiệu ở phương Tây. Họ chưa bao giờ triển lãm tranh ở phương Tây trước khi tôi bắt đầu công việc kinh doanh với họ. Nhưng đơn giản là họ muốn bán tác phẩm và trở nên nổi tiếng, điều mà tất cả các họa sĩ đều làm. Cấm vận đã có tác động đến xưởng Mansudae, bởi vì nếu với tư cách một nhà buôn tranh (các họa sĩ Triều Tiên) thì công việc của bạn buộc phải dừng lại ngay. Bạn có thể giải thích với tôi điều đó không?
Ông có tích cực vận động để chống lại cấm vận không?
Sau khi cấm vận chống xưởng Mansudae, họ cố tìm hiểu vai trò của tôi (trong quan hệ với xưởng Mansudae). Tôi đã phải làm việc với Bộ Ngoại giao và cảnh sát Ý liên quan đến công việc kinh doanh quốc tế. Tôi đã cố gắng ít nhiều để đưa ra một cách nhìn khác về những quan hệ của tôi đối với Bình Nhưỡng. Tôi nghĩ rằng cấm vận đối với nghệ thuật chỉ có tác dụng ngược. Khi người ta tìm đến với các triển lãm mỹ thuật Triều Tiên (do tôi tổ chức), họ bắt đầu nghĩ nhiều hơn về Triều Tiên và bớt nhìn thấy đất nước này qua lăng kính đã bị đúc khuôn, lệch lạc…