“Thành công của một họa sĩ thiết kế là làm việc với tình yêu – làm cái gì phải ra cái nấy, với trọn vẹn cảm xúc. Đó là phẩm chất nghề và cũng là phẩm chất sống”. Kiến trúc sư – Họa sĩ Thiết kế truyền thông Nguyễn Tri Phương Đông, người Việt Nam đầu tiên nhận sáu giải thưởng thiết kế Mỹ và quốc tế nhận định. Cuộc trò chuyện với ông về ý tưởng thiết kế cũng là những kinh nghiệm không dễ có cho những người vẫn coi thiết kế không chỉ là nghề, mà còn là đam mê lớn nhất trong cuộc đời.
Dù đã sống và làm việc ở Mỹ hơn mười năm nhưng các tác phẩm đạt giải của ông đều lấy cảm hứng từ Việt Nam, từ logo chương trình Giày ấm đến hai bộ lịch treo tường The Mekong Delta Landscape và Classic Motorcycles in Saigon, đặc biệt là triển lãm tác phẩm Saigon zoom in guidebook, được xem như một tài liệu Sài Gòn thu nhỏ dành cho du khách. Hẳn là những kỷ niệm về quê hương trong ông rất sâu đậm?
Chủ đề của các tác phẩm đạt giải đều ở Việt Nam, thân thuộc với tôi. Dù rời Việt Nam từ lâu nhưng khi chết, tro cốt của tôi sẽ rải ở Huế – quê của cha tôi. Bước chân tôi có đi đến đâu thì quê nhà vẫn theo đến đấy. Tuy sống và làm việc ở Mỹ nhưng như nhiều người, quanh tôi luôn có hình ảnh Việt Nam, từ màn hình máy tính, điện thoại đến thông tin cập nhật từ gia đình, thân hữu và cả những chiêm nghiệm của bản thân. Mỗi lần về Việt Nam làm việc hay giảng dạy, tôi lại “nạp” thêm cho mình những ký ức mới về quê hương…
Mỗi tác phẩm mang chủ đề Việt Nam đều thể hiện phong cách thiết kế cá nhân, là cách tôi tìm kiếm sự công nhận nghề nghiệp, vừa là nơi để tôi bày tỏ tấm tình quê.
Quá trình thực hiện các dự án cũng là những trải nghiệm đáng kể, giúp tôi trong việc hướng dẫn các sinh viên thiết kế đồ họa có nghề chuẩn bị các dự án cho các mùa thi quốc tế sắp tới. Những giải thưởng nói trên đều có giá trị, nhưng cũng chỉ là niềm tự hào nhỏ, tôi đang mong chờ niềm tự hào lớn hơn, đó là chứng kiến sinh viên của mình đạt các giải thưởng đẹp ở những cuộc thi lớn hơn.
Trở về sau khi tu nghiệp tại CHLB Đức, bôn ba từ trong nước đến nước ngoài trước khi định cư trên đất Mỹ, chắc hẳn anh đã nỗ lực rất nhiều để có thành công như hiện nay?
Con đường lập nghiệp ở xứ người hẳn nhiên là có nhiều chông gai. Và thành công lại càng không dễ dàng cho bất cứ ai, ở bất cứ đâu và trong bất cứ nghề nào, vì mồ hôi đâu đâu cũng mặn! Tôi đến Mỹ và nhận thấy nơi đây là một thế giới khác. Cuộc sống và việc hòa nhập của tôi ở nơi đất khách lúc bấy giờ có phần gay gắt hơn những người nhập cư khác vì phải bắt đầu lại từ tuổi trung niên. Mỗi khi gặt hái được từng chút thành tựu nào, tôi đều thấm thía những trải nghiệm và thất bại ngày trẻ. Đến lúc này, tôi vẫn luôn hài lòng về từng ngày đang sống, dù đó chưa hẳn là ngày thành công.
Thành công ông có phải nhờ luôn làm việc như tình yêu, như cách ông từng nói?
