Chiếu sáng kiến trúc là một lĩnh vực mới trên thế giới, ra đời được khoảng 20 năm nay. Xu hướng thế giới hiện nay đang như thế nào, và ở Việt Nam, lĩnh vực này vì sao đang thu hút sự quan tâm của các chủ đầu tư? Tạp chí Nội Thất trò chuyện với TS-KTS Trần Văn Thành, Giám đốc thiết kế của Công ty Tư vấn Thiết kế Chiếu sáng ASA Studios khi anh vừa trở về từ Hội nghị thiết kế chiếu sáng toàn cầu PLDC 2015 tại Rome (Ý).
TS-KTS Trần Văn Thành, 36 tuổi, là đồng sáng lập ASA Studios, công ty tư vấn chiếu sáng chuyên nghiệp tại TP.HCM. Anh học kiến trúc tại Việt Nam, sau đó học thạc sĩ về thiết kế chiếu sáng kiến trúc tại ĐH Wismar (Đức) và hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ ngành Lighting and Built Environment tại ĐH London Metropolitan (Anh). Trước khi về Việt Nam, anh từng tham gia thiết kế chiếu sáng nhiều dự án cao cấp trên thế giới.
Anh Trần Văn Thành chủ trì tư vấn giải pháp chiếu sáng cầu Rồng ở Đà Nẵng – công trình đoạt ba giải thưởng lớn về chiếu sáng trên thế giới: FX Design Award, Lighting Design Award, giải Biểu dương đặc biệt của IALD Lighting Design Award. Giải pháp chiếu sáng Nhà hàng Sorae do ASA cung cấp cũng vừa đoạt giải Công trình xuất sắc thuộc thể loại nội thất với chi phí thấp của giải thưởng Darc Award 2015 (Anh).
Ở hội nghị, những nhà chuyên môn đã có những thảo luận như thế nào về khuynh hướng mới trong các thiết kế chiếu sáng trên thế giới?
Chiếu sáng không nằm ngoài sự thay đổi về công nghệ và xã hội. Ngoài hội nghị ở Rome, năm nay tôi có dịp đến xem triển lãm Milan Expo và hồi 2014 tham dự hội nghị chuyên ngành chiếu sáng Enlighten 2014 Berlin, tựu chung lại có thể nhận thấy bốn khuynh hướng chính.
Thứ nhất là khuynh hướng số hóa: Những thiết kế không gian có tính tương tác nhiều hơn, có sự biến đổi không ngừng, hoặc thiết kế chỉ xuất hiện khi có người sử dụng. Nhiều công ty chọn đây là hướng đi mới trong ngành thiết kế chiếu sáng.
Thứ hai là con người trở thành một phần của thiết kế. Ví dụ một phương án chiếu sáng cho phép người sử dụng tự tạo ra những hiệu ứng mà họ muốn, người sử dụng là một phần của thiết kế chứ không chỉ đứng nhìn.
Thứ ba là thế giới đã coi chiếu sáng là một phần không thể thiếu nhằm đem lại những trải nghiệm tuyệt vời. Các chủ công trình giờ đã đầu tư nhiều hơn vào chiếu sáng, xem đây như một giá trị gia tăng cho dịch vụ. Một không gian lý tưởng giờ đây không chỉ có âm nhạc hay, món ăn ngon mà còn đẹp về mặt thị giác, tạo cảm hứng.
Thứ tư là chiếu sáng ngày càng có chiều sâu hơn; điều đó có nghĩa người ta không chỉ sử dụng kỹ thuật chiếu sáng, mà còn thông qua chiếu sáng để thỏa mãn những giấc mơ, đan xen vào đó những yếu tố về thời gian, thiên nhiên, nơi chốn và văn hóa. Trong một không gian, chiếu sáng đã trở thành một dịch vụ, cũng như món ăn, âm nhạc, bài trí nội thất, ngoại thất nhằm tạo ra các trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Thời đại tiếp theo của xã hội loài người sẽ là thời đại của “tầm nhìn và giấc mơ”. Những thiết kế chiếu sáng mới đang thiên về kiến tạo những giấc mơ, ảo mà rất thực, giải phóng sức tưởng tượng của con người, biến những ý tưởng, những giấc mơ thành sự thật. Các chuyên gia thiết kế chiếu sáng giờ đây phải thông hiểu nhiều kiến thức khác nhau, và biên giới các ngành dần bị xóa mờ, trộn lẫn. Nhiều công ty làm media design rất thú vị. Một mình ánh sáng chưa đủ mà còn cần kèm theo âm thanh và nhiều hiệu ứng tinh vi khác để tạo thành một thể thống nhất. Tại Milan Expo năm nay có rất nhiều công trình dùng kỹ thuật mapping tạo không gian ảo, tương tác phô diễn và gây hiệu ứng rất mạnh.
