Sáu năm trước (2012) TP.HCM đã khởi động Dự án nghiên cứu bảo tồn và cải tạo phố cổ Chợ Lớn, do chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ kỹ thuật (đơn vị tư vấn DCU). Sáu năm, dự án vẫn nằm trên giấy. Người Đô Thị có một ngày lang thang Chợ Lớn…
Dưới cái nắng hanh khô của một ngày cuối tuần, tôi rảo bước, ngước nhìn và nhấc máy. Tôi chụp kiến trúc cũ. Tôi chụp căn nhà cổ. Tôi chụp những lặng lẽ người trong những khuất hẻm xưa. Và đôi khi tôi cố “chụp” cả những lơ lớ pha tạp của một thứ âm sắc được tích tụ từ sự cộng cư giữa người Việt bản địa với những người Hoa thời “phản Thanh phục Minh” rời bỏ bản quán lánh nạn nơi này…
Một gã đàn ông bụng bự trần trùng trục bước tới, gã hỏi: Chụp gì? Nhà báo à? Gã nói bằng một thứ giọng lơ lớ.
Không. Tôi là một “khách du lịch”, một khách du lịch luôn mang theo máy ảnh, chứ không có ý gì. Tôi trả lời.
Vẫn cái giọng ngồ ngộ khó nghe, gã chỉ tay vào một căn nhà cũ, căn nhà gã nói do cụ cố gã để lại.
“Biết không, một viên gạch bông (gắn trên tường) kia, họ – những người thu mua đồ cũ – lùng sục trả tôi 50 đô đấy. Đồng ý, cậy liền à”.
Tôi nhấc máy bấm vội về phía gã chỉ.
Không, không được, nhớ nhé, nghe tôi. Nếu anh cậy bán, dù chỉ là một viên gạch, lập tức, thứ mà anh đang có – một căn nhà cổ – trong một con hẻm cũ sẽ trở thành vô giá trị. Anh hiểu không? Tức là không còn quan trọng, không còn đáng một cắc một xu giá trị nào…
Gã hì hì cười, cái bụng bự khực khực rung, hai mắt híp lại. Có lẽ gã biết, gã hiểu.
Chuyện nhặt với gã Chí Phi bụng bự họ Trương có thể không đại diện cho cả cộng động người gốc Hoa ở Chợ Lớn, nhưng dông dài cũng khiến tôi mường tượng tới một Chợ Lớn “của Paul Doumer” có gì thủa trăm năm trước.
“Chợ Lớn là một trong những thành phố sạch sẽ, nề nếp, mọi thứ như châu Âu, mặc dù một số đường phố giống kiểu phương Đông – mang đặc trưng châu Á hơn đặc trưng An Nam. Thóc lúa nhiều vô kể. Đây là một cái chợ lúa gạo lớn của Nam Kỳ. Các nhà máy xay xát gạo đều thuộc sở hữu của người Hoa và do họ điều hành, trừ những nhà máy thuê kỹ sư châu Âu. Các cửa hiệu buôn bán thóc gạo lớn ở Chợ Lớn cũng của người Hoa, và hầu hết các chủ quán, người bán lẻ, người bán hàng rong đều là người Hoa. Thành phố này có vẻ toàn là người Hoa, dù thực tế một nửa dân số là người An Nam hoặc người lai, mẹ An Nam, bố Hoa”.
Paul Doumer, một cử nhân luật, một chuyên gia tài chính, một nhà báo, một nghị sĩ của đảng cấp tiến – người xuất thân trong một gia đình lao động, là con của một công nhân đường sắt – một Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902, viết trong cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương.
Là một “tay” thực dân chính thống, ông thiết lập bộ máy nhà nước thuộc địa và xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố. Muốn khai thác hiệu quả thì phải “hiện đại hóa” xứ Đông Dương. Ông lệnh Chánh tham biện Nam kỳ (một quan chức Pháp hạng cao nhất) cùng Hội đồng thành phố gồm các thành viên là người Pháp, người An Nam và người Hoa, có nhiệm vụ phải cung cấp tất cả dịch vụ giống như một thành phố châu Âu: “Bảo trì các đường phố và đường giao thông, cảnh sát đô thị, cấp nước, chiếu sáng, giáo dục công cộng, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe…”.
