Trên các số báo của năm 2017, Nội Thất đã có loạt bài giới thiệu các kiến trúc sư trẻ và những thiết kế mới nhất của họ. Nhiều người trong số họ có mặt trong Triển lãm kiến trúc Unorthodox 8792 vừa diễn ra tại Hà Nội (từ 6-1 đến 25-1-2018). Tại sao là 8792?
Đây là thế hệ kiến trúc sư có năm sinh từ 1987 đến 1992, đang ở độ tuổi 25-30, tương đối trẻ so với nghề kiến trúc, vừa hoàn thành các chương trình đào tạo thiết kế chưa lâu nhưng đã định hình được bước đi, quan điểm thiết kế tương đối rõ ràng và có được những thành tựu bước đầu. Có thể, cách nhìn nhận và tư duy thiết kế của thế hệ này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới tương lai của kiến trúc Việt Nam.
Với mục tiêu giới thiệu đến cộng đồng kiến trúc nước nhà và công chúng một thế hệ kiến trúc sư trẻ có góc nhìn và phương pháp tư duy mới, triển lãm đã tập hợp 38 kiến trúc sư trẻ, được đào tạo ở các trường kiến trúc tại Việt Nam hoặc du học ở nước ngoài, với 43 đồ án và công trình thực tế cùng các buổi nói chuyện chuyên đề thú vị. Triển lãm do AGOhub và CLB Kiến trúc trẻ Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp tổ chức.
Trên ấn phẩm đặc biệt mừng Xuân Mậu Tuất, Nội Thất xin được giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu và thông điệp họ muốn chia sẻ thông qua các đồ án nghiên cứu tổng hợp hoặc công trình thiết kế mà họ mang đến triển lãm.
1. KTS Vũ Tiến An (1987) – Ta’ d.atelier, TP.HCM
Tại Ta’d.a, chúng tôi dành phần lớn thời gian để đặt ra những câu hỏi thích hợp. Những câu hỏi đúng góp phần rất quan trọng trong việc tạo ra một thiết kế đúng đắn, trong khi đặt sai câu hỏi có thể đẩy KTS đi vào ngõ cụt. Bên cạnh những mặt bắt buộc phải lưu tâm như bối cảnh, điều kiện tự nhiên và xã hội của vị trí xây dựng, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến con người, vì đây là khía cạnh khó nắm bắt hơn cả và là nhân tố quyết định cái hồn của tác phẩm. Thường trong những lần gặp đầu tiên với chủ đầu tư, chúng tôi không nhắc nhiều đến thiết kế mà dành thời gian để lắng nghe. Nếu may mắn bạn có thể gặp được những chủ đầu tư tốt, đơn giản hóa đề bài ngay từ đầu, vạch rõ những điều ưu tiên và những điều không. Số này khá ít. Đa phần chủ đầu tư tìm đến với Ta’d.a dù có nhiều tâm tư, mong ước về công trình tương lai của họ, nhưng đôi khi chúng lại khá mâu thuẫn với nhau…
Chúng tôi gọi tất cả những điều ảnh hưởng đến quá trình thành hình một công trình, kể cả về vật lý và phi vật lý, là những tác lực. Để có thể nắm bắt những điểm sáng trong hàng loạt thông tin được tiếp nhận, chúng tôi sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Có những tác lực hiển nhiên như lực hút của Trái đất; có những tác lực kiến trúc không thể tránh khỏi như điều kiện tự nhiên của khu đất, chỉ giới xây dựng, chi phí đầu tư, mong muốn của chủ nhà… Những tác lực chính này sẽ tạo một cấu trúc ban đầu và là tiền đề cho sự thành hình công trình. Mỗi công trình là một câu chuyện kể với những tình tiết khác nhau buộc chúng tôi luôn tiếp cận và khám phá theo những cách hoàn toàn khác nhau. Đó là cách chúng tôi tìm thấy được niềm vui khi hành nghề. Chúng tôi chọn tên nhóm là Ta’d.a cũng chính bởi lẽ đấy.
