Vòng thi Châu lục – Cuộc thi Nhà Thiết kế trẻ châu Á 2016 (AYDA 2016) đã kết thúc và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho tất cả thí sinh, giám khảo, cùng các chuyên gia hàng đầu từ rất nhiều quốc gia.
Quán quân đại diện cho Việt Nam tham gia tranh tài cùng 15 nước trong khu vực, và nhóm MO3 của Việt Nam đã xuất sắc lọt vào Top 3 của mảng Thiết kế Kiến trúc – vòng Châu lục AYDA 2016. Hơn thế nữa, các quán quân của Việt Nam ở cả hai mảng kiến trúc và nội thất đều đã có những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ khi tham gia chương trình học tập tại Yogyakarta, Indonesia. Nhân sự kiện này cùng sự háo hức hướng tới cuộc thi AYDA 2017, Nội Thất đã có buổi trò chuyện với đại diện đơn vị tổ chức là ông Ee Soon Hean, Tổng Giám đốc Nippon Paint Việt Nam và hai giám khảo cuộc thi là ông Daniel Lim, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Kiến trúc Quy hoạch Công trình RSP, và KTS Trần Khánh Trung, Giám đốc Văn Phòng Xanh TTT Architects.
Lời đầu tiên, chúng tôi xin chúc mừng cuộc thi AYDA tròn mười năm đến đơn vị tổ chức là Nippon Paint. Vì sao Nippon Paint quyết định tổ chức cuộc thi AYDA cách đây mười năm, thưa ông Ee Soon Hean?
Ông Ee Soon Hean: Chúng tôi tổ chức AYDA với mong muốn truyền cảm hứng cho sinh viên kiến trúc và nội thất, để họ phát huy sự sáng tạo và nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghề sau này. Cuộc thi cũng sẽ là “chiếc cầu kiều” kết nối giữa sinh viên với các chuyên gia, để các sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và nâng cao kinh nghiệm, định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp.
Đâu là điểm khác biệt của AYDA so với những cuộc thi trong cùng lĩnh vực?
Ông Ee Soon Hean: Điều đầu tiên, tôi rất tôn trọng những cuộc thi khác trong cùng lĩnh vực kiến trúc – nội thất, vì giống như AYDA và Nippon Paint, họ cũng đang cùng chúng tôi ra sức nâng đỡ các tài năng trẻ trong ngành. Chủ đề AYDA thay đổi hằng năm, sát với thực tế phát triển của ngành và khuyến khích sinh viên cập nhật xu hướng kiến trúc – nội thất trên thế giới. Cuộc thi cũng tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc, học hỏi với chuyên gia, kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất uy tín trong ngành cả trong và ngoài nước qua các vòng thi khác nhau. Thực tế hiếm cuộc thi nào có mức độ tương tác sinh viên và ban giám khảo nhiều như ở AYDA. Hơn nữa, sinh viên còn có cơ hội phát triển bản thân qua thách thức trong từng giai đoạn cuộc thi mang lại, bắt đầu từ thiết kế bản mềm, thuyết trình dự án trước ban giám khảo Việt Nam đến bản thiết kế hoàn chỉnh hơn và thuyết trình trước ban giám khảo đến từ 15 nước châu Á. Đây là những nét khác biệt chỉ có ở cuộc thi AYDA.
KTS Khánh Trung: Tôi xin bổ sung một chút về điểm khác biệt mà tôi cảm nhận từ cuộc thi. Trong vòng thi khu vực, mỗi sinh viên lên trình bày sẽ có quyền chọn giám khảo cho mình, trong đó có một giám khảo cho ý kiến về những ưu điểm, một giám khảo nhận xét về khuyết điểm. Tôi cho đây là điểm ấn tượng, khác biệt, giúp sinh viên không bị lúng túng khi đứng trước quá nhiều giám khảo. Ngoài ra, các thành viên của ban giám khảo như tôi cũng có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau qua những buổi trò chuyện cởi mở hay những bữa ăn tối thân mật.
Là những người có chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp, hẳn các ông rất bận rộn với công việc hằng ngày. Vì sao ông vẫn quyết định tham gia cuộc thi với tư cách giám khảo, thưa ông Daniel Lim và KTS Khánh Trung?
Ông Daniel Lim: Mặc dù công việc tại công ty khá bận rộn nhưng tôi cảm thấy rất hứng khởi khi tham gia vào cuộc thi AYDA để tìm hiểu về năng lực cũng như phương pháp học tập của sinh viên Việt Nam. Nhờ làm giám khảo cuộc thi mà tôi có dịp tiếp xúc và tương tác với sinh viên nhiều hơn, thật sự rất vui và thú vị!