Theo anh, thị trường lĩnh vực chiếu sáng ở Việt Nam đang như thế nào?
Tôi nhận thấy rất rõ là nhu cầu về các không gian cao cấp ngày càng nhiều. Một trong những yếu tố để trở thành cao cấp là không gian phải rất độc đáo, sáng tạo, đầy cảm hứng; trong đó ánh sáng được coi như một “dịch vụ” quan trọng. Các nhà đầu tư và các chủ công trình ở Việt Nam ngày càng hiểu hơn rằng, nếu công trình được chiếu sáng đẹp sẽ đem lại giá trị rất cao vì ánh sáng đem lại những trải nghiệm thú vị và độc đáo hơn trước đây. Các nhà đầu tư bất động sản gần đây rất chú trọng vào sân vườn và các tiện nghi cao cấp; điểm mà họ có thể tạo ra sự khác biệt là chiếu sáng chuyên nghiệp để tạo vẻ đẹp lung linh. Những điều này trước đây chưa có. Chúng tôi được mời tham gia vào các dự án khu dân cư lớn như City Garden, khu đô thị mới Đại Quang Minh, ở các dự án đó các nhà đầu tư coi chiếu sáng đẹp, chuyên nghiệp là không thể thiếu. Lần đầu tiên chúng tôi thực hiện dự án quy hoạch chiếu sáng cho một khu đô thị mới mà chủ đầu tư là tư nhân. Như vậy chiếu sáng không chỉ là công trình nhỏ lẻ mà có quy mô đô thị. Đó là sự quan tâm nghiêm túc, quan tâm ngày càng cao, và các chủ đầu tư áp dụng ngay vào thực tế công trình của họ.
Thêm nữa, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn đang được xây dựng khắp nơi. Những khách sạn cũ cũng muốn “lột xác”, và điều họ muốn làm, cũng là dễ làm nhất, là cải tạo hệ thống chiếu sáng. Ở một số khách sạn lớn của Sài Gòn mà chúng tôi đang tham gia cải tạo, chủ đầu tư yêu cầu chiếu sáng phải tạo cảm giác phi thời gian và tương tác hơn với khách, với các chuyển động và công nghệ độc đáo, yêu cầu phòng ballroom phải tạo ánh sáng làm sao để có thể dàn dựng được nhiều không gian, với kịch bản sinh động, hiện thực hóa những gì trước đây chỉ có trong giấc mơ.
Cảm hứng thiết kế của anh thường đến từ đâu?
Chúng tôi luôn nghĩ mỗi dự án là một thách thức mới, vì chúng tôi coi trọng tính độc đáo và đẳng cấp trong các thiết kế. Tính độc đáo đến từ địa phương tính, từ không gian xung quanh của công trình, hoặc từ đối tượng sử dụng, từ yếu tố văn hóa xã hội. Ví dụ dự án cầu Rồng tại Đà Nẵng mà chúng tôi đoạt giải Biểu dương đặc biệt (Best Citation) của Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD) năm 2014 là hình ảnh cách điệu dân gian rồng Việt Nam bay giữa các tầng mây mà chúng ta thấy ở các công trình cung đình xưa ở miền Trung. Nhìn là biết đó là rồng Việt Nam chứ không phải rồng Trung Hoa hay phương Tây. Hay với dự án Khách sạn Hilton ở Đà Nẵng đang được xây dựng, chúng tôi lấy cảm hứng từ mặt biển mênh mông, còn một công trình khách sạn khác ở Phú Quốc, chúng tôi lại lấy cảm hứng từ khung cảnh hoàng hôn, khi mặt trời lặn trên biển tuyệt đẹp.
