Các cụm từ “bền vững” và “hợp pháp” đang trở thành từ khóa rất quan trọng, gần như là nguyên tắc cho các sản phẩm gỗ muốn thâm nhập vào thị trường EU, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Trên phương diện này thì nguồn gỗ từ Canada rất có lợi thế khi hiện nay chỉ có 9% diện tích rừng trên thế giới đạt chứng nhận, trong đó Canada chiếm tới 35%.
Thông qua Canadian Wood, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt có cơ hội tiếp cận nguồn gỗ mềm hợp pháp từ tỉnh bang British Columbia của Canada, góp phần đáp ứng được yêu cầu và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt trên thị trường quốc tế.
Đa dụng, chắc chắn và bền bỉ
British Columbia – tỉnh bang viễn Tây của Canada là nơi xuất khẩu gỗ lớn nhất trên thế giới. Điều làm nên sự khác biệt của gỗ mềm xuất xứ ở đây là gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng lâu năm. Vì vậy thớ gỗ mịn chắc, vân gỗ đẹp, bền chắc, dễ gia công và đa dụng.
Các sản phẩm gỗ của British Columbia có thể uốn cong, tạo hình và lắp ráp, là vật liệu lý tưởng cho vô số các ứng dụng trong nhà, ngoài trời và các kết cấu như cửa sổ, cửa ra vào, vọng lâu, giàn che, ván sàn, tấm ốp, cầu thang, trần nhà và các đồ nội thất, ngoại thất khác. Các loại gỗ này cũng rất dễ ghép mặt, dán cạnh hoặc ghép thanh. Kích thước và cấp độ chuẩn mực, đảm bảo rằng mỗi lần mua hàng, khách hàng đều sẽ luôn nhận được các sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất.
Cấp độ gỗ đa dạng khiến gỗ Canada có thể ứng dụng cho các loại sản phẩm từ phổ thông như vật liệu xây dựng, pallet đến đồ nội thất chạm khắc cầu kỳ sang trọng và yêu cầu độ bền, tuổi thọ cao.
British Columbia còn là nơi dẫn đầu toàn cầu về quản lý rừng bền vững. Những khu rừng tại đây được quản lý bởi các bộ luật với quy định nghiêm ngặt, nhằm bảo vệ môi trường và cộng đồng. Chỉ dưới 1% trữ lượng rừng được khai thác mỗi năm, và cứ mỗi cây được thu hoạch thì sẽ có ba cây khác được trồng thêm, do vậy số cây trồng mới luôn nhiều hơn số cây được khai thác. Mỗi năm có 200 triệu cây giống được trồng, đảm bảo các khu rừng được khôi phục cho tương lai.
Các nhà cung cấp gỗ Canada cung cấp các sản phẩm đã được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng Thế giới (FSC) và Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng (PEFC) – là những chứng nhận quốc tế rất nghiêm ngặt về quản lý rừng bền vững.
Các nghiên cứu độc lập xác nhận rằng lượng CO2 lưu trữ trong các sản phẩm gỗ vượt trội hơn nhiều so với lượng CO2 sản sinh ra trong suốt quá trình sản xuất và vận chuyển gỗ xẻ Canada đến khắp nơi trên thế giới.
“Hãy dùng thử gỗ Canada” cùng Canadian Wood
Canadian Wood Việt Nam là một phần của Forestry Innovation Investment (FII) – một tổ chức chính phủ trực thuộc tỉnh bang British Columbia. Canadian Wood Việt Nam có nhiệm vụ là cầu nối giữa các đơn vị xuất khẩu gỗ uy tín từ British Columbia với các nhà sản xuất đồ gỗ, nhà thiết kế, phân phối đồ nội thất tại Việt Nam. Canadian Wood Việt Nam không tham gia thương thảo các vấn đề kinh tế và tài chính (những vấn đề này được xử lý trực tiếp giữa các công ty tại British Columbia và các công ty Việt Nam) mà tập trung vào việc quảng bá các sản phẩm gỗ từ Canada thông qua các hội thảo, kênh quảng cáo, không gian trưng bày tại những triển lãm thương mại và đặc biệt là chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada”.
Hiện có 5 loại gỗ đang được Canadian Wood giới thiệu ở thị trường Việt Nam là Độc cần bờ Tây (Western Hemlock), Tuyết tùng đỏ (Western Red Cedar), Bách vàng (Yellow Cedar), Linh sam Douglas (Douglas-Fir), Vân sam – Thông – Linh Sam nhóm SPF (Spruce-Pine-Fir). Tất cả các chủng loại này đều có nguồn gốc từ Canada với các loại gỗ ven biển (ngoại trừ Thông SPF) có nguồn gốc từ B.C.
