Bước sang năm 2018 thị trường căn hộ tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu bão hòa. Để tăng sức cạnh tranh, nhiều nhà phát triển bất động sản đã đầu tư vào công nghệ smarthome (nhà ở thông minh). Với việc giá các thiết bị thông minh ngày càng giảm và tính tiện dụng ngày càng cao, tiềm năng phát triển của thị trường công nghệ smarthome được cho là rất khả quan, tốc độ tăng trưởng có thể lên đến 20 – 30%/năm trong 10 năm tới.
Vừa qua, một dự án bất động sản tại huyện Dĩ An, Bình Dương đã quảng bá khá rầm rộ về sản phẩm mới mở bán: “Các căn hộ chỉ cần lắp đặt thiết bị quản lý kết nối với điện thoại thông minh. Những cảnh báo mất an toàn như chưa tắt đèn điện, chưa tắt bàn ủi và tivi, có khí gas trong phòng… đều được gửi trực tiếp vào điện thoại của chủ nhân căn hộ. Từ đây, chủ căn hộ báo với ban quản lý tòa nhà để xử lý hoặc tự ngắt thiết bị bằng điện thoại mà không cần về nhà”. Theo đại diện chủ đầu tư, để có phần mềm công nghệ áp dụng vào dự án trên, chủ đầu tư đã đặt riêng sản phẩm do Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang phát triển.
Trước đó không lâu tại một dự án ở Hà Nội, khách hàng trước khi mua đều được trải nghiệm không gian của căn hộ tương lai một cách trực quan nhất nhờ công nghệ tương tác ảo. Khi đã trở thành cư dân, người mua sẽ được sử dụng ứng dụng gọi xe, ví điện tử riêng cho cư dân, ứng dụng thông minh phục vụ nhu cầu ăn uống, sửa chữa đồ đạc, gọi người giúp việc, vận chuyển… chỉ bằng vài nút chạm trên điện thoại.
Theo TS Vũ Đình Tuấn, giảng viên khoa Kỹ thuật phần mềm, Đại học Công nghệ – Thông tin (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), theo định nghĩa thông thường, một căn hộ thông minh phải được trang bị nội thất được điều khiển tự động bằng công nghệ cao qua máy tính, điện thoại. Những thiết bị tự động được tích hợp cùng các thiết bị nội thất giúp chúng liên kết với nhau và hoạt động chủ động theo một lịch trình định sẵn, chủ nhân có thể cài đặt để chúng hoạt động ngay cả khi không có mặt tại nhà, hay đang say giấc ngủ.
Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ dựa vào những thiết bị công nghệ cao, mà một căn hộ thông minh còn phải phụ thuộc vào sự tính toán ngay từ đầu của chủ đầu tư về thiết kế không gian, nội thất, hệ thống tiện ích chung, quản lý vận hành thông minh… Chỉ khi đảm bảo hài hòa những yếu tố trên thì mới có thể gọi là một căn hộ thông minh hoàn chỉnh.
“Hệ thống điện âm tường, hệ thống đường ống dẫn gas… đều được lắp đặt thiết bị cảm ứng công nghệ phòng khi bị lỗi. Chính vì vậy, các giải pháp thông minh phải được triển khai ngay khi dự án bắt đầu xây dựng, chứ không thể áp dụng ở các dự án đã đưa dân vào ở”, ông Đình Tuấn cho biết.
- Xem thêm: Nên sắm gì cho ngôi nhà thông minh?
Cuộc chạy đua vào thị trường đầy tiềm năng trên ở Việt Nam đã có sự xuất hiện của những công ty tên tuổi của thế giới như Siemens (Đức), Schneider (Pháp), Smart 4g và TIS Smart Home đến từ Mỹ. Về phần các doanh nghiệp trong nước cũng có một số công ty tiêu biểu như Bkav Smarthome, Lumi và Acis. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group, một đơn vị chuyên phát triển những thiết bị thông minh trong căn hộ cho rằng, việc đầu tư các giải pháp công nghệ không chỉ tạo điều kiện tiết giảm chi phí trong dài hạn, tối ưu trải nghiệm người dùng, mà còn tăng tính minh bạch của thị trường. Ông phân tích thêm: “Với việc thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, giá trị dự án và căn hộ đang được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu thì việc áp dụng công nghệ là xu hướng tất yếu và bất động sản cũng là thị trường tiềm năng cho hầu hết các doanh nghiệp phát triển công nghệ nhắm tới. Xu hướng hiện nay vẫn là chủ đầu tư chủ động đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ về những thiết bị thông minh riêng cho dự án của mình”.