Khi muốn yêu được ai đó, chúng ta sẽ nghĩ ra mọi cách để có thể chinh phục người mình yêu, từ tán tỉnh, kết thân, tạo cơ hội gặp gỡ, bày tỏ, tìm cách lấy lòng, lay động, buộc “đối tượng” phải xúc động và đáp trả tình yêu. Làm như yêu và làm cái gì ra cái nấy, là như thế!
Làm như yêu thật ra phải làm với tất cả đam mê, vì chỉ có đam mê mới có thành tựu. Hầu hết những người thành công đều phải đam mê việc nào đó hơn người. Ai trong chúng ta ít nhiều đều có đam mê nhưng đa số các đam mê là có điều kiện, tùy thích hoặc không bền. Những người chuyên nghiệp thì biết biến đam mê vô điều kiện thành năng lượng và động lực, với các kế hoạch thực hiện cụ thể, hiệu quả, thì càng ngày, niềm đam mê đó càng được tiếp thêm sức mạnh để đi đến thành công.
Nhiều năm làm thiết kế trong ngành công nghiệp sáng tạo năng động và thực dụng ở Mỹ, ông đã học được những gì?
Sống hết lòng, nghĩ hết mức và làm hết sức. Phẩm chất của thiết kế mà tôi luôn theo đuổi, là sự giao thoa giữa cái đẹp của cái hay và cái hay của cái đẹp. Trong những năm tháng sống ở xứ người, tôi đã nỗ lực với sự tảo tần, bền chí, quyết liệt trong âm thầm và cô độc. Thật may, tôi vẫn luôn được làm nghề mà mình lựa chọn khi còn ở Việt Nam, đó là nghề thiết kế truyền thông.
Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa thiết kế truyền thông và thiết kế đồ họa, hai khái niệm này khác nhau thế nào?
Communication Design (tạm gọi là thiết kế truyền thông) là một thuật ngữ mới được sử dụng đã hơn một thập niên, hàm nghĩa rộng hơn của Graphic Design (thiết kế đồ họa). Communication Design là ngành tổng hợp thiết kế đồ họa và phát triển thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền đạt ý tưởng, thông điệp tiếp thị, giao tiếp với người tiêu dùng. Còn Graphic Design thì sử dụng hình ảnh và từ ngữ, tạo nên thông điệp trực quan bằng ngôn ngữ chuyên sâu, có tính chiến thuật, trong khi thiết kế truyền thông đa dạng, từ kiến trúc thông tin, hình, chữ, thiết kế web, nhận dạng hình ảnh, nghệ thuật trình diễn, quảng cáo, đồ họa động… là nghiệp vụ giàu tính chiến lược hơn trong công nghiệp sáng tạo.
Cả hai thuật ngữ này đều bao gồm các hình thức thiết kế trực quan, tập trung vào yếu tố thẩm mỹ và hiệu quả tiếp thị, nhưng Communication Designer thì tổ chức, tạo nên thông điệp tổng thể và phương pháp tiếp cận đối tượng tiếp thị, còn Graphic Designer thiết kế công đoạn cuối, đem đến cái nhìn và cảm nhận thông điệp đó. Nói một cách đơn giản, thiết kế đồ họa nằm trong quang phổ của thiết kế truyền thông, chúng khác nhau ở các tâm điểm và quá trình vận hành.
Làm nghề thiết kế truyền thông là tìm cách hấp dẫn nhất để hình ảnh hóa thông điệp tiếp thị bằng cái đẹp, gây chú ý cho người tiêu dùng. Từ cái đẹp thiện cảm này sẽ nâng tầm lên cái hay, lay động được cảm xúc, tâm hồn người xem, khiến họ lưu dấu ấn tượng hoặc phản ứng tức thời, chẳng hạn như mua hàng, mua vé, đăng ký dịch vụ, hay bấm “like”, viết “comment” sau khi xem poster quảng bá dán trên tường, hay đăng trên Facebook… Thách thức nhất của nghề thiết kế truyền thông là tiến trình cảm thụ này diễn ra chỉ trong mươi giây!
