Khoảng 4 năm về trước, khi ngồi trò chuyện với Tho.A về nghề, Nội Thất đã được nghe chia sẻ về ý định thành lập Alab, một nhóm trực thuộc để nghiên cứu và đồng hành với quá trình thực hành kiến trúc. Với một xưởng thiết kế còn non trẻ, đó là một quyết định rất cần cân nhắc, bởi nó không chỉ là vấn đề của chuyên môn mà còn các yếu tố khác. Nhưng nó cũng rất đáng để chờ đợi.
Thế rồi đầu năm 2021, Nội Thất nhận được một bộ gồm ba quyển sách, đẹp từ hình thức đến nội dung. Chỉ là những ấn phẩm lưu hành nội bộ nhưng rất đáng có trong thư viện của những ai quan tâm đến kiến trúc và muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.
Nội Thất số này có cuộc trò chuyện với Th.s – KTS Lê Hoàng Thùy Trân, người điều hành Alab, nhóm đã thực hiện bộ sách.
____Trước hết, chắc cần giải thích một chút về tên của bộ sách, tại sao lại là SÁCH 30? Và tại không phải 1 mà lại là 3 quyển sách được xuất hiện đồng thời? chắc hẳn phải có những lý do?
Cái tên Sách 30 được lựa chọn ngay từ khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện dự án, với mục đích đơn thuần là lưu lại các công trình được lên ý tưởng trước năm 30 tuổi của KTS chủ trì atelier Tho.A. Thời điểm đó là khoảng cuối năm 2017. Nhưng trong quá trình trao đổi và thực hiện, nhiều ý tưởng mới cộng với những khó khăn bước đầu của việc vận hành một văn phòng nghiên cứu song song với thực hành chưa có tiền lệ khiến chúng tôi phải nhiều lần lùi lại thời gian hoàn thành. Và vì thế cột mốc 30 tuổi được thay thế bằng 30 công trình và 30 bài viết. Với khối lượng lớn như vậy mà tập hợp trong một quyển sách duy nhất thì rõ ràng có phần nặng nề và khó đọc. Nên chúng tôi quyết định tách ra làm 3 để mọi thứ được trở nên nhẹ nhàng, dễ tiếp cận hơn. Điều này không may cũng là một lý do đẩy lịch kết thúc của quyển sách đi quá xa, mãi đến tận đầu năm 2021.
- Xem thêm: Không gian của cảm xúc và ánh sáng
____Dù rằng là sách lưu hành nội bộ, nhưng chắc chắn khi thực hiện, Alab cũng nhắm đến một nhóm người đọc cụ thể nào đó, họ sẽ là ai?
Người đọc là chính chúng tôi, những người thực hiện, kiến trúc sư của văn phòng và các đối tác đã cùng với Tho.A trong suốt thời gian qua. Một vài người bạn thân trong giới của Tho.A được chia sẻ về dự án đã khuyến khích chúng tôi công khai bộ sách kỷ niệm vì biết đâu có người quan tâm và muốn tìm hiểu thêm. Trên thực tế, tập sách được in với số lượng rất ít và dưới hình thức “pre-order” (đặt trước) nên chúng tôi cũng không xác định được ai là đối tượng đọc. Thậm chí có một bạn học sinh mới lớp 12 gửi mail cho chúng tôi về quyển sách. Những điều như vậy thì không “nhắm” được.
____Sách chia ra làm 2 phần rõ ràng: CÔNG TRÌNH và THOẠI. Người đọc sẽ nhận ra những thông điệp rất rõ thông qua các CÔNG TRÌNH cụ thể, đó là diện mạo, là lựa chọn, là cách làm nghề của Tho.A, vậy nhưng ở phần THOẠI, có rất nhiều cặp phạm trù liên quan và các lĩnh vực chuyên môn được đề cập. Ví dụ như ở quyển 1 là bảo tồn, lịch sử, hiện đại, đương đại, ngôn ngữ, ý tưởng, sáng tạo và niềm tin… Như các bạn chia sẻ rằng việc hình thành các quyển sách không hề có tham vọng lập ngôn. Vậy thì …?
Nếu quyển sách có tham vọng lập ngôn, thì sẽ… loạn mất. Vì có rất nhiều diễn ngôn của các kiến trúc sư, nhà tư tưởng khác nhau được trình bày trong cùng một chủ đề. Và thậm chí đến cuối cùng, người ta cũng sẽ không thấy tranh luận ngã ngũ. Ngay từ đầu, tham vọng lớn nhất của chúng tôi là tự học thông qua phần THOẠI của quyển sách này. Nó thực chất là những ghi chép mà chúng tôi góp nhặt trong những năm tháng nghiên cứu của mình, dưới một hình thức trình bày hấp dẫn hơn, đỡ “buồn ngủ” hơn mà thôi. Mỗi tuần, trong văn phòng vẫn duy trì một buổi chia sẻ kiến thức của Alab với Tho.A, đây cũng là lúc chúng tôi trình bày, cũng như khảo sát phản hồi từ các kiến trúc sư thực hành để hoàn thiện hơn tư duy của mình.