KTS Khánh Trung: Tôi đóng vai trò là chủ nhiệm CLB Kiến Trúc Xanh và Nippon Paint cũng là đơn vị thường xuyên đồng hành cùng câu lạc bộ trong các chương trình hội thảo. Hơn nữa, tôi tham gia làm giám khảo AYDA vì tiêu chí “kiến trúc xanh và phát triển bền vững” cũng được đề cao trong cuộc thi này. Đến khi tham gia, tôi thật sự hứng thú khi được làm việc cùng các bạn sinh viên giàu nhiệt huyết và tài năng. Nhờ cuộc thi mà tôi cũng có thêm nhiều bạn bè trong nghề, cả trong và ngoài nước.
Ở vị trí ban giám khảo, các ông nhận xét gì về chất lượng của các ứng viên Việt Nam trong cuộc thi ADYA 2016?
Ông Daniel Lim: Tôi rất ngạc nhiên vì trình độ vượt bậc của họ. Chắc hẳn họ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để có các mẫu thiết kế tham dự cuộc thi chất lượng như vậy. Với 200 bài dự thi, ban giám khảo đã có một khoảng thời gian xét duyệt khó khăn mới lựa chọn được các thí sinh vào vòng trong. Tôi rất hài lòng với bài thi của hai nhóm quán quân ở cuộc thi AYDA 2016. Những thiết kế của họ đạt được sự sáng tạo trong thiết kế, sử dụng màu sắc mềm mại, sang trọng. Cách họ lên kế hoạch và thiết kế cũng rất thú vị, khiến tôi và những giám khảo khác cũng hào hứng theo. Đặc biệt, cách trình bày của họ cũng rất cởi mở và giàu tính thuyết phục.
KTS Khánh Trung: Tôi thì có lẽ hơi khắt khe hơn. Đúng là cuộc thi này có ý tưởng hay và mới lạ hơn một số cuộc thi khác trong cùng lĩnh vực, nhưng tôi thấy trong cuộc thi AYDA 2016 vẫn còn những bài đi sai hướng do chưa hiểu rõ đề tài. Vài ý tưởng lại quá lớn, vượt quá khả năng nên phần giải quyết đề tài không hoàn chỉnh. Một số ý tưởng có vẻ mới lạ đối với ngành kiến trúc trong nước nhưng lại không mới ở tầm châu lục…
Riêng với hai dự án của quán quân của Việt Nam thì ông đánh giá thế nào, thưa KTS Khánh Trung?
KTS Khánh Trung: Cả hai bài thi của quán quân mảng thiết kế nội thất và kiến trúc đều có tính sáng tạo, mang đậm tính nhân văn và cách giải quyết vấn đề khá tốt. Đặc biệt, khi đi thi vòng thi ở vòng châu Á, các bạn sinh viên đã rất tự tin khi thuyết trình trước Ban Giám khảo châu lục từ 15 quốc gia. Tôi cho là rất đáng khen!
Ông có những kinh nghiệm gì chia sẻ cho các bạn ứng viên trong cuộc thi năm nay không?
KTS Khánh Trung: Tôi có một số lưu ý dành cho các thí sinh năm nay. Thứ nhất, ứng viên cần tìm hiểu kỹ đề để tránh… đi lạc. Thứ hai, ý tưởng là yếu tố quyết định và tôi đánh giá cao sức sáng tạo của các bạn sinh viên Việt Nam. Trong vòng Châu lục AYDA 2016, quán quân Việt Nam chỉ thua đội quán quân đến từ Nhật Bản 1 điểm. Năm nay, tôi nghĩ rằng khả năng vượt lên của sinh viên Việt Nam là không quá khó. Thứ ba, chúng ta cần chú ý yếu tố văn hóa bản địa trong bài thi. Chẳng hạn dự án về thiết kế nghĩa trang, đối với nước ta rất phố biến, nhưng với các giám khảo người Indonesia thì khá lạ lẫm. Vì vậy, chúng ta nên chọn những dự án không gây nhầm lẫn, khó hiểu về văn hóa hoặc phải làm cho giám khảo các nước hiểu hơn về văn hóa của Việt Nam. Cuối cùng, thí sinh nên sử dụng hình vẽ nhiều hơn là chữ viết trong bản thiết kế.
Thưa ông Daniel, được biết ông đã trao tặng học bổng thực tập cho các bạn sinh viên đạt giải. Vì sao ông lại quyết định dành cho họ cơ hội học tập này?
Ông Daniel Lim: Chúng tôi rất vinh dự được trao tặng cơ hội này cho các bạn đạt giải cao. Tôi muốn những người sinh viên tài năng Việt Nam có cơ hội được thực hành trong một môi trường quốc tế. Tôi cũng rất hào hứng để có dịp làm việc với những bạn trẻ có tố chất và năng lực.
Thành công của các đội thi tại AYDA 2016 đã được thúc đẩy bởi câu slogan: “Be Bold, Be free, be you”. Xin ông chia sẻ nhiều hơn về ý tưởng này ?
