Không gian sống không chỉ là diện tích nhiều ít hay hình thức đẹp xấu, đó là nơi phải xử lý các mối quan hệ, thậm chí hóa giải các mâu thuẫn để tồn tại và phát triển. Cụ thể như khu bếp, một nơi vừa chứa đựng yếu tố xấu vừa cần bài trí tốt về nhiều mặt như môi trường, tiện ích, và cả phong thủy nữa. Dung hòa nhiều mặt đối lập là triết lý xuyên suốt khi định vị và xử lý bếp trong phong thủy xưa và nay.
Bếp xưa thụ động và thích ứng
Thụ động không có nghĩa là kém cỏi, mà chính là do khi hạn chế về điều kiện kỹ thuật, cộng với đặc trưng nấu nướng nhiều khói mùi, nên cách đặt bếp xưa là xa nhà chính, cuối hướng gió, tránh tạt lửa và khói,… Về hình thức thì có vẻ không hào nhoáng, nhưng lại phục vụ rất tốt nhu cầu ẩm thực, theo đúng tinh thần “tốt khoe xấu che”. Câu truyền khẩu phong thủy về đặt bếp “miệng lò ngó tốt, lưng lò đốt xấu” để dễ nhớ khi đặt bếp chính là cách cha ông ta phân khu chức năng rất hợp khí hậu và ứng xử. Lưng lò, hay Táo tọa nằm về vùng xấu (theo hướng khí hậu, mệnh trạch, giao tiếp) là chủ động đưa không gian đun nấu ra vùng không thuận lợi để dành những khu vực tốt hơn (như khoảng tiếp khách, thờ phụng, ăn uống, nghỉ ngơi…) ra vùng gió mát nắng dịu, vùng hợp tuổi gia chủ. Cách thức này hiện nay vẫn rất phù hợp với điều kiện nhà ở nông thôn, nhà vườn hay biệt thự, nhà phố có diện tích rộng.
Sự thích ứng của bếp xưa còn thể hiện ở quan niệm trọng Âm, chuộng kín đáo của văn hóa phương Đông, đặt bếp không để cho khách vào nhà nhìn thấy các vùng “bếp núc” riêng tư, hay gọi cách khác là phân vùng theo hướng phương vị có chính có phụ. Xét từ tâm nhà (trung cung) thì có trước và sau, trái và phải, tĩnh và động, chung và riêng, tốt và xấu… khá rạch ròi. Đã đặt phòng khách ở trước thì bếp nên ra sau, đã có bàn thờ trang nghiêm ngay trung tâm thì dĩ nhiên bếp bừa bộn cần khuất tầm mắt. Một số gia đình hay tổ chức đám tiệc còn làm hẳn một khu vực bếp phụ ngoài sân sau hoặc bên hông nhà để đun nấu dễ dàng, giảm thiểu ám khói, thuận tiện bày biện. Dịch học chỉ rõ: lửa thuộc hành Hỏa, quẻ Ly trong Bát quái, tượng trưng màu đỏ, đặc thù chỉ ánh sáng, ấm áp và sự phát triển hướng thượng. Lửa trong nhà ở đáp ứng trước tiên nhu cầu cơ bản “có thực mới vực được đạo”, cho nên không gian bếp mà hạt nhân là chỗ đặt lò nấu (Táo vị) chiếm vị trí cơ bản trong bố cục toàn nhà (cùng với cửa chính – đại môn và các vị trí sinh hoạt của chủ nhân).
Phong thủy quan niệm vị trí bếp như phần cốt lõi cho các sinh hoạt nội bộ, phải được che chắn kín đáo, vừa tránh gió tạt mưa hắt, vừa tránh tầm nhìn hoặc bước chân người ngoài xâm nhập (gọi là lộ khẩu Táo) nhưng vẫn phải đủ thoáng đãng để không tù đọng khí xấu phát sinh trong quá trình nấu nướng. Với tất cả những yêu cầu tốt lẫn xấu đan xen như vậy thì việc đặt bếp xa khỏi nhà chính, tránh thủy khắc hỏa, không lộ khẩu Táo… chính là một dạng thiết kế bền vững và thích ứng tùy theo mỗi gia đình, mỗi điều kiện.
