Ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, quỹ đất giới hạn trong khi cư dân ngày một đông, giá trị bất động sản cũng không ngừng thay đổi.
Việc tối ưu hóa diện tích, không gian để vài gia đình nhỏ cùng chia sẻ chung một mái nhà là khá phổ biến. Ngôi nhà phố này là một ví dụ.
Khu đất chỉ có diện tích 4m x 16m, ở ngoại thành. Nhiệm vụ của người thiết kế – cũng là chủ nhà – là tạo ra một không gian cho mẹ anh, một cho vợ chồng anh, một cho vợ chồng cậu em trai, và một không gian cho nhóm thiết kế nhỏ của anh làm việc.
Tất cả gói gọn trong quy mô xây dựng một trệt, ba lầu. Với người thiết kế, quan trọng nhất vẫn là tổ chức không gian sao cho hợp lý, thuận tiện trong sinh hoạt của các thành viên rồi mới đến các yếu tố khác.
Khu đất có lợi thế là nằm ở vị trí góc của hai con đường nên có thể xử lý một chút để ngôi nhà hai mặt tiền trở nên thú vị hơn.
Mặt khác, nhà láng giềng phía sau cũng đã xây dựng ổn định, chiều cao thấp hơn so với ngôi nhà của anh, vậy nên nhà anh sẽ tận dụng được khoảng nắng và gió từ dòng sông phía sau thổi đến.
Từ những nhu cầu thực tế của gia đình và vị trí mảnh đất tọa lạc, giải pháp thiết kế mà anh đưa ra là sự kết hợp giữa tổ chức không gian chức năng, quan niệm sử dụng vật liệu cơ bản và một chút quan sát, yêu thích về những căn chung cư cũ có các khoảng lấn chiếm tự phát mà anh thấy đẹp!
Tất nhiên, trong ngôi nhà của anh, mọi thứ phải được “quy hoạch” theo đúng nguyên tắc và các yêu cầu về khoảng lùi, cao độ… được cho phép.
Thế rồi ngôi nhà hoàn thành, mọi thứ vừa đủ, chỉn chu và cân bằng giữa nhu cầu và những gửi gắm của một kiến trúc sư cho ngôi nhà của chính mình. Toàn bộ tầng trệt trở thành không gian sinh hoạt chung của gia đình: khách, bếp, phòng ăn…
Lõi cầu thang và thông tầng bố trí ở giữa, chia đôi không gian trước và sau. Tầng 1 là của mẹ anh với phòng thờ phía trước, không gian ở phía sau. Lựa chọn này được tính toán để sau này khi bà lớn tuổi hơn, việc đi lại sẽ không quá vất vả vì leo nhiều cầu thang.
Không gian phía trước của tầng 2 là nơi làm việc của nhóm thiết kế, phía sau là phòng của gia đình người em trai.
Trên cùng, tầng 3 là phòng ở của vợ chồng anh. Tất cả đơn giản, gọn gàng và vừa đủ cho nhu cầu của mỗi gia đình nhỏ. Toàn bộ khối vệ sinh ở các tầng đều đưa về phía sau cùng, tận dụng được ánh sáng và gió từ dòng kênh phía sau.
“Các khoảng trống và khoảng đệm là phương pháp chúng tôi muốn sử dụng để liên kết và chia cắt không gian. Sự linh động trong việc sử dụng các hệ cửa xếp, trượt, xoay cùng với sự tự do của hệ kết cấu bê tông giúp cho không gian được tiếp nối không chỉ trong nhà mà còn mở rộng ra cảnh quan xung quanh. Chúng tôi thích sự thích ứng và tự thay đổi hơn là sự chống chọi với những gì đang xảy ra xung quanh”, anh chia sẻ.
Về vật liệu, người thiết kế cho biết anh luôn thích sự thô mộc của vật liệu cơ bản nên hầu như mọi thứ được giữ nguyên, không khoác thêm một lớp áo màu mè nào bên ngoài: bê tông trần, xi măng thô, sắt thép, gỗ… tất cả là màu của vật liệu.
Hai mặt tiền của công trình được định hình bằng khối bê tông với những hệ lam sắt, khi nhìn từ bên ngoài gợi một chút hình ảnh các chuồng cu ở các chung cư cũ được cơi nới, đó cũng là lý do mà chủ nhân gọi ngôi nhà của mình là chiếc lồng.
Ở chiếc lồng này, đời sống của con người chan hòa với nắng gió và các yếu tố thiên nhiên. Có thể, đây chưa hẳn là lựa chọn của số đông nhưng là cách mà người thiết kế và các thành viên của đại gia đình lựa chọn và thích nghi với ngôi nhà mới.
Nếu bạn muốn sống gần gũi với thiên nhiên, nghe nắng gió đi về thì đây là một thiết kế rất đáng để tham khảo.
Địa điểm công trình: 803/23/9/8 Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM
Thiết kế: Xưởng K59 – K59 atelier
Chủ trì: Phan Lâm Nhật Nam + Trần Cẩm Linh
Nhóm thiết kế: Phan Lâm Nhật Nam, Trần Cẩm Linh, Nguyễn Phương Thảo, Võ Ngọc Thanh Tuấn
Email:k59atelier@gmail.com
Điện thoại: 0906971887
Hình ảnh: Nam Phan