Ông Ee Soon Hean: Cuộc thi là hành trình mà chúng tôi xây dựng nhằm giúp sinh viên bước ra khỏi thế giới vốn có của bản thân, như chú ếch thoát ra khỏi đáy giếng, để thực hiện giấc mơ của mình. Khi đó, sinh viên cần có sự Táo bạo – Be bold, chấp nhận thách thức để tạo nên những ý tưởng vượt qua những quy luật thông thường; Tự do – Be free, vì bạn không mất gì cả và Be you – hãy là chính bạn để trí tưởng vượt ra khỏi khuôn khổ nhận thức cố hữu và sáng tạo không giới hạn. Từ kết quả cuộc thi trong mấy năm qua, tôi thấy nhiều sinh viên Việt Nam có đủ những phẩm chất này, họ bản lĩnh, tự do và có tố chất của người kiến tạo cuộc sống không lẫn vào đâu được.
Ông Daniel Lim: “Be bold, be free, be you” là những điều kiện đòi hỏi kiến trúc sư và nhà thiết kế cần có để thoát ra khỏi lối mòn, cùng đồng nghiệp của mình tạo nên một sự khác biệt trong nghề. Cuộc thi AYDA sẽ là cơ hội tốt cho sinh viên kiến trúc và nội thất học được những kinh nghiệm thực tế bên ngoài lớp học, bắt tay vào làm một dự án có giá trị lớn, được đánh giá bởi những hội đồng giám khảo chuyên nghiệp đồng thời có cơ hội so sánh năng lực của mình với các bạn trong khu vực.
Có thể thấy AYDA là một cuộc thi không chỉ có ý nghĩa với sinh viên mà còn có giá trị với nền kiến trúc Việt Nam…
Ông Ee Soon Hean: Cuộc thi đóng vai trò mang đến cơ hội học tập, thực hành và nuôi dưỡng tài năng trẻ Việt Nam. Đó là lý do nhiều nhà thiết kế và kiến trúc sư tham gia vào cuộc thi này. Hơn nữa, đây là cơ hội để kiến trúc sư Việt không chỉ được biết đến trong nước mà còn được vinh danh ngoài lãnh thổ quốc gia.
KTS Khánh Trung: Tôi đồng ý với quan điểm của ông Ee Soon Hean. Thêm vào đó, chương trình học tập tại nước ngoài dành cho quán quân các quốc gia là một trải nghiệm tuyệt vời mà không phải bất kỳ sinh viên nào khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng có cơ hội tham gia. Khi có cơ hội tham gia vòng thi châu lục, các bạn sinh viên trẻ sẽ được tiếp xúc, lắng nghe những góp ý từ diễn giả, ban giám khảo là các chuyên gia hàng đầu của châu lục. Đây cũng là cơ hội mở rộng tầm mắt, thay đổi suy nghĩ, trưởng thành hơn về tư duy. Phần thưởng này lớn hơn rất nhiều so với chiếc cúp mà các bạn nhân được.
Cùng với sự kiện kỷ niệm 10 năm của cuộc thi, chủ đề mới AYDA 2017 là “You for tomorrow”, chủ đề này có ý nghĩa thế nào với các thí sinh?
Ông Ee Soon Hean: Chủ đề năm nay tạm hiểu là “Tương lai trong tay bạn”. Chúng tôi muốn dành cơ hội cho mỗi sinh viên kiến tạo một tương lai theo tưởng tượng của riêng mình. Từ tầm nhìn của ngày hôm nay, chúng tôi hi vọng sinh viên có thể hình dung ra cách con người sinh sống, giải trí, làm việc để có thể thiết kế những công trình có khả năng phục vụ cộng đồng tương lai.
Ông Daniel Lim: Tôi cho rằng “You for tomorrow” cũng là một ý tưởng rất hay. Chúng ta thiết kế ra những công trình mới cho con người và đó cũng là những thiết kế cho tương lai. Thực tế, nhiều công trình kiến trúc cần đến ba, bốn năm mới hoàn thành. Vì vậy, chủ đề này cho phép sinh viên phải suy nghĩ, cân nhắc xem giá trị của dự án trong một tương lai xa hơn, chứ không chỉ là những công năng trước mắt. Điều này đặc biệt hữu ích để sinh viên có tầm nhìn xa hơn và sử dụng nguyên liệu với những thiết kế cho tương lai xanh.
Ông còn điều gì muốn gởi gắm nhân dịp AYDA kỷ niệm mười năm không, thưa ông Ee Soon Hean?
Ông Ee Soon Hean: Giá trị cốt lõi của cuộc thi là ươm mầm cho những thế hệ nhà thiết kế mới. Đó là cam kết và tầm nhìn của AYDA trong suốt 10 năm qua.
Tôi mong muốn cuộc thi không chỉ được phát động ở hai thành phố lớn mà sẽ phủ rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hy vọng rằng cuộc thi sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong những năm tới, để ngày càng nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam không chỉ thành công trong nước mà còn vinh danh ở cả thế giới. Những tòa nhà cao tầng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ là thiết kế của thế hệ kiến trúc sư và nhà thiết kế Nội thất Việt Nam tương lai, tôi tin như thế!