Về công trình SD office
Đây là một kiến trúc thấp tầng gồm năm sàn, chủ yếu sử dụng làm văn phòng, kho dược cụ và một không gian sinh hoạt của người chủ đặt trên tầng áp mái. Bài toán được đặt ra là sự cân bằng giữa thẩm mỹ hình khối, công năng phức hợp và nhu cầu về mức độ mở khác nhau cho từng hạng mục công năng. Chúng tôi nhận thấy việc đặt ra các khoảng mở xuyên mạnh (strong holes) qua khối công trình sẽ tạo được nhiều ô cửa mở lớn hướng đến các góc nhìn quan trọng. Chúng tôi áp dụng kết cấu thép tiền chế để rút ngắn thời gian thi công và giảm thiểu việc xây cất tại công trường. Qua đó, sự đồng chất của tổng thể bố cục là mục tiêu quan trọng mà chúng tôi hướng đến.
2. KTS Nguyễn Đặng Anh Dũng (1987) – AD+studio, TP.HCM
Nhà phố là một loại hình nhà ở đô thị tại Việt Nam được xây dựng với số lượng lớn và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Ngoài mục đích xây dựng để ở, cũng có một số công trình để đầu cơ, mua bán được xây dựng vội vã và gần như rập khuôn theo thói quen của nhà thầu hoặc môi trường tiếp xúc của chủ đầu tư. Đa phần các công trình này đều có thông tầng và cầu thang được bố trí giữa nhà chia mặt bằng thành hai phần trước sau. Cách bố trí này từ lâu đã phát sinh ra vấn đề về thông gió và chiếu sáng cũng như tính riêng tư cho các không gian sống chung quanh, nhưng vẫn có phương án xử lý triệt để.
Bachyard house là một phương án cải tạo của một công trình như vậy
Nằm trong khu dân cư khép kín là một căn nhà phố cũ có bốn sàn bố trí lệch nhau xoay quanh lõi thang ở giữa. Trong bối cảnh ba mặt bị che khuất, ý tưởng bố trí cơ bản là di chuyển thông tầng chính về phía sau, đây là trục xương sống cho toàn bộ ngôi nhà, đáp ứng nhu cầu thông gió, chiếu sáng và tạo sự liên hệ giữa các không gian.
Tầng trệt của thông tầng chính là một mảnh vườn nhỏ, ở vị trí bất lợi nhất của công trình, giải pháp cải tạo khối kiến trúc từ cao đến thấp sẽ tối ưu cường độ ánh sáng tự nhiên cho cây xanh ở khu vực này. Từ lầu 1 xuất hiện thông tầng phụ tạo khoảng đệm cho các phòng ngủ phía trước và không gian chung phía sau. Không gian chung này bám sát thông tầng chính theo chiều dọc nhằm khai thác hiệu quả thông gió và lấy sáng. Trên cùng là hệ cầu thang xoay theo phương đổ dốc mái, có khả năng “đóng”, “mở”, linh hoạt trong sử dụng. Toàn bộ mặt bằng mái là sự kết hợp giữa vườn rau, cây xanh, mặt nước và các khoảng đệm có cao độ khác nhau, thoai thoải dần về hồ sen đáy kính – nơi đưa ánh sáng tán xạ xuống các không gian bên dưới…
3. KTS Phạm Nhân Thọ (1987) – atelier tho.A., TP.HCM
Theo một nghĩa nào đó, khi mà kiến trúc được hiểu là “đạo”, thì kiến trúc sư cũng là những “con chiên”. Cùng với mỗi khách hàng, họ lại vẽ nên một cuộc sống, nhưng rất nhiều trong số đó còn dở dang. Mỗi chủ nhà chỉ một lần dở dang, nhưng kiến trúc sư thì không đếm xuể, lòng tin có lẽ bị thử thách nhiều nhất. Với vài chục công trình bị khước từ, kiến trúc sư là hiện thân rõ nhất của việc bị chối từ giấc mơ – niềm tin của một kẻ sùng đạo. Một công trình được xây thì cũng trăm lần khó khăn ngăn trở, cũng đã có năm bảy thứ không thể thành, chưa kể đến những phương án thiết kế sơ bộ có khi lên đến con số hàng trăm. Làm nghề đúng nghĩa có lẽ cũng như một con chiên với đức tin, luôn luôn bị thử thách.
