Nơi làm việc tại nhà, dù là một góc nhỏ để viết lách hay cả thư phòng hoành tráng, cũng không thể và không nên giống văn phòng công ty, để tính chất nuôi dưỡng, thư giãn, che chở của nội thất nhà ở (thiên về Mộc) không bị tính khô cứng, gò bó bởi thiết bị và giao tiếp (thuộc Kim) gây ra xung khắc. Vì thế, ngoài những bố trí căn bản đáp ứng tiện nghi nơi làm việc, gia chủ cần lưu tâm đến các mặt trung hòa giữa động và tĩnh, đối nội với đối ngoại, âm và dương của góc làm việc tại nhà.
Không ít “văn phòng tại gia” được sắm sửa, bài trí hoành tráng nhưng sau một thời gian sử dụng lại khiến gia chủ… phát ngán, bởi nhà cửa như thể lúc nào cũng ngập trong công việc. Trong khi đó, ở ngôi nhà truyền thống của người Việt ngày trước, nếu có điều kiện thì thư phòng bao giờ cũng tách bạch khỏi phần nhà ở, hoặc được phân định không gian rõ ràng. Ở thời đại công nghệ thông tin hôm nay, chúng ta có thể làm việc ngay tại nhà song không thể bố trí nơi làm việc trong nhà giống như ở văn phòng công ty, mà phải… hơn thế nữa! Hơn ở chỗ không thiếu tiện nghi, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt ăn ở trong nhà mà vẫn đảm bảo bình ổn về mặt phong thủy.
Dung hợp và trung tính
Phòng làm việc tại nhà là một không gian dung hợp giữa thư phòng kiểu phương Đông (nơi đọc sách, lưu trữ sách vở…) và văn phòng theo kiểu phương Tây (với các vật dụng như máy tính, trang thiết bị chuyên môn…) ngày càng được hiện đại hóa. Phương cách làm việc, tư duy và sử dụng nhiều máy móc của thời công nghệ khiến không gian này mang đặc trưng của hành Kim phương Tây bên cạnh tính Mộc truyền thống phương Đông. Hai hành đối lập này tưởng chừng xung khắc nhau nhưng thực ra mang tính bổ sung, tương hỗ nhau, đòi hỏi gia chủ và nhà thiết kế cần phối hợp khéo léo để phát huy tốt các thuận lợi cũng như hạn chế những ảnh hưởng xấu đến các không gian khác.
Khi môi trường làm việc tại nhà sử dụng nhiều thiết bị như máy tính, máy in – gần như đã trở thành phương tiện tất yếu, không thể thiếu – thì tính Kim của phòng làm việc gia tăng. Điều này có thể gây xung khắc với các không gian thuộc Mộc như phòng ngủ hoặc phòng ăn, thể hiện qua các khuyến cáo khoa học như tránh dùng tivi và máy tính vào bữa ăn, giấc ngủ để không gây hại cho sức khỏe. Do đó nơi làm việc cần xa chỗ ngủ hoặc phòng ăn, bởi vừa không hợp vệ sinh vừa dễ bừa bộn, gây xáo trộn sinh hoạt. Thổ sinh Kim nên hình thể lý tưởng của phòng làm việc nên là hình vuông hoặc gần vuông, thậm chí có thể có góc bo tròn, bầu dục hoặc bát giác, lục giác với nhiều cửa sổ mở ra các tầm nhìn thoáng đãng. Cần hạn chế bố trí chỗ làm việc trong những phòng hình tam giác hoặc nhiều góc nhọn (hành Hỏa khắc Kim) hoặc phòng có hình ống (tạo ra hành lang dài hút gió, khó bố trí vật dụng và không có điểm nhìn tốt).
Nguyên lý chung: cần tạo môi trường làm việc tại gia mang tính thư giãn nhiều hơn là tăng thêm công việc (hợp với tính chất tĩnh của nhà ở). Nếu phòng làm việc tại nhà cũng là văn phòng đại diện cho một công ty hoặc công việc có tính đặc thù, cần gây ấn tượng thì có thể đưa hình ảnh logo công ty hay trang trí mà chủ nhân ưa thích làm điểm nhấn, tạo thu hút ngay tại vị trí bước vào phòng. Nhiều khi chỉ là một bộ đèn lạ mắt, một giá sách đẹp hoặc bức tranh khác biệt là đủ. Trang trí và sắp xếp vật dụng trong phòng làm việc cũng nên dựa theo tương sinh Ngũ hành. Bàn ghế phù hợp là dạng vuông hoặc chữ nhật, có thể bo tròn hoặc uốn lượn mềm mại. Với những phòng làm việc có nhiều dầm đà chéo, giải pháp khắc phục cũng là đưa về dạng Thổ sinh Kim như đóng trần phẳng để che đà, làm trần lõm hoặc lồi theo dạng vuông hoặc tròn, viền quanh trần và giấu đèn có ánh sáng dịu. Phòng làm việc không nên chiếu sáng quá rực rỡ hoặc trải đều mà cần tập trung tại khu vực làm việc chính. Tránh treo đèn chói mắt cũng như tránh dùng các loại có ánh sáng màu hoặc chớp tắt (Hỏa khắc Kim).
Đối với phòng làm việc tại nhà kiêm thêm chức năng tiếp khách riêng tư, hoặc làm việc có cộng sự, có họp hành thì cần bổ sung tính Thổ hoặc Thủy tùy tính chất hoạt động. Ví dụ một hàng hiên bên cạnh phòng làm việc để kê ghế tiếp khách hoặc họp nhóm, một hồ cá cảnh (Thủy) để thư giãn và tăng cường tính luân chuyển của trường khí trong phòng.
