Dừng chân ở thành phố Taos bang New Mexico, chúng tôi gần như không thể tin được là mình vẫn đang ở Mỹ. Những dãy phố mang vẻ đẹp đặc trưng và khác biệt hẳn so với phần còn lại của xứ sở Hoa Kỳ.
Taos hoàn toàn không có các tòa nhà bê tông mà chỉ có những ngôi nhà một, hai tầng đắp bằng bùn rơm thấp lè tè, xây thẳng trên nền đất. Đây chính là lối kiến trúc Adobe đã có hàng ngàn năm tuổi của thổ dân da đỏ.
Cửa hàng, khu mua sắm (shopping mall), nơi ăn, chốn ở đều xây theo cách này, dù bên trong rất hiện đại, có máy lạnh và các tiện nghi khác.
Mặt tiền nhà thường có vài cái xà ngang (5-9 cái) ban đầu là làm giàn đỡ trần nhà, nay chỉ để làm cảnh nhằm chứng tỏ nhà được xây theo kiến trúc Adobe của vùng Tây Nam nước Mỹ.
Taos được xây dựng năm 1615 sau khi đế quốc Tây Ban Nha chiếm trọn làng mạc của người da đỏ Pueblo. Thời gian đầu, quan hệ giữa kẻ xâm lăng và thổ dân khá tốt đẹp nhưng sau đó người da đỏ đã nổi dậy, giết dân Tây Ban Nha và bỏ đi khỏi Taos.
Sau những biến động, người da đỏ và người Latin lại sống chung hòa thuận; ngày nay họ là cộng đồng hòa nhập nhưng không hòa tan.
Những nhà quản lý đô thị ở Taos nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc da đỏ, nên du khách tới đây dễ dàng nhận ra nền văn hóa của người bản địa.
Ngôi làng của những cây liễu đỏ
Có người trong đoàn của chúng tôi ví von Taos là Hội An của nước Mỹ. Trong khu phố cổ kính với màu vàng chủ đạo, du khách thong thả dạo bộ, ngắm nghía những cửa hàng san sát bày bán đồ thủ công mỹ nghệ màu sắc rực rỡ.
Đây đó dọc theo phố, vài họa sĩ người da đỏ ngồi vẽ tranh chân dung, tranh phong cảnh, không ai chào mời, lôi kéo du khách mua hàng.
Ở quảng trường trung tâm thành phố có sân khấu ngoài trời, nơi người da đỏ biểu diễn múa hát giúp du khách trở về vùng đất này mấy thế kỷ trước, chỉ có hoang mạc và núi đá.
Taos nằm trên dải đồi cao giữa sa mạc nên ban ngày nắng nóng và khô bụi, đêm lại lạnh buốt. Vòng quanh thành phố nhỏ xíu này là những vùng núi đẹp và có cả khu trượt tuyết giá rẻ.
Từ “taos” trong ngôn ngữ người Pueblo có nghĩa là “làng của những cây liễu đỏ” và Taos lấy tên làng Taos Pueblo của người da đỏ cách đó vài cây số.
Được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, “Làng của những cây liễu đỏ” được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm, bằng đất bùn trộn rơm, tường và mái nhà dày khoảng vài tấc nên nhà ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Phía ngoài mỗi nhà có bếp lò hai cửa đắp bằng đất để đun nấu, nướng bánh còn mái nhà bằng phẳng được dùng như sân thượng. Nhà kiểu này rất phù hợp với gia đình người bản địa có nhiều thế hệ cùng sinh sống.
Chúng tôi vào thăm vài nhà của người da đỏ, họ chế tác và bán đồ lưu niệm, tranh ảnh, bưu thiếp. Giữa làng là dòng suối nước trong vắt, với những cây liễu đỏ phất phơ trong gió hai bên bờ.
- Xem thêm: Những thung lũng sắc màu ở Oaxaca
Gần cổng làng là một nhà thờ cũng bằng đất, bên cạnh là nghĩa trang, ở trung tâm làng là khối nhà được xây rất kiên cố, cao vài tầng.
Chỉ với bùn, rơm, gỗ nhưng người da đỏ có thể xây được ngôi làng như vậy, chứng tỏ nền văn minh cổ của họ từng rất phát triển.
Thủ phủ Santa Fe đậm chất nghệ thuật
Từ Taos về Santa Fe, thủ phủ của bang New Mexico chỉ mất tiếng rưỡi nhưng ai cũng cảm thấy lâu vì hai bên đường hầu hết là hoang mạc trơ trụi, thỉnh thoảng mới thấy một thị trấn chừng vài chục nóc nhà.
Santa Fe cũng do người da đỏ Pueblo đặt nền móng từ những năm 1050-1150, ngày nay thành phố vẫn nhất quán trong xây dựng theo phong cách Adobe độc đáo như ở Taos và một số thành phố khác của bang.
Khách sạn năm sao Lorreto ở Santa Fe trông không khác gì nhà của một tù trưởng bộ lạc da đỏ. Vài chục năm trước, lối kiến trúc mang phong cách thổ dân của New Mexico bị nhiều người chê cười là “nhà tranh vách đất”.
Đến nay, tầm nhìn sáng suốt của chính quyền thành phố đã được chứng minh khi du khách khắp nơi nườm nượp đến thăm Taos hay Santa Fe để tìm hiểu nền văn minh da đỏ từng rực rỡ trong nhiều thế kỷ.
Nằm trong rặng núi Rocky cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Santa Fe được thành lập bởi người Tây Ban Nha từ năm 1610 – là thành phố cổ kính nhất và nằm ở độ cao nhất của nước Mỹ.
Với dân số chỉ khoảng hơn 70.000 người, mỗi năm Santa Fe thu hút gần 2 triệu du khách đến thăm và thưởng thức nền mỹ thuật bản địa.
Nhờ mỹ thuật, Santa Fe từng được bình chọn là điểm du lịch hấp dẫn thứ ba của Mỹ, chỉ sau San Francisco và Charleston.
Hàng chục bảo tàng nghệ thuật, lớn nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Santa Fe từ lâu đã trở thành nơi hội tụ của giới họa sĩ, nhà văn, nhà thơ và những người làm nghệ thuật khắp thế giới.
Đặc biệt con đường Canyon với hơn 250 gallery mỹ thuật được bình chọn là một trong 10 con đường danh tiếng của cả nước Mỹ.
Đường Canyon dài gần 2km, đã nổi tiếng là con đường của nghệ thuật tạo hình từ đầu thế kỷ 20. Đến đây, du khách có thể thưởng lãm từ đồ gốm của người da đỏ đến các tác phẩm mỹ thuật hiện đại, từ tác phẩm của các tác giả cổ điển bậc thầy đến sáng tác mới của những họa sĩ đương đại; từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến kim hoàn nghệ thuật cùng vô số tác phẩm điêu khắc với đủ chất liệu…
Trên con đường này, mỗi ngày đều có những triển lãm mới và luôn có mặt các nhà sưu tập, làm nên một không khí nghệ thuật vừa sôi động, vừa lịch lãm…