____Ở Thoại, lựa chọn cách thể hiện như một cuộc trò chuyện giữa hai cá nhân cụ thể và đều được đối tác gọi là Anh? Nhưng chị Trân được hiểu là người chắp bút cho các bài viết. Có cần giải thích gì về điều này?
Tựa đề của phần này có tên là THOẠI, không hẳn là đối thoại hoặc cũng có khi là độc thoại. Giả sử như có hai người, hai cá nhân này chỉ có một điều có thể chắc chắn, là họ am hiểu kiến trúc ở một chừng mực nhất định và không phải người ngoài ngành. Thế nên, chúng tôi chọn dùng “anh” và “tôi” để xưng hô nhằm mục đích giảm thiểu mọi sự phân tâm không đáng có. Ở trong trường hợp này, người chắp bút là nam hay nữ không quan trọng bởi vì cuộc trò chuyện trong THOẠI là hư cấu.
____Người đọc vẫn luôn mong muốn tìm hiểu chân dung của một ai đó thông qua cách họ trò chuyện, qua các chính kiến, quan điểm của họ thể hiện. Nhưng ở THOẠI, cùng với việc ẩn danh thì cả hai nhân vật với danh gọi là Anh có làm khó người tiếp nhận?
Nếu vậy chúng tôi đành làm người đọc thất vọng, bởi vì ở THOẠI chúng tôi cố gắng né tránh việc khắc hoạ các chân dung. Một số thủ pháp được sử dụng để phân biệt người này với người kia cũng không đủ để làm rõ bất kỳ nhân dạng cụ thể nào. Thậm chí, dự định tính cách hóa các nhân vật trong cuộc trò chuyện thành kiến trúc sư lý thuyết và kiến trúc sư thực hành như mối quan hệ của Alab và Tho.A cũng không thể thực hiện vì hình thức này có nguy cơ cao sẽ đe doạ nội dung bài viết. Bởi vì dù thế nào chăng nữa, chúng tôi muốn tập trung vào những điều được nói, hơn là người nói.
- Xem thêm: Bồng bềnh trong khoảng xanh
____Rất nhiều trích dẫn, rất nhiều tên tuổi, nhiều công trình được nhắc đến trong THOẠI? Phải chăng vì không muốn bị hiểu là đang “lập ngôn” mà các bạn lựa chọn cách này?
Như đã trình bày ở trên, vì bộ Sách 30 là một giáo trình tự học nên chúng tôi muốn càng nhiều trích dẫn, tên tuổi, công trình càng tốt. Điều đó phần nào “chứng tỏ” chúng tôi đã “đi học” và ghi chép đầy đủ. Nhưng rõ ràng, chúng tôi không chỉ chép suông, ở THOẠI còn có những diễn giải, thắc mắc, chất vấn, phê phán và liên kết đối tượng này với đối tượng khác – đây là những điều chúng tôi tự tin là những “đóng góp” của riêng mình. Bên cạnh trách nhiệm của một “học sinh”, Alab còn là một tổ chức giáo dục – phổ cập kiến thức được xem như một nhiệm vụ có tính chất bắt buộc. Rõ ràng, format kiểu THOẠI không đặt nặng tham khảo (trích dẫn, tên tuổi, công trình) như các văn bản nghiên cứu khoa học, nhưng chúng tôi đã rất khắt khe trong trình bày, thậm chí kèm theo cả số trang. Mục đích là thông qua đó, bất kỳ ai có nhu cầu tìm hiểu sâu thêm đều dễ dàng tiếp cận được. Xem việc chia sẻ kiến thức là nhiệm vụ, chúng tôi cũng công bố phần lớn nội dung của THOẠI trên trang blog của Alab (acirclereading.blogspot.com) cùng với nhiều bài viết chuyên ngành thuộc chủ đề khác.
____Sau bộ SÁCH 30, công việc sắp tới của Alab sẽ là?
Có thể là chính thức lập ngôn trong một quyển sách mới!
Ngoài công việc “đèn sách” và các dự án kết hợp với Tho.A, Alab được kỳ vọng là một tổ chức độc lập có khả năng tổ chức, làm cầu nối cho các hoạt động liên quan đến lý thuyết kiến trúc. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cho Workshop đọc Kiến trúc hợp tác cùng với KTS.Nguyễn Anh Cường của văn phòng kiến trúc Nhabe.Scholae. Kéo dài một tháng (từ ngày 7-5-2021), Workshop giới thiệu tác phẩm “Xây Ở Suy tư” của triết gia Martin Heidegger, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi Workshop đọc Kiến trúc nhằm khuyến khích nghiên cứu các văn bản lý thuyết có giá trị, gây ảnh hưởng sâu rộng đến thực hành kiến trúc đương đại. Rất vui là workshop kỳ này đã nhận được sự đồng hành của viện Goethe thông qua việc tài trợ cho sự kiện.
Các hoạt động đa dạng với sự góp mặt của những nhà nghiên cứu đầu ngành sẽ được lên kế hoạch và tiến hành trong thời gian sắp tới trong không gian hội thảo của chúng tôi. Bên cạnh đó, Alab đang điều hành Thư viện Alib – một thư viện sách chuyên ngành kiến trúc chào đón các học giả, sinh viên kiến trúc yêu thích công việc đọc-viết đến lui tới và trao đổi.
____Xin cám ơn chị.