Thư phòng theo hành Mộc phương Đông
Đối với không gian thiên về đọc sách tra cứu theo dạng thư phòng, cần bổ sung hành Mộc trong sử dụng vật liệu: ví dụ các tủ sách dùng gỗ và kính (Mộc và Thủy), sàn có thể lát gỗ hay trải thảm để cách âm tốt hơn, dùng rèm nhựa, sáo hoặc nan chớp để giảm ánh sáng hắt ra ngoài khi làm việc khuya, tránh ảnh hưởng phòng lân cận. Bàn đọc sách cần thoải mái và có tiểu minh đường thoáng đãng trước mặt. Cần tránh ngồi đọc sách theo kiểu “úp mặt vào tường” và nhất là ngồi quay lưng ra cửa đi, vừa không thư giãn tốt vừa dễ bị giật mình khi có ai vào phòng từ sau lưng. Có thể bố trí sofa hay ghế dài đọc sách nhưng cần hạn chế đọc sách ở tư thế nằm, tốt nhất là đọc sách theo kiểu người xưa ngồi bên án thư một cách nghiêm chỉnh mà thoải mái, cạnh cửa sổ có đủ ánh sáng tự nhiên phối hợp đèn bàn và bố trí cây xanh, tiểu cảnh trang trí.
Có thể làm hệ thống tủ sách liên hoàn và đa dạng theo chiều dọc (dạng hành lang) hoặc theo chiều cao (có thang để trèo lên lấy sách) để vừa tiết kiệm không gian vừa tạo nên trường khí Mộc đặc trưng, miễn sao không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc phòng hoặc nhà. Gầm cầu thang hoặc các hốc âm tường cũng có thể bố trí chỗ để sách hoặc các vật trang trí nhỏ gọn. Trường hợp nhà nhỏ phải kết hợp chỗ làm việc, đọc sách với phòng ngủ thì nên làm các vách lửng, tủ ngăn hoặc rèm che để tránh trường khí hai bên ảnh hưởng lẫn nhau. Cũng có thể sử dụng cùng một chất liệu (như gỗ) nhưng cách chiếu sáng không gian khác nhau sẽ làm nên trường khí khác nhau. Ví dụ khu vực ngủ dùng đèn ánh sáng vàng và xanh, trong khi khu vực làm việc dùng ánh sáng trắng. Còn trường hợp phòng làm việc kết hợp thư phòng thì yếu tố đọc sách, nghiên cứu vốn mang tính âm, riêng biệt hơn là yếu tố giao tiếp, khi đó những chất liệu giúp tăng tính ấm áp như gỗ sậm màu, da hoặc thảm… sẽ rất cần thiết.
Màu sắc điều chỉnh nội thất
Chính vì nơi làm việc tại nhà thiên về trung tính và hài hòa với tính chất ở chứ không phải là nội thất văn phòng, nên việc dùng màu sắc cũng theo nguyên tắc giữ gìn sự quân bình về âm dương – ngũ hành, tránh các gam màu quá chói lọi.
Theo Ngũ hành tương sinh thì Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy nên các màu sắc dùng trong phòng làm việc nên là bộ ba liên quan nhau. Trong đó Kim làm chủ đạo, bao gồm các sắc độ khác nhau của màu vàng (Thổ), màu trắng hay xám (Kim), có thể thêm các chi tiết, đường nét màu đen (Thủy) và màu xanh biển của vật dụng, của tranh ảnh để tạo dáng mạnh mẽ và sạch sẽ. Cũng cần tăng vẻ dịu mát nhờ các màu thuộc Thủy và có thể thêm tính Mộc như xanh ngọc, xanh lá mạ, xanh rêu, vì không gian làm việc có thể có máy tính, thiết bị tỏa nhiệt. Không nên dùng nhiều những màu chói lọi như đỏ tươi sẽ dễ gây cảm giác nóng và căng thẳng (cũng là những màu thuộc hành Hỏa, khắc Kim), hoặc gam màu tím gây u buồn, thụ động.
Nếu trong phòng làm việc có chứa nhiều vật dụng thuộc hành Kim (máy móc thiết bị, bàn ghế kim loại), có thể hạn chế tính Kim vốn lạnh bằng những màu ấm áp hơn, ví dụ dùng sàn gỗ, trần ốp gỗ, dùng thảm màu nâu hay mảng rèm màu cam. Đây là cách bổ sung một chút hành tương khắc (Hỏa khắc Kim) để giảm hành quá vượng theo nguyên tắc phong thủy.
Những màu sắc mang tính tự nhiên như màu gỗ, màu của nước, màu cây xanh… cũng rất quan trọng trong việc làm giảm đi đặc tính Kim và Dương của không gian phòng làm việc. Bố trí thêm bể cá cảnh hay chậu cây cũng rất có ích trong việc tạo không khí sống động và góc nhìn thư giãn cho nơi làm việc. Những góc tiểu cảnh với màu sắc khác biệt so với tông màu chung của toàn phòng sẽ là điểm nhấn gia tăng khí, kích thích trí tưởng tượng và tạo nên điểm nhìn thư giãn lý thú.
Dĩ nhiên, với những tính chất công việc làm tại nhà mang đặc thù như sáng tác, dạy học hay sản xuất thủ công… phải có cách bố trí cụ thể và riêng biệt. Chỉ cần mỗi gia chủ hiểu rõ tính chất nhà ở nên làm sao để “công việc dừng sau cánh cửa” thì sẽ biết cách bài trí nội thất phù hợp, giữ gìn nội khí cho không gian cư trú mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc mà mình ưa thích.
- Ảnh Xuân Trang