Về dự án Trên lưng lạc đà
Đầu năm 2017, chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng thiết kế cho khu đất đầy lau sậy rộng 1.200m², nằm đối diện đền thờ tổ nghề sân khấu của nghệ sĩ Hoài Linh ở quận 9, TP.HCM. Theo chia sẻ của chủ đầu tư, chính nhờ khối kiến trúc đền thờ quy mô lớn được chạm trổ rồng phượng lộng lẫy của nghệ sĩ hài nổi tiếng này, lượng khách tham quan công trình của chúng tôi sẽ được bảo đảm.
Ý tưởng biến toàn bộ khu đất thành một hoang mạc, trong đó những khu ở là ốc đảo, hình thành ngay lúc đó, rất tự nhiên. Trong thiết kế này, cát được sử dụng như nguyên liệu tự nhiên rẻ tiền phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng, đồng thời cũng tạo hiệu ứng tương phản với màu xanh của bối cảnh. “Trên lưng lạc đà” là hành trình trong hoang mạc tìm về những giá trị nguyên sơ nhất, nước và màu xanh của sự sống, khác với những mong muốn phù phiếm được đáp ứng bởi thánh thần.
Tuy nhiên, phương án đã không được triển khai. Dù là vì bất kỳ nguyên nhân nào, lần nữa một giấc mơ lại tan biến…
4. KTS Nguyễn Hà Thắng (1989) – Văn phòng kiến trúc T+M Design, Hà Nội
Sự xâm phạm không gian và khoảng cách trong nhà ở đô thị
Hầu hết động vật đều có một vùng nhất định xung quanh cơ thể mà chúng tự cho là không gian riêng của mình. Không gian đó mở rộng hay thu hẹp tùy thuộc vào tình trạng mật độ cư dân ở nơi mà nó sinh trưởng. Cũng vậy, mỗi người đều có “bong bóng khí” (air bubble) riêng mang theo quanh mình. Kích thước “bong bóng khí” tùy thuộc vào mật độ dân số nơi đó, chính là vùng khoảng cách của con người. Và nó có thể được chia thành bốn vùng riêng biệt: vùng thân mật (giữa 15 – 45cm); vùng riêng tư (từ 46cm – 1,22m); vùng xã giao (1,22m – 3,6m) và vùng công cộng (ngoài 3,6m). Khi thiết kế một công trình dành cho con người, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vùng khoảng cách ấy. Muốn tìm kiếm và xây dựng một môi trường sống mới linh hoạt, bền vững cho đời sống đô thị trong tương lai, ở đó các không gian chức năng được sáng tạo bởi người sử dụng, có sự tương tác cả bên trong lẫn bên ngoài công trình.
Về công trình M house
Nằm trong chương trình nghiên cứu về “Sự xâm phạm không gian và khoảng cách trong nhà ở đô thị”, M house là một dự án chúng tôi đã thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với những không gian mà người sử dụng có được “vùng khoảng cách” riêng tư cho mình thì ở đây, nó còn có thể mở rộng ra những vùng lân cận phục vụ cho những chức năng không được hoạch định trước trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi mong muốn đưa ra nhiều khả năng để người sử dụng có thể chủ động sáng tạo với ngôi nhà và hy vọng rằng từ đó thiết lập được một môi trường sống ôn hòa, bền vững của môi trường đô thị trong tương lai.
5. KTS Nguyễn Thành Đông (1987) – Văn phòng kiến trúc Hà Việt, Hà Nội
Công trình: Nhà Vịt
Nhà Vịt là nhà nghỉ cuối tuần nhằm phục vụ cho một gia đình sáu thành viên, gồm hai vợ chồng trung niên và bốn đứa con (từ 7 đến 16 tuổi) tại vùng nông thôn thuộc xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, Bắc Giang. Khu đất xây dựng là một vườn bưởi đã có sẵn với diện tích 10.000m² và có độ dốc vừa phải. Vị trí đặt công trình ở đỉnh cao nhất khoảng giữa khu đất. Tổng diện tích sàn 120m² bao gồm không gian sinh hoạt chung cũng là phòng khách, bếp, phòng ăn, hai phòng ngủ, phòng vệ sinh và các kho phụ trợ. Vật liