Những phiên đấu giá mùa thu 2018 của nhà Sotheby’s diễn ra cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua tại Hongkong đã đạt được doanh thu 466,1 triệu USD, vượt xa con số ước tính ban đầu là 401 triệu USD. Nhiều kỷ lục về giá tranh của các tác giả nổi tiếng đã được thiết lập, đặc biệt là một bức tranh trừu tượng hoành tráng của họa sĩ người Hoa sống tại Pháp Zao Wou-Ki đã bán được với giá gõ búa 65 triệu USD – giá cao nhất từ trước đến nay của một tác phẩm hội họa được bán đấu giá ở Hongkong.
Mới năm ngoái thôi, một bức tranh trừu tượng khác của Zao Wou-Ki có tên 29.01.64 đã được bán với giá 26 triệu USD tại nhà Christie’s Hongkong vào ngày 27-11-2017 – kỷ lục của họa sĩ lúc đó. Còn bức Tháng Sáu – Tháng Mười 1985 giá 65 triệu USD đã lập ba kỷ lục thế giới: tranh bán đấu giá cao nhất từ trước đến nay của Zao Wou-Ki; giá cao nhất của một bức tranh sơn dầu được một họa sĩ châu Á sáng tác; giá cao nhất của một tác phẩm hội họa được đấu giá tại Hongkong. Riêng với nhà Sotheby’s, có tới năm bức nằm trong Top 10 tranh cao giá nhất của Zao Wou-Ki được đấu giá tại đây. Với kỷ lục mới đó, tranh Zao Wou-Ki đã đạt được mức giá của những tên tuổi lẫy lừng trên các sàn đấu giá quốc tế như Willem de Kooning, Mark Rothko và Francis Bacon.
Tháng Sáu – Tháng Mười 1985 có một “tiểu sử” đáng chú ý. Như tên gọi, bức tranh có chiều dài 10m này được Zao Wou-Ki vẽ năm 1985, sau đó doanh nhân Đài Loan Chang Qiu Dun – ông chủ Công ty P&F Brother Industrial Corp sản xuất máy chạy bộ và dụng cụ điện – đã mua tác phẩm dài hơn 10m này với giá 2,3 triệu USD vào tháng 5-2005. Tranh được treo tại khu văn phòng liền kế với nhà máy của ông tại thành phố Đài Trung. Trước đó, trong gần hai thập niên, bức tranh đã được trưng bày tại văn phòng một người bạn thân của Zao Wou-Ki là kiến trúc sư I.M. Pei tại Raffles City ở Singapore.
Zao Wou-Ki sinh năm 1920 tại Bắc Kinh, là hậu duệ trực hệ của một hoàng tộc đời nhà Tống (thế kỷ X-XIII). Thời thơ ấu Zao đã đến sống trong ngôi nhà của tổ tiên ở tỉnh Giang Tô và được ông nội – một vị túc nho hiểu biết sâu rộng về lịch sử và văn chương – truyền đạt kiến thức, từ đó cậu bé Zao đã đam mê thư pháp truyền thống Trung Hoa. Năm 1934, chàng thanh niên Zao Wou-Ki theo học Học viện Mỹ thuật Hàng Châu, được các bậc thầy Wu Da-Yu và Lin Fengmian dạy vẽ sơn dầu. Trau dồi kỹ thuật sơn dầu suốt bảy năm, Zao Wou-Ki đã có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1941 tại Hội hữu nghị Trung Quốc – Liên Xô ở Trường An. Sau khi tốt nghiệp ông được nhận làm giáo viên dạy hội họa tại nơi từng theo học. Đến năm 1947, khi sang Paris triển lãm ông và vợ đã xin định cư hẳn ở Pháp.
Đôi vợ chồng trẻ sống gần khu Montparnasse của Paris, nơi họa sĩ theo khuynh hướng Dã thú Emile Othon Friesz (1879-1949) mở lớp dạy vẽ. Dần dà từng bước Zao Wou-Ki ngưỡng mộ hội họa Pháp với tác phẩm của những họa sĩ lừng danh Matisse, Picasso và Cezanne mà Zao từng biết đến khi còn là sinh viên Học viện Mỹ thuật Hàng Châu. Thế rồi Zao kết thân với Joan Miro, Henri Michaux và Maria Elena Vieira da Silva khi theo học về kỹ thuật tranh thạch bản tại Trường Mỹ thuật Grand Chaumiere ở Montparnasse. Trong những năm 1952-1954, ông đã có liên tục các triển lãm cá nhân tại các gallery Creuze, Pierre và La Hune ở Paris, rồi gallery Klipstein ở Bern và gallery Feigel ở Basel của Thụy Sĩ, sau đó là tại Bảo tàng Mỹ thuật Cincinnati, bang Ohio (Mỹ). Những tranh trừu tượng khổ lớn, đậm chất thơ ca và tính thiền, chịu ảnh hưởng nhiều mặt: từ trào lưu Ấn tượng và thư pháp phương Đông đến hội họa Paul Klee và Art informel (thuật ngữ để chỉ các phương pháp tiếp cận với hội họa trừu tượng một cách ngẫu hứng nhưng đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện trong những năm 1940, 1950), được giới phê bình đánh giá cao đồng thời thành công về mặt thị trường.
