Kimberley ở phía tây nước Úc là vùng đất rộng lớn còn rất hoang vu, dân cư thưa thớt và có lẽ chính những dãy núi đá điệp trùng mang hình thù kỳ lạ đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cho nơi này.
Những ai lần đầu tiên đặt chân đến Kimberley đều có cảm giác như lạc vào vùng đất từ thời hồng hoang của thế giới với mặt hồ trong xanh nằm giữa những vách đá dựng đứng, những đồng cỏ hết sức rộng lớn. Hiện tại ở đây vẫn còn lưu giữ vết tích của những bức tranh Gwion Gwion, hình vẽ Wandjina trên các hang động và hẻm núi đã hình thành từ thời cổ đại. Những hình vẽ bí ẩn này đã tồn tại hàng ngàn năm nay với những truyền thuyết thần bí lưu truyền trong cộng đồng thổ dân. Vùng đất này chỉ dành cho những ai yêu thích khám phá và có máu phiêu lưu mạo hiểm.
Vùng đất châu báu
Khách du lịch chỉ có thể đến Kimberley vào mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 11) vì mùa mưa rất ẩm ướt, khó đi lại. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu cuộc sống hoang dã của các loài động vật hay đến thăm những ngôi làng của các bộ tộc bằng xe địa hình. Cũng có thể chọn mua tour ngắm cảnh trên không bằng thủy phi cơ để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ kỳ vĩ của Bungle Bungle nhưng với chi phí không rẻ: khoảng 800 AUD cho hai giờ bay.
Ngoài những danh thắng thiên nhiên ấn tượng như những ngọn núi hình tổ ong Bungle Bungle, hồ Argyle mênh mông, sông Ord cùng những thác nước dốc đứng ở bình nguyên Mitchell hay thác Horries nằm ngang – nơi dòng nước chảy nhanh qua hai hẻm núi hẹp của dãy McLarty thuộc vịnh Talbot, Kimberley còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên nên từ lâu đã hình thành khu khai thác ngọc trai Broome, khu khai thác kim cương Argyle.
Broome là thủ phủ ngọc trai của Úc. Thổ dân đã khai thác và buôn bán ngọc trai trong hàng trăm năm trước khi người Âu đến nơi này. Họ đã nhanh chóng trang bị máy móc cho mỏ ngọc trai và tới năm 1910, sự bùng nổ của ngành công nghiệp ngọc trai đã thu hút sự chú ý của các thợ lặn châu Á. Ngày nay, du khách có thể tìm hiểu về những thợ lặn tìm ngọc trai người Nhật Bản, Philippines và Malaysia đã định cư ở Broome tại Bảo tàng Ngọc trai. Để thực sự hình dung thời kỳ ngọc trai trước kia, hãy đi thuyền quanh vịnh Roebuck, bạn sẽ có cơ hội xem cách ngọc trai được nuôi trồng tại các trang trại địa phương hoặc mua đồ lưu niệm tại các phòng trưng bày ngọc trai ở khu phố của người Hoa, nơi còn khá nhiều biển hiệu song ngữ.
Khu khai thác kim cương ở Argyle có lịch sử từ khoảng 4.000 năm trước, vùng đất này đã có thổ dân sinh sống và họ đã biết khai thác đá quý, trong đó có kim cương hồng ở khu mỏ này. Lối vào mỏ là con đường đi vào lòng đất do con người xây dựng, sâu đến 250 mét. Tại đây có một truyền thuyết liên quan đến kim cương. Tương truyền, vào thời xa xưa, có ba cô gái thổ dân đi đến một dòng sông để bắt cá chẽm. Khi họ vừa bắt được một con cá thì nó vùng vẫy thoát ra, phóng xuống nước rồi biến thành một hòn đá. Điều kỳ diệu là bên trong hòn đá ấy có rất nhiều kim cương, đặc biệt ở giữa hòn đá là một viên kim cương hồng rất lớn. Hơn 90% kim cương hồng quý hiếm trên thế giới được tìm thấy ở mỏ Argyle, mà loại này có trị giá cao gấp 20 lần kim cương trắng cùng cỡ. Khu mỏ còn là nơi sản xuất kim cương màu rượu champagne, cognac và loại kim cương xanh dương quý hiếm. Cách đây không lâu, năm 2012, một công ty khai mỏ đã tìm thấy một viên kim cương thô màu hồng 12,76 carat, lớn nhất từ trước tới nay tại Úc. Còn năm 2015, người ta đã tìm được Argyle Violet – viên kim cương màu tím nguyên bản nặng 9,17 carat, sau khi chế tác còn có 2,83 carat. Đây là viên kim cương tím thứ 12 trong lịch sử hoạt động của mỏ Argyle.
Đến thăm khu trưng bày trang sức kim cương và tìm hiểu cách cắt gọt và mài giũa đá quý đã thú vị, nhưng còn trên cả tuyệt vời nếu ai có đủ tiền để sắm một viên kim cương, dù nhỏ xíu.