Hoặc với Nhà hàng Nhật Bản Sorae (TP.HCM), chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các phong cách ẩm thực. Người Nhật ăn trong không gian trầm hơn, khác với ẩm thực Trung Hoa là luôn cần ánh sáng tươi mới, tạo cảm hứng cho các cuộc trò chuyện. Trong khi với Nhà hàng The MEZZ mới hoàn thành ở Khách sạn Sofitel Saigon, chúng tôi muốn đem lại một không gian tương tác mang không khí Pháp kiểu Đông Dương quý phái.
Dù chúng tôi luôn tìm sự độc đáo, các cảm hứng thiết kế luôn lấy từ chiều sâu văn hóa, con người, thiên nhiên nhưng chúng tôi cũng rất thực tế. Sự thành công của chúng tôi là hiểu được chủ đầu tư và biến giấc mơ của chủ đầu tư thành hiện thực. Ví dụ, khi tư vấn cho một chủ khách sạn, chúng tôi hiểu rằng một vòng đời của khách sạn chỉ từ 5-7 năm, như vậy mức đầu tư chiếu sáng ra sao để phù hợp để không gian có thể dễ dàng uyển chuyển, thay đổi theo xu hướng và sở thích người sử dụng, chứ không phải đồ “xịn” hay bền là lựa chọn tốt nhất với họ.
Chúng ta cứ nói đến chiếu sáng là liên tưởng tới thắp đèn, tốn năng lượng, điều này có đúng không?
Quan điểm của tôi là nếu thắp đèn lên mà kiếm thêm tiền thì tốt hơn là sống trong bóng tối và cùng nghèo đói (cười). Chẳng hạn cầu Rồng ở Đà Nẵng là một ví dụ cụ thể. Có thể nói đây là cây cầu đầu tiên ở Việt Nam mà chủ đầu tư là chính quyền địa phương vốn rất hiểu và ủng hộ việc tạo ra các giá trị độc đáo, trong đó các giải pháp chiếu sáng là một phần quan trọng. Rõ ràng là hình ảnh Đà Nẵng trong mắt du khách trở nên đặc biệt hơn khi cầu Rồng được nhắc tới như một công trình mới, phải đến xem ở Việt Nam. Hay Nhà hàng Sorae giờ nằm trong tốp các nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Hay các dự án chung cư khi làm đẹp không gian sống thì giá trị thương mại của công trình cao hơn. Chiếu sáng chính là một phần trong những tiện nghi. Bạn có thể tiêu một đồng vào điện nhưng bán được vài ba đồng dịch vụ. Các thiết kế giờ đây đều sử dụng đèn tiết kiệm điện (LED), nhưng đó không phải chìa khóa, mà phải sử dụng ánh sáng đúng, tức là đúng chỗ, đúng lúc, đúng liều lượng. Như vậy mới tối ưu được giải pháp, không sử dụng nhiều điện năng mà vẫn đem lại nhiều lợi ích.
Anh nhìn về năm 2016 như thế nào?
Những năm qua, chúng tôi thiết kế để đưa Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi đã đem các công trình làm ở Việt Nam đi thi quốc tế để xác nhận lần đầu tiên Việt Nam có mặt trên bản đồ chiếu sáng thế giới, lần đầu tiên thế giới thấy Việt Nam có công trình đẹp như vậy.
Những năm tới chúng tôi sẽ đem thế giới đến Việt Nam qua các thiết kế của mình, để người Việt Nam trải nghiệm được các xu hướng mới, trong đó lồng ghép sự độc đáo, tính bản địa… và chúng tôi sẽ tự hào hơn nữa nếu đoạt được giải thưởng của Việt Nam.
Trên 50% dự án của chúng tôi hiện là nhà đầu tư Việt Nam. Có những chủ đầu tư lâu nay chưa bao giờ nghĩ tới chiếu sáng nhưng giờ đang nghĩ về việc đó rất nghiêm túc. Chúng tôi tin rằng năm 2016 đang rất “sáng sủa” cho tất cả chúng ta.