Không phải là một thương hiệu thiết kế, sản xuất đồ nội thất, cũng không phải là một thương hiệu chuyên kinh doanh đồ nội thất nhập khẩu, Visagitta là một thương hiệu đồ nội thất mà người sáng lập – anh Huỳnh Công Nhuệ Chí gọi vui là “chìa khóa trao tay”. Ở nước ta, chìa khóa trao tay một ngôi nhà hoàn thiện không còn xa lạ, nhưng khái niệm chìa khóa trao tay đồ nội thất là điều ngay cả các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất – những khách hàng của Visagitta cũng muốn nghe chủ nhân của nó chia sẻ thêm.
Ý tưởng chìa khóa trao tay đồ nội thất đến với anh như thế nào?
Visagitta khởi đầu vào năm 2006 là một công ty 3D artist, chuyên làm các dự án thiết kế booth hội chợ, hợp tác với xưởng sản xuất đồ nội thất… Trong quá trình làm việc với các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, tôi phát hiện rằng các nhà thiết kế nội thất trong nước gặp khá nhiều khó khăn trong việc chọn đồ nội thất (furniture) đưa vào bản vẽ phối cảnh 3D của họ. Lý do là thị trường furniture trong nước chưa phong phú, ít có thư viện hình furniture, nên các kiến trúc sư đa phần phải sử dụng thư viện furniture quốc tế. Cách làm này sẽ giúp cho bản vẽ không gian 3D nhìn rất đẹp, nhưng nếu khách hàng đồng ý với giải pháp nội thất đó thì rất khó tìm sản phẩm thật có trên thị trường giống như trong bản vẽ. Ngay cả trong nước có sản xuất thì cũng không thể đạt được vẻ đẹp của món đồ như bản vẽ. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc kinh doanh furniture theo hướng tạo thư viện hình ảnh furniture 3D của riêng mình. Thư viện này, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất để họ sử dụng trong các bản vẽ của mình. Cái hay ở đây là nếu khách hàng đồng ý với bản vẽ, các kiến trúc sư có thể tìm ngay được sản phẩm trên thị trường, không phải chờ đặt hàng sản xuất tương tự hoặc nhập khẩu.
Nhưng một thư viện hình ảnh 3D nghe có vẻ không phải là một sản phẩm dễ “lấy tiền” khách hàng?
Nếu hoạt động trong lĩnh vực này, bạn sẽ thấy rằng tìm được các file furniture 3D Max có đầy đủ chi tiết về chất liệu, kích thước là không dễ dàng. Chúng tôi không chỉ cung cấp cho khách hàng thư viện ảnh sản phẩm có thể copy được (vì có chi tiết tỷ lệ), mà quan trọng hơn là còn có thể mua được sản phẩm thật với chất lượng thật.
Những sản phẩm như thế nào sẽ được anh chọn?
Chúng tôi chọn những thiết kế đương đại (contemporary) với tiêu chí: đẹp, đơn giản, hiện đại, tinh tế, có thương hiệu, có giải thưởng danh tiếng. Đẹp là đương nhiên nhưng đơn giản, không cầu kỳ mà lại sắc sảo thì chúng tôi đánh giá cao các dòng furniture đoạt giải quốc tế như Artisan của Bosnia hay các dòng sản phẩm contemporary từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt là đồ gỗ, tôi chú trọng những thiết kế không bị trùng với sản phẩm nào ở Việt Nam, kể cả sản phẩm nhập. Tôi chọn sản phẩm bằng cách xác định phân khúc thị trường cao cấp, rồi nhập về những thứ mình thích. Những thứ tôi thích phải là những sản phẩm có tính thiết kế, có tính chi tiết (thiết kế công nghiệp hoặc đoạt giải quốc tế).
Tôi cũng cực kỳ chú trọng chi tiết từ chất liệu (material) đến tỷ lệ đến kỹ thuật sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Gỗ óc chó, da, đồng… là những chất liệu tôi thích, vì có thể thiết kế riêng theo yêu cầu của khách hàng nhưng lại không dễ đặt làm copy. Ví dụ furniture năm ngoái “lăng-xê” chi tiết đồng, một chi tiết rất nhỏ và cực đơn giản nhưng tìm nhà cung cấp hoàn thiện tại Việt Nam thì không có (hoàn thiện không thể giống). Tôi thích những sản phẩm tích hợp nhiều chi tiết đơn giản nhưng khó copy như vậy. Vì tôi không muốn khách hàng xem sản phẩm 3D thấy ưng ý rồi lấy mẫu đem đặt bên ngoài làm.
Những món đồ tôi chọn là dòng đồ công nghiệp nhìn chi tiết có vẻ thủ công nhưng để hoàn thiện tinh tế sắc sảo thì phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác với máy móc. Những chi tiết chỉ có máy CNC mới làm được. Ngay cả hoàn thiện bề mặt sản phẩm cũng là quét dầu tự nhiên, không xài PU nhằm bảo quản gỗ. Tôi thích những sản phẩm quét dầu tự nhiên vừa giúp sản phẩm sáng, bóng tự nhiên vừa giúp các sớ gỗ vẫn thở. Vì nếu chỉ sấy khô thì gỗ sẽ không giãn nở nữa, còn PU lại dễ làm gỗ cong, ngót do giãn nở.
Slogan của Visagitta là “The house of Concepts”. Theo quan điểm của anh, “The house of Concepts” là…
Trước tiên, đó là sự khẳng định chất lượng sản phẩm: Visagitta là nhà phân phối các dòng furniture có tính thiết kế được quốc tế công nhận và đoạt được những giải thưởng quan trọng. Bạn có thể tìm thấy ở đây chiếc ghế Neva đoạt giải Interior Innovation Award 2015, chiếc đèn Shift đoạt giải Miaw Award, chiếc bàn Latus đoạt giải thưởng German Design Award 2012 hay bộ bàn Invito đoạt giải Interior Innovation Award 2011… Đặc biệt, Visagitta là nhà phân phối độc quyền sản phẩm đồ gỗ Artisan (Bosnia) không chỉ tại Việt Nam mà cả ở Singapore.
Anh đánh giá như thế nào về thị trường furniture cao cấp hiện nay?
Rất có tiềm năng. Vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác.
Vậy vì sao anh không sản xuất furniture cao cấp “Made in Vietnam”?
Tôi vẫn sản xuất furniture “đo ni đóng giày” như bếp, kệ tủ… Còn về bàn, ghế, sofa thì như tôi đã chia sẻ, tôi thích những dòng đồ công nghiệp có tính design, có câu chuyện thiết kế hoặc những sản phẩm đoạt giải thiết kế quốc tế.
Nói thêm về việc thiết kế sản phẩm nội thất, tôi không cho rằng “made in” nơi nào là cái gì đó quan trọng. Một món đồ furniture sử dụng được không chỉ đẹp mà còn phải có công năng. Công năng chính là tính design của sản phẩm. Tôi muốn khách hàng nhớ đến Visagitta là đồ design, dù là đồ công nghiệp.
Một lý do khác là bây giờ các nhà thiết kế trong nước có khuynh hướng thiết kế nội thất nhiều hơn thiết kế furniture. Cho nên, tìm kiếm để sản xuất những thiết kế có tính design không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu mua sắm furniture cao cấp hiện nay.
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện cởi mở và chân thành.
- Ảnh Naoto Ohike