Cắm trại ở vườn quốc gia Purnululu
Từ Kununurra, mất hơn hai giờ lái xe, chúng tôi đến vườn quốc gia Purnululu. Với diện tích 239.723 hécta, nằm độ cao 578 mét so với mực nước biển, vùng này có nhiều khối sa thạch hình tổ ong tuổi đời khoảng 35 triệu năm mà thổ dân Kija gọi là Bungle Bungle. Khó mà tin được rằng ngoài các nhà khoa học và thổ dân địa phương, đến tận năm 1982 mọi người mới biết đến khu vực này. Khi những bức ảnh đầu tiên về nơi đây được tiết lộ và truyền bá rộng rãi, Purnululu lập tức trở thành kho báu của Australia. Những tảng đá tổ ong cao hơn 250 mét so với khu vực đồng bằng, những nếp đá màu cam được hình thành do trầm tích của silica, còn màu đen chính là vết tích của địa y. Ở các khe hở của đá, nắng gió đã tạo nên một sự tương phản màu sắc mạnh mẽ. Du khách luôn thích thú quan sát sắc màu của đá chuyển từ nâu sang đen, từ cam sang đỏ rực tùy theo hướng nắng. Được công nhận là Di sản thế giới năm 2003, hiện nay mỗi năm khu vực này thu hút khoảng 40 ngàn du khách tứ phương. Nền văn hóa đặc trưng của các bộ lạc nơi đây cũng luôn tạo cho du khách hứng thú tìm tòi, khám phá.
Công viên có một trung tâm dịch vụ du khách và hai khu vực cắm trại chung với đủ nhà vệ sinh, nhà tắm. Tuy nhiên nước ở đây không được dồi dào cho lắm. Lệ phí trại dành cho nhiên liệu, nước, thực phẩm và các vật tư khác nói chung vừa túi tiền. Ai thích tiện nghi hơn thì có thể lựa chọn chỗ tạm trú như ý ở Kununurra và tham gia tour vòng quanh công viên trọn một ngày. Rất thú vị khi đi bộ khám phá những hẻm núi dài, hẹp và sâu thăm thẳm, quan sát nhiều loài chim lạ (có tới 130 loài chim sinh sống ở đây) và các loài động vật bản địa độc đáo như chuột túi wallaby.
Sau khi chọn được vị trí khá lý tưởng, chúng tôi nhanh chóng dựng trại rồi hạ thủy hai chiếc canô. Theo chỉ dẫn trên bản đồ, sau khi bơi dọc theo một nhánh sông hẹp với những vách đá dựng đứng có hình dáng ngoằn ngoèo do nước chảy từ trên cao xuống cùng những khối đá tách rời có hình thù đặc biệt, chúng tôi đến một đầm nước yên tĩnh nhưng rất nhiều cá. Bốn cần câu được thả xuống và chẳng phải đợi lâu, một rồi hai và ba chú cá háu ăn lập tức dính câu. Theo quy định, chúng tôi chỉ bắt giữ những con cá đạt chuẩn, cá nhỏ phải thả về đầm để bảo vệ nguồn giống tự nhiên. Đang chăm chú theo dõi cần câu, bỗng nghe tiếng ai la lớn “Cá sấu kìa!”. Thì ra đó là một chú sấu con chậm chạp thả mình theo dòng nước, thản nhiên lướt ngang chỗ chúng tôi, chẳng tỏ ra chút quan tâm nào. Sau hai giờ câu được sáu con cá béo tròn, hài lòng với chiến lợi phẩm thu được, chúng tôi quyết định quay về.
Đầu giờ chiều, chúng tôi đi thăm ngôi làng của người Worrora – một trong ba tộc lớn nhất vùng Tây Bắc này. Ở đây, những luật lệ địa phương cùng với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ và duy trì. Hằng năm, cứ vào tháng 7, thổ dân Worrorra, Wunumbal, Ngarinyin ở đây lại đem đến cho du khách không khí tưng bừng, rộn ràng của lễ hội Mowanjum trong một ngày một đêm. Các nghệ sĩ thổ dân trình diễn những điệu nhảy truyền thống, khắc cây bao báp, thổi kèn didgeridoo hay múa điệu corrobori tuyệt vời. Tiếc là chúng tôi không đến đúng dịp lễ hội nên chỉ được ngắm cảnh làng và say sưa với những bức vẽ kỳ lạ rải rác khắp các vách đá. Đó là những khuôn mặt trắng không có miệng, đôi mắt lớn với phần đầu bao quanh bởi quầng sáng hay một thứ gì đó giống như mũ của phi hành gia. Nghe nói những bức vẽ đó nhằm kể lại câu chuyện về “những linh hồn tối cao, đấng sáng tạo của đất và người” mà các bộ tộc địa phương đã tôn thờ từ hàng ngàn năm trước.
Giới nghiên cứu đã tìm đủ mọi cách để lý giải các bức vẽ cổ xưa đó nhưng dường như đều chưa có đủ sức thuyết phục. Người thì cho rằng đó đơn giản chỉ là hình ảnh cách điệu của khuôn mặt con người, thậm chí có thể là khuôn mặt của loài chim cú. Người khác lại khẳng định đó chính là hình ảnh của những cư dân đến từ hành tinh khác, đã ghé thăm Trái đất hàng chục ngàn năm trước và từng tiếp xúc trực tiếp với người dân bản địa. Một số người còn tin rằng chính những người ngoài hành tinh đã vẽ những bức tranh kỳ lạ đó. Cuối cùng thì cách lý giải lạ lùng nhất nhưng cũng được yêu thích nhất là những câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác bởi các thổ dân bản địa. Họ tin rằng thần Wandjina có thể trừng phạt những người vi phạm luật lệ bằng lũ lụt, sét và lốc xoáy. Những bức vẽ Wandjina cũng được cho là sở hữu nhiều quyền lực, do đó các thổ dân luôn rất thành kính và cẩn trọng mỗi khi tiếp cận với chúng…