Bếp nay chủ động và linh hoạt
Cha ông ta luôn lưu ý rằng nhà mà không có bếp hoặc bếp không thường xuyên đỏ lửa thì chỉ được gọi là phòng, nhà mất đi một nửa Nội khí. Ngôi nhà hiện nay đã và đang ngày càng tôn vinh vai trò của bếp, với rất nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng về cơ bản vẫn là “giảm Hung tăng Cát” tức là tránh để các tác động hành Hỏa như nhiệt độ – khói – mùi lan tỏa sang các không gian lân cận, và đưa vào bếp nhiều sự thoải mái thuận tiện hơn.
Những căn hộ chung cư mới hiện nay hầu như chịu ảnh hưởng văn minh Tây phương, thiên về tính cởi mở, phần bếp thường hay đặt gần cửa ra vào, tuy có lợi thế là dành diện tích thông thoáng chiếu sáng ngoài ban công, cửa sổ cho phòng khách, phòng ngủ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhược điểm là vừa bước chân vào căn hộ đã gặp ngay bếp và khả năng thông thoáng – lấy sáng tự nhiên cho khu vực này thường rất kém (do nằm bên trong, kề cận sảnh, hành lang và cầu thang).
Có thể nói đa số các mặt bằng chung cư hiện nay đều chỉ có một kiểu bố trí như vậy khiến gia chủ muốn thay đổi cũng không dễ. Một số gia chủ ở chung cư có cách khắc phục nhược điểm “vào nhà gặp ngay bếp” bằng cách bố trí các hộp kỹ thuật để thông gió cưỡng bức cho bếp, đồng thời xử lý vách ngăn (cố định hoặc di động) để khi đun nấu nhiều có thể cô lập phần bếp với không gian bên ngoài, giảm thiểu sự ảnh hưởng của khói mùi. Đó cũng là cách xử lý bếp chủ động để giảm Hung tăng Cát cho không gian này.
Bếp kiểu Tây mở như vậy nên để giữ gìn nội khí cần dùng vách di động hay tủ đa năng để che chắn tầm nhìn khi vào nhà gặp bếp, tạo một khoảng đệm cần thiết với những căn hộ có diện tích nhỏ. Các phân tích về tai nạn cháy nổ trong căn hộ chung cư cũng chỉ ra khả năng cô lập vùng phát hỏa và tránh rò rỉ khí gas sẽ tốt hơn nếu bếp (hoặc ít nhất là khu lò nấu) được cô lập đúng cách, thay vì làm liên thông.
Đối với nhà phố hay biệt thự liên kế, xu hướng hiện nay cũng không tách bếp ra mà gắn liền hoạt động nấu nướng với không gian ăn uống, quây quần gia đình, kéo theo các hệ thống thiết bị cho bếp trở nên tiện nghi hơn, cao cấp hơn, kết nối thông minh hơn. Cũng từ đó, quan niệm bếp thuộc vùng xấu cũng cần hiểu một cách linh hoạt hơn. Về mặt bát trạch, vùng xấu đặt bếp là cung phối mệnh bất lợi, nhưng người nhóm tây tứ mệnh thì bếp nằm về các phương thuộc đông tứ trạch và ngược lại. Về mặt hình thế giao tiếp, bếp hiện đại có rất nhiều thiết bị kỹ thuật, máy hút khử mùi, lò nướng… mang tính chất như một xưởng chế biến tiện ích và có nhiều kết nối kỹ thuật, do vậy không phải mọi khu vực của bếp đều mở và liên thông, mà nên phân vùng theo tính năng kỹ thuật để thuận tiện khi bố trí và tránh ảnh hưởng nhau. Cụ thể là vùng Hỏa – Kim (bếp và các lò nướng, viba, nồi cơm điện), vùng Kim – Thủy (bồn rửa, tủ lạnh và các máy móc làm bếp) và vùng Thổ – Mộc (tủ đồ khô, gia công, bàn soạn thức ăn). Các vùng này có thể liên hoàn hay gián đoạn tùy mặt bằng, nhưng nên ưu tiên vùng Thổ – Mộc gần phía bàn ăn và giao tiếp, vùng Hỏa – Kim chiếm trung tâm và vùng Kim – Thủy về phía sáng thoáng để tránh ẩm thấp.