Từ kinh đô Ánh sáng, Zao Wou-Ki cùng vợ chu du khắp nước Pháp nhưng đến giữa thập niên ông chia tay với vợ, một mình sang New York, ở đó ông được tiếp cận với một khung cảnh nghệ thuật mới mẻ, đặc biệt là với trào lưu Pop Art. Rời Hoa Kỳ, ông đến Tokyo và sau đó là Hongkong, nơi ông gặp người vợ thứ hai của mình, diễn viên điện ảnh Chan May-Kan và cùng nhau trở về Pháp.
Năm 1965, một triển lãm hồi cố tác phẩm của Zao Wou-Ki được tổ chức long trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Folkwang ở thành phố Essen (Đức); lúc này tranh của ông đã đến với nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972, bà Chan May-Kan qua đời, ông đau buồn nên thường trở về cố quốc, ở đó ông vẽ nhiều tranh mực nho từ các truyền thuyết Trung Hoa. Cũng năm 1972, ông gặp nữ giám tuyển bảo tàng Françoise Marquet ở Paris và bốn năm sau họ lấy nhau. Năm 1980, ông được mời làm giáo sư tại Ecole Nationale Superieure des Arts Decoratifs (Trường Cao đẳng Quốc gia Trang trí Mỹ thuật) rồi trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp. Đến cuối những năm 1980 ông đã ngưng sáng tác nhưng tranh ông vẫn được triển lãm tại châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Á. Khi mắc bệnh Alzheimer, Zao Wou-Ki cùng vợ đến sống ở thành phố nhỏ Nyon của Thụy Sĩ. Ông mất năm 2013 sau hai năm chống chọi với bệnh tật và tuổi già sức yếu.
Tác phẩm của Zao Wou-Ki hiện được lưu giữ trong nhiều bảo tàng và bộ sưu tập danh giá: Bảo tàng MoMa, Bảo tàng Solomon R. Guggenheim (New York), Bảo tàng Hirshhorn (Washington D.C), Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco, Bảo tàng Tate (London), Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris, Bảo tàng Albertina (Vienna), Bảo tàng Folkwang (Essen), Bảo tàng Mỹ thuật Bridgestone (Tokyo)…, bộ sưu tập Thyssen-Bornemisza ở Castagnola (Tây Ban Nha), bộ sưu tập Raffles City (Singapore)… Nhiều bộ sách viết về tác giả tác phẩm Zao Wou-Ki được ấn hành tại Pháp, Mỹ.
Từ sau khi ông qua đời, giá tranh của ông tăng vọt trên các sàn đấu giá tại Pháp và tại các nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s mà đỉnh điểm là bức Tháng Sáu – Tháng Mười 1985. Giá tranh của “Ông hoàng của các họa sĩ châu Á vẽ tranh sơn dầu” như cách người ta tôn vinh Zao Wou-Ki có thể chưa dừng lại ở mức 65 triệu USD. Nói như bà Patti Wong, Giám đốc khu vực châu Á của nhà Sotheby’s thì với quá nhiều chuẩn mực mới được thiết lập trong phiên đấu giá tranh châu Á mùa thu 2018 “hiển nhiên người châu Á đang hết sức khát khao các mẫu mực của nghệ thuật hiện đại và đương đại – bất kể tác giả là người châu Á hay phương Tây”. Zao Wou-Ki là một mẫu mực như thế.
Cần nói thêm: tất cả tranh của các họa sĩ Việt Nam đều có người mua trong đợt đấu giá mùa thu 2018 của Sotheby’s ở Hongkong, nhưng giá tranh của các tên tuổi lớn thời mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm cũng như các tác giả đương đại Việt Nam nổi tiếng đều không thể so được với giá tranh nhiều họa sĩ châu Á khác, kể cả các họa sĩ trẻ. Đơn cử bức Chân dung AE – một tranh khổ trung bình của Yoshitomo Nara (họa sĩ Nhật, sinh năm 1959), vẽ gương mặt của nữ phi công Amelia Earhart (1897-1937) theo kiểu hoạt hình, đã được bán với giá 3,4 triệu USD, hay các họa sĩ đương đại Richard Lin (Đài Loan), Hao Liang và Wang Xingwei (Trung Quốc) đều có giá tranh vượt mốc 1 triệu USD!
– Theo DoanhnhanPlus.vn