Chúng ta vừa trải qua một giai đoạn hết sức đặc biệt và khó khăn, đó là ảnh hưởng của đại dịch covid-19 lên mọi gia đình. Những thói quen thường nhật, thường niên… buộc phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Bao lâu rồi bạn chưa có một chuyến đi du lịch xa cùng bạn bè, gia đình? Với những ai yêu Tây Nguyên, yêu vùng đất đỏ bazan với đồi núi chập trùng và mây trời lãng đãng như sương khói thì hẳn sẽ rất nhớ. Nếu vậy, hãy đến với “Anh coffee roastery” ở Sài Gòn để tìm lại một chút hình ảnh quen thuộc được những người thiết kế “mã hóa” và kể lại trong ngôn ngữ thiết kế của không gian cà phê này nhé.
“Anh Coffee Roastery là một thương hiệu còn khá mới trong thị trường cà phê ở Việt Nam, chưa định hình bởi bất cứ phong cách thiết kế nào. Mặt bằng được chọn có vị trí khá đẹp giữa trung tâm Sài Gòn, có bề ngang mặt tiền lớn cũng như khoảng lùi của khối kiến trúc hiện hữu sâu… đây sẽ là lợi thế và cơ hội để chúng tôi có thể đưa ra những ý tưởng tốt cho công trình”. Anh Lại Trung Trực, trưởng nhóm thiết kế của Red5 bắt đầu câu chuyện.
Câu chuyện họ muốn kể cùng với “Anh Coffee Roastery” lấy cảm hứng từ vùng đất đỏ bazan trồng cà phê với khung cảnh những ngày mây mờ… Và yếu tố này là “nguyên liệu” chính để qua đó họ “kể” câu chuyện của mình. Họ sử dụng gạch đỏ cho toàn bộ phần sàn và quầy, bàn, nằm trên mặt đất. Hệ khung sắt chạy dài trên trần xuyên suốt cả hai tầng lầu và mặt tiền, tạo dáng uốn lượn nhẹ nhàng và sơn trắng, bay bổng như những đám mây trắng trên cao nguyên. Vật liệu chính của công trình ngoài gạch đỏ và hệ khung trắng là gỗ màu tự nhiên và màu xanh navy của thương hiệu này.
Mặt bằng có khá nhiều cột vì hiện trạng được ghép từ khối nhà cũ. Nhóm thiết kế đã liên kết hệ cột này bằng một hệ bàn chung lớn, trải dài cả không gian tầng trệt. Phần cầu thang dắt khách lên tầng lầu tạo một hướng di chuyển mang cảm xúc từ không gian nội thất lên một khu vườn nhỏ ở tầng 2. Tầng 2 chủ yếu là khu vực không sử dụng máy lạnh, tận dụng lợi thế công trình lùi sâu và có nhiều cây cối mát mẻ cho khách yêu thích không khí tự nhiên có thêm nhiều lựa chọn chỗ ngồi.
Xuyên suốt công trình này, ngoài những vuông thành sắc cạnh của gạch là sự kết hợp với các đường cong của hình khối, của khung lưới sắt và hệ bàn chung lớn ở tầng trệt. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên nhiều cảm xúc, đem lại nhiều liên tưởng thú vị với mỗi người. Đó có thể là nét uốn lượn của chập trùng đồi núi cao nguyên, là thung lũng, là đồi đốc, thậm chí góc nhìn từ trên xuống nơi khoảng thông tầng duyên dáng cũng dễ khiến cho những tâm hồn mơ mộng hình dung đến một miệng núi lửa nào đó mà tạo hóa đã lãng quên và vô tình trở thành một điểm nhấn thú vị.
Cầu toàn trong công việc, khi nhìn lại công trình hiện nay, nhóm thiết kế chia sẻ thêm rằng do công trình được xây dựng trong thời gian dịch covid nên có nhiều vấn đề chi phối, chẳng hạn như sự thiếu hụt đội ngũ thi công làm ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Phần vật tư cũng có chất lượng không như mong đợi, một số vật liệu được lựa chọn ban đầu bị đứt hàng vì các nhà máy ngưng hoạt động…, các giải pháp thay thế cũng chỉ đáp ứng được cái nhìn tổng thể, còn về mặt chi tiết thì chưa đạt so với mục tiêu thiết kế đề ra. Thiết nghĩ, chính lối suy nghĩ cầu toàn ấy đã làm cho các dự án của Red5 ngày càng trở nên tốt hơn.
Còn khách đến với Anh coffee Roastery không khó tính đến như vậy, quả thực, những không gian cà phê này rất đáng để “check- in” và trải nghiệm, nhất là ở thời điểm dịch bệnh còn chưa thực sự được kiểm soát thì việc đi du lịch xa vẫn còn là nỗi ái ngại với nhiều người. Bạn hãy đến Anh coffee roastery để tìm lại màu đất đỏ bazan, để hình dung mây trắng đâu đó trong sắc trắng uốn lượn của hệ khung sắt, tìm hương vị nồng nàn của Ban Mê trong ly cà phê ở đây, chắc cũng phần nào vơi đi cơn nhớ.
Địa điểm dự án: Anh Coffee Roastery
200 Pasteur, Quận 3, TP.HCM
Thiết kế: Red5studio
Nhóm thiết kế: Lại Chính Trực, Nguyễn Vịnh Nhi, Trần Thị Kim Duyên, Lâm Lương, Lê Hừng Thảo, Phạm Hoàng Duy NhânẢnh: Đỗ Sỹ