Bếp tăng tốt giảm xấu, dung hòa nhiều mặt
Muốn biết các vùng tốt xấu (cát hung) trong không gian thì cần phải hiểu tính chất sinh hoạt và đặc tính sử dụng của không gian đó. Trong phòng bếp, chỗ đặt bếp nấu là Hung (vì tỏa ra khói bụi, hơi nóng) nhưng vùng trước mặt bếp là Cát (để đảm bảo nguyên tắc tọa Hung hướng Cát), bồn rửa chén là Hung còn bàn soạn thức ăn là Cát, quầy bar thuộc Cát trong khi sàn nước thuộc Hung. Tủ lạnh là một dạng kho chứa đồ ăn nên phần Tọa (sau lưng) của tủ là Hung (thường có hệ thống điện, tỏa nhiệt nhiều) trong khi mặt trước tủ là Cát. Định vị rõ Cát – Hung sẽ giúp bố trí được các vị trí tốt cho Cát, vị trí khuất cho Hung. Đối với nhà phố hay biệt thự, bếp hay được đặt phía sau, gần giếng trời hoặc sân sau nên thuận tiện hơn cho việc nấu nướng và dọn rửa, giảm các tác động trong nấu nướng lan tỏa sang không gian lân cận.
Theo nguyên tắc Ngũ Hành Tương Sinh thì Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, do đó màu sắc trong bếp nên là các màu xanh (Mộc), màu đỏ sậm hoặc cam (Hỏa) và màu vàng (Thổ). Gần khu vực nấu nên là màu sáng để dễ làm vệ sinh nhưng đừng chói chang quá sẽ gây kích thích, nóng nực. Khu vực có bàn ăn, quầy bar, bàn soạn thì nên là các màu tươi, tránh các màu xám, xanh đen hoặc tím dễ làm biến sắc thức ăn, không kích thích tiêu hóa. Tủ bếp hiện đại thường làm bằng gỗ chống cháy hoặc inox kết hợp mặt đá, gạch men, nhựa… Nhưng dù bằng vật liệu gì thì bề mặt bàn và tủ bếp chỉ nên nhẵn và bóng vừa phải, tránh các chi tiết rối mắt và các khe, hốc, ngóc ngách khó vệ sinh.
Chiều cao hợp lý của bếp hiện nay đã được chuẩn hóa theo tỷ lệ sử dụng của con người. Các nhãn hiệu kệ bếp cũng nghiên cứu kỹ tính chất của từng khu vực tiện ích trong bếp để đạt được sự hữu dụng và thoải mái nhất cho người nấu bếp. Khi bếp cao quá thường ít sử dụng hiệu quả và sau một thời gian hay đóng bụi trên cao rất khó làm vệ sinh, ngược lại thấp quá sẽ gây tù túng nóng bức. Khi diện tích hạn chế thì có thể tiết kiệm không gian tại các khoảng pha chế, rửa, nhưng cần phải đảm bảo khoảng rộng cho chỗ đứng nấu, có chỗ lùi khi cần thiết đề phòng phát hỏa. Nếu có kết hợp chỗ ăn trong bếp thì có thể đặt gần các thiết bị nấu kín như nồi cơm điện, lò viba… chứ đừng gần bếp gas vì có mùi khó chịu và có thể nguy hiểm cho trẻ em. Tốt nhất là giữa bếp và bàn ăn nên có một mặt bàn ngăn theo kiểu quầy bar làm chỗ soạn và ăn nhẹ rất tiện.
Như vậy, ngoài điều kiện cần là hệ thống trang thiết bị tiện dụng cho việc làm bếp, nên lưu tâm đến điều kiện đủ về mặt phong thủy của bếp. Đó là yếu tố bố trí sao cho dung hòa giữa các quan niệm bếp xưa kiểu phương Đông và tiện ích bếp nay kiểu phương Tây. Tùy theo diện tích, thói quen dùng bếp và kết nối trong gia đình, các khu bếp sẽ điều chỉnh phong thủy để phù hợp, tiện dụng và xứng đáng là trái tim của mỗi tổ ấm an lành.
– Ảnh Xuân Trang