Sau 120 năm, Chợ Lớn còn gì?
“Còn gì” là một câu hỏi khó, nhưng không khó để trả lời Di sản “Paul Doumer” còn gì nếu nhìn Chợ Lớn ngày hôm nay qua những thân cầu bàng bạc thiếu tính “bản địa”, một thứ “bản địa” cần có trong cấu trúc đồng nhất của đô thị truyền thống đang đã thế chỗ chữ U, Mang Cá, Máy Rượu, Vạn Nguyên, Rạch Cát – những cây cầu sắt nối một Bình Đông bến sông tấp nập với một Bình Tây bến chợ sầm uất, từng lưu giữ hoài niệm về một thời “Phố cất vẽ vời xanh tơ lục. Buồm giong lên xuống trắng như cò…”.
Không khó để trả lời nếu nhìn Chợ Lớn ngày hôm nay qua những khu đô thị, trung tâm thương mại đơn điệu “tự kỷ” thiếu tính kết nối giữa hiện đại và truyền thống, mặc nhiên đè khuất những cửa hiệu, chợ cũ, nhà cổ nửa Tây nửa Hoa đã từng làm nên một phần kiến trúc cổ Chợ Lớn – vốn sở hữu riêng của những bá hộ, quan phủ, tổng đốc, thương gia…
Và không khó để trả lời nếu nhìn Chợ Lớn ngày hôm nay qua những Lý, Hạng, Phường – hẻm cũ “không có năm, chỉ có đời, mấy đời lận bà cố ngộ bán cháo, ông nội ngộ bán cháo, cha ngộ bán cháo, ngộ bán cháo, con trai ngộ bưng cháo cho ngộ bán…” đang dần mờ tên phai tích mất dần bản sắc bởi những tấm biển “Khu dân cư” khoác áo “Văn hóa” – một sản phẩm “cộng cư” có thể nói kỳ lạ nhất của quá trình hiện đại hóa, đồng thị hóa cực đoan – trong đó “con người mới” có xu hướng “tự phá” đi hồn xưa cốt cũ.
Một thổ cư người Việt gốc Hoa tại quận 5, chia sẻ: “Sau năm 1975, kinh tế sụp đổ là một trong những yếu tố khiến Chợ Lớn trở nên suy tàn. Từ một thành phố trung tâm, qua nhiều biến cố của lịch sử, Chợ Lớn trở thành một khu kém phát triển. Thành phần dân cư Chợ Lớn cũng thay đổi nhiều trong giai đoạn này. Nhiều người Hoa đã dời đi các quận vùng ven như Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh… bán lại nhà cửa cho luồng dân cư mới. Việc mất bản sắc bên cạnh yếu tố bên ngoài thì còn do người Hoa Chợ Lớn không còn đông đảo như xưa, sau là do chính người Hoa giảm tính cộng đồng so với trước đây”.
“Biết phải làm gì. Người Hoa giàu có, họ đã dự liệu tương lai xấu nên đi hết rồi còn đâu. Dân lao động chúng tôi, ngày quần quật 12 tiếng, ăn chả đủ ăn, mặc chả đủ mặc, bảo tồn giữ sao nổi?” – ông Chánh già, một người gốc Hoa, làm bảo vệ cho một khu nhà cũ mới di dân trên đường Tản Đà với khuông mặt khắc khổ buồn buồn, xen chút tiếc nuối.
Tôi không rõ. Gã Phi, ông Chánh và những người Việt gốc Hoa tôi gặp, có lẽ cũng không rõ. Nhưng họ và tôi đều nhận thấy một điều: Sau 120 năm, kể từ ngày ông Paul Doumer một trong những yếu nhân góp phần tạo ra một giai đoạn lịch sử đầy biến động trên mảnh đất An Nam – Chợ Lớn, thửa đất trên bến dưới thuyền, cái chợ lúa gạo trung chuyển của cả Nam kỳ, thành phố sạch sẽ nề nếp mọi thứ như châu Âu… đã đang mất dần, dần mất hẳn.
– Ảnh Mai Kỳ