“Dù là gỗ mềm nhưng Tuyết tùng đỏ và Bách vàng có thể thay thế nhiều loại gỗ cứng để chế tác các sản phẩm gỗ cao cấp, chạm khắc tinh xảo – một trong những thế mạnh khẳng định thương hiệu của đồ gỗ Việt trên thị trường quốc tế”, ông Peter Bradfield – Cố vấn Kỹ thuật cấp cao của Canadian Wood cho biết.
Thông qua chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada”, Canadian Wood Việt Nam sẽ cung cấp một số lượng nhỏ gỗ của British Columbia cho các nhà sản xuất tại Việt Nam có nhu cầu, đồng thời các chuyên gia của Canadian Wood cũng sẽ làm việc với các nhà sản xuất để cung cấp thông tin chi tiết hơn về đặc tính của từng chủng loại gỗ và hướng dẫn, đồng hành cùng họ trong suốt quá trình dùng thử gỗ, thậm chí hướng dẫn các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm thử nghiệm để so sánh trực tiếp với các loại gỗ cứng khác. Các hoạt động cung cấp mẫu thử và hướng dẫn đều được Canadian Wood Việt Nam thực hiện miễn phí.
“Kể từ khi đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và thực hiện chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada” vào năm 2017, sau 05 năm, Canadian Wood Việt Nam đã kết nối với gần 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ tại Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực, số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng, nhất là từ các nhà sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Việc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam được nhìn nhận là quyết định rất đúng đắn của Canadian Wood”, ông Trần Thanh Vẹn, Giám đốc Quốc gia của Canadian Wood Việt Nam chia sẻ.
Dự kiến trong thời gian tới, Canadian Wood Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động quảng bá các sản phẩm gỗ của British Columbia, mở rộng hơn nữa chiến dịch “Hãy dùng thử gỗ Canada”, hợp tác với các nhà thiết kế danh tiếng để sản xuất các sản phẩm nội thất mẫu từ gỗ mềm Canada, đồng thời đồng hành cùng các tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm gỗ bền vững, hợp pháp.
Độc cần bờ Tây (Western Hemlock)
Là loài cây có trữ lượng dồi dào nhất ở bờ biển tỉnh bang British Columbia phát triển đến độ cao trung bình 30 – 50m, đường kính 1 – 1,5m, nổi tiếng vì có khối lượng riêng đồng đều, giúp loại gỗ này chịu gia công máy tốt.
Đây là nguyên liệu tốt cho sản xuất nẹp viền và các sản phẩm đồ gỗ nội thất. Các ứng dụng khác bao gồm cửa ra vào, cửa sổ, trần treo, thang gỗ… hoặc dùng trong xây dựng tổng hợp.
Tuyết tùng đỏ (Western Red Cedar)
Là loài cây biểu tượng của tỉnh bang British Columbia, có thể đạt đến 60m chiều cao và 2,5m đường kính khi trưởng thành. Cây lớn nhất còn sống ở Canada có đường kính lên đến 5,9m. Đây là một trong những loại gố có giá trị thương mại cao nhất Canada. Với cơ chế kháng phân hủy tự nhiên của cây, Tuyết tùng đỏ dù đã chết vẫn có thể còn nguyên vẹn trong rừng đến hơn 100 năm.
Tuyết tùng đỏ được ứng dụng cho cả các sản phẩm nội ngoại thất. Ngoài ra nó còn là vật liệu tốt để sản xuất nhạc cụ.
Bách vàng (Yellow Cedar)
Đây là một loại cây hiếm và đẹp, với đặc tính cứng, rắn chắc và là một trong những loại gỗ bền nhất thế giới. Cây trung bình cao khoảng 24m và đường kính 90cm.
Điểm đặc biệt của Bách vàng là kết cấu tốt, mật độ giữa các vòng sinh trưởng (hoa văn) khá đồng đều, cực kỳ dễ thao tác nên phù hợp với các sản phẩm điêu khắc tỉ mỉ, nội thất.
Douglas-Fir (Linh sam Douglas)
Loại cây này thường được dùng trong kết cấu và xây dựng nhờ khả năng chịu lực vượt trội và kích thước lớn (chiều cao khoảng 85m đối với Linh sam duyên hải và 42m đối với Linh sam núi).
Đây được xem là loại gỗ số một cho sản xuất khung cửa, cửa cái và cửa sổ, xây dựng các kết cấu công trình hạng nặng như mái vòm ghép hay khung kèo mái nhà.
Thông SPF (Spruce-Pine-Fir)
Đây đều là những giống cây có kích thước trung bình với chiều cao khoảng 30m và đường kính khoảng 80cm, lớn khá chậm, cho sản lượng gỗ chất lượng cao, mắt gỗ nhỏ và chắc.
Trái ngược với các loại gỗ mềm thương mại khác, gỗ SPF sở hữu màu trắng sáng đặc biệt, màu sắc giữa các thớ gỗ chênh lệch không đáng kể. SPF được ưa chuộng bởi đặc tính gia công vượt trội, bám đinh tốt, ăn keo, ăn sơn và màu rất dễ dàng.