Từng nhiều dịp về nước tham gia vào các dự án thiết kế và giảng dạy, ông có nhận xét gì về thị trường thiết kế nói chung và thiết kế truyền thông nói riêng tại Việt Nam?
Thị trường của hai nghề này có sự đan xen, nên cũng thường được xem là một. Do sự phát triển kinh tế, quảng cáo và tiếp thị đã thúc đẩy thiết kế trở thành một nghề thời thượng, thiết kế truyền thông giao tiếp, thiết kế đồ họa đã phát triển nhanh và rộng khắp, đáp ứng đòi hỏi của thị trường và người tiêu dùng thẩm mỹ. Cùng với bùng nổ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, cái hay và vẻ đẹp của thông điệp tiếp thị đã được tin cậy hơn trước, thấy rõ nhất là ở thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Những người quan tâm đến lĩnh vực thiết kế nói chung, đang chứng kiến sự phát triển sôi động của nghề trong các lĩnh vực khởi nghiệp, đào tạo, phát triển chuyên ngành hẹp hoặc mới, trong gia công cho bên ngoài. Với một số ít nhà thiết kế năng động, việc hành nghề bằng cách làm trao đổi trong khu vực, đấu thầu thiết kế trực tuyến, cộng tác với công ty thiết kế quốc tế, ứng tuyển đa quốc gia đã trở nên phổ biến.
Với giáo dục thiết kế, theo cách nhìn của người làm nghề, thì nhiều chương trình đào tạo được thiết kế chưa hợp thời và cách dạy cũng chưa mới. Dạy nghề sáng tạo, chắc chắn phải giàu năng lực sáng tạo xuyên suốt từ con người, phương pháp, cơ chế cho đến môi trường.
Tại Việt Nam, nghề thiết kế đang phát triển mở, theo thế giới, nhưng có lẽ là không kịp. Vì nghề thiết kế xứ ta nằm trong số không nhiều nước trên thế giới thiếu vắng diễn đàn, sinh hoạt và hiệp hội nghề nghiệp và cả chính sách phát triển. Muốn đạt tầm mức và thực lực cao, xa, sâu, tinh thì không thể chọn giải pháp “đốt cháy giai đoạn”. Vì cần “phù sa” của quá trình, tập tính, văn hóa, cảm thụ, công nghệ được “bồi đắp” qua nhiều thế hệ.
Truyền thông và mạng xã hội phát triển bùng nổ hiện nay phải chăng là điều kiện thuận lợi cho các sinh viên trẻ ngành thiết kế?
Mạng xã hội đã mở rộng biên giới sống của nhân loại, tạo ra nhiều kết quả và cả hậu quả trong nhiều lĩnh vực, ngành thiết kế cũng không ngoại lệ. Công cụ và tài nguyên phục vụ thiết kế nay đã phong phú hơn mức chờ đợi. Nhiều trang mạng chứa hình ảnh, minh họa, hiệu ứng, các mẫu và định dạng thiết kế các loại, nhưng nó là các dịch vụ cung cấp chất liệu thể hiện, hỗ trợ diễn đạt nhanh chóng, hiệu quả cho ý tưởng chứ không phải là ngân hàng ý tưởng.
Tôi thấy nhiều sinh viên thiết kế thường dùng “Google images” như nguồn chính yếu để tìm kiếm ý tưởng thiết kế, thay vì dùng chúng chỉ như một kênh để nghiên cứu, tham khảo. Chế biến ý tưởng với hình ảnh tải về từ internet bằng cách thêm thắt một chút “gia vị”, là cách xa lạ với thiết kế, sáng tác và đó mười mươi là sự tự sát trong nghề sáng tạo.
Thật tốt nếu ông dành nhiều thời gian hơn để truyền đạt những quan điểm hay về nghề thiết kế đến sinh viên. Trong vài năm tới, ông có ý định hành trình về phương Đông không?
Dù có đi đến đâu, hay ở đâu, thì tôi cũng sẽ trở về quê nhà, theo cách của riêng tôi. Đó là định mệnh!