Phần bếp nhà tôi nằm phía sau, liền với cửa hậu và khi mở cửa đi vào thì hướng thẳng tới miệng bếp. Đã vậy cửa hậu lại rộng hơn cửa chính phía trước. Xin hỏi quý báo như vậy có gì bất lợi về mặt phong thủy chăng, nếu có thì khắc phục ra sao?
(Lê Tấn Tài – khu dân cư Tân Quy Đông, Q.7, TP.HCM)
Cửa ra vào (cửa chính hay cửa hậu) mà đi thẳng ngay miệng bếp (phong thủy truyền thống gọi là Trực xung, lộ khẩu táo) thì dễ bị gió thổi gây tắt bếp hoặc tạt lửa. Bụi bặm, người di chuyển cũng khiến không gian nấu nướng thiếu tính nội bộ và bị mất vệ sinh hơn. Người đứng nấu (có thể là gia chủ) không kiểm soát được sau lưng, sẽ bị giật mình khi có gió sập cửa hay người đi ra vào (ảnh 1). Thực ra chỉ cần sắp xếp lại vị trí của phần bếp nấu sao cho tránh thẳng hàng với cửa ra vào, như vậy dễ quan sát mà lại thuận tiện cho việc nấu nướng, trong khi cơ cấu của gian bếp (bàn soạn, bồn rửa, tủ lạnh) vẫn không thay đổi. Một cách khác là đặt bình phong hay quầy bar (có thể là tủ cao hơn bề mặt bếp nấu – ảnh 2) tại vị trí cửa vào, nhưng cần chú ý xem có phù hợp với không gian vốn có của bếp hay không.
Bên cạnh đó, khi bố trí cửa theo phong thủy cần áp dụng nguyên tắc hình phễu (cửa ngoài luôn rộng và cao hơn các cửa bên trong, tính từ ngoài vào). Do đó cửa cổng (nếu có) sẽ rộng hơn cửa chính, cửa chính lớn hơn cửa phòng và cửa sau… Không biết vì lý do gì mà nhà của bạn lại có cửa sau rộng hơn cửa trước? Dù sao chăng nữa, nếu đã là một ngôi nhà liền lạc trước sau thì cần bố trí cửa theo quy luật hình phễu nêu trên để tránh hiện tượng tán khí (luồng khí đi vào nhà bị phân tán do cửa phụ, cửa hậu quá rộng, nói nôm na là “vào thì ít mà ra thì nhiều”. Có thể khắc phục bằng cách không mở tối đa cửa sau (nếu là cửa nhiều cánh thì nên đóng bớt một phần cố định lại), hoặc thay đổi kiểu cửa để cửa sau có kích thước nhỏ hơn cửa trước là ổn.