“Tám nàng tiên” là tên gọi cung đường mà các bạn trẻ của toong trips dẫn chúng tôi đi, băng qua tám bãi biển đẹp của tỉnh Ninh Thuận và đích đến là một đảo san hô ở Cam Ranh, Khánh Hòa.
Tôi nhớ mãi hình ảnh chị bạn người Nhật khi ngắm san hô dưới làn nước trong vắt ở hòn Muỗi khi chị bày tỏ niềm vui sướng, bảo rằng thật ngạc nhiên và phấn khích!
Đó cũng là cảm giác trong suốt cả chuyến đi của tôi và nhóm bạn đồng hành 15 người nhiều quốc tịch: Nhật, Mỹ, Pháp, Đài Loan, Malaysia và Việt Nam.
Bất đồng ngôn ngữ nhưng chúng tôi đều có chung biểu cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên và sinh hoạt của người dân địa phương.
Trên chuyến xe đưa cả nhóm đến cửa rừng, ai nấy đều người ồ, à thích thú khi thấy những đàn heo “mọi”, những đàn dê của người bản địa băng qua đường, những đàn bò thõng yếm đi trên lộ.
Buổi sáng đầu tiên trong hành trình hai ngày, chúng tôi băng qua vùng đệm của Vườn quốc gia Núi Chúa. Rừng tạp nhưng có nhiều đoạn cây cối che phủ, toàn bóng râm.
So với trekking trên đồng cỏ hoặc rừng thông thì đi trong rừng ở Núi Chúa đem đến một cảm giác rất bất ngờ, bởi hoàn toàn không biết được phía trước mình là những gì.
Có những lối mòn rất nhỏ và rậm rạp, người không quen đi rừng phải bám theo người dẫn đường. Rẽ phải, rẽ trái, luồn vào những khe đá lớn… giống như đang chơi trò rồng rắn lên mây trong sân chơi là rừng bát ngát.
Nếu ví rừng như một ngôi nhà thì điều thú vị là thi thoảng lại gặp những “giếng trời” – đó là những khoảng rừng thưa, những bãi đá bất ngờ lộ ra để nắng rót thẳng vào “nhà”.
Trong cái oi oi của khí hậu Nam Trung bộ, trong sự tĩnh lặng dường như không chút xao động của rừng thì khoảng giếng trời ấy đem lại không khí tươi mát, thậm chí có cả một hồ nước với mặt nước sóng sánh như chiếc gương soi.
- Xem thêm: Trekking rừng thông Đa Mân – D’ran
Và biển, vốn là điểm nhấn của chuyến đi – có đến tám bãi biển đẹp của Ninh Thuận – thế nhưng trong giới hạn của sức lực và trong hai ngày ngắn ngủi, chúng tôi chỉ có thể chạm vào biển ở vài đoạn của hành trình.
Dù vậy, với kinh nghiệm của mình, người dẫn đường luôn sắp xếp sao cho chúng tôi có được những điểm dừng chân để tha hồ thu vào tầm mắt khung cảnh đẹp nhất.
Đó là đứng trên mũi đá dựng nhìn ngắm toàn cảnh biển và cái eo biển nhỏ xíu nhìn qua một hẻm đá màu mỡ gà. Hay đứng trên một đỉnh cao để gói trọn trong tầm mắt bãi Thùng – tên gọi bãi Thùng, theo giải thích của người dẫn đường, là bởi vì nó có hình dáng giống chiếc thùng chứa nước (!) nhưng đúng là nó chứa nước biển xanh ngắt đến nao lòng!
Sau khi đã luồn rừng, chúng tôi leo lên hai chiếc xe “mui trần” – loại xe Hoa Lâm mà người ta thường dùng chở hàng – để đến nơi cắm trại qua đêm. Chuyến xe cho chúng tôi tiếp cận với biển, với rừng ở một chiều kích khác.
Núi đồi và biển cả phía xa như đang chuyển động khi xe uốn lượn qua con đường quanh co với tốc độ nhanh. Gió biển mơn man càng làm cho tôi nôn nóng được hòa vào biển cả, khi biết đích đến là bãi biển Chà Là hoang sơ.
Hành trình ngày hôm sau rất nhẹ, chỉ luồn qua một đoạn rừng ngắn chúng tôi tiếp cận bãi Bình Tiên. Đi dọc bờ biển đầy cám dỗ vì lúc nào cũng muốn ùm xuống làn nước trong xanh. Nhưng chúng tôi kiềm chế, dành thời gian cho những rạn san hô.
Vượt qua một vụng biển nhỏ phân giới giữa Ninh Thuận và Khánh Hòa, chúng tôi đến với vịnh Cam Ranh, sau đó được tàu đánh cá chở ra hòn Muỗi – đảo nhỏ cách đất liền không xa.
Tàu không cặp bến đảo mà thả neo để cố định, từ trên tàu nhìn xuống, qua làn nước biển trong vắt thấy những cụm san hô dưới đáy nước. Với áo phao và kính bơi, cả đoàn lặn xuống biển để xem san hô.
San hô ở hòn Muỗi đa dạng và đẹp hơn ở vùng biển Nam Du. Biển lặng, ít sóng và nước trong. Những đàn cá lớn nhỏ luồn lách qua các khe đá. Chúng tôi thả lỏng người, hòa vào biển cả, những con cá mon men gần hơn…
Với tôi, chuyến đi quá đủ cho hai ngày cuối tuần. Sự phấn khích và tán thưởng không hề khách sáo của những người bạn đồng hành nước ngoài tăng thêm niềm vui của chuyến đi.
Trở về, ngoài những trải nghiệm với thiên nhiên, tôi còn có thêm những người bạn mới, cùng hứa hẹn giữ liên lạc với nhau, lên kế hoạch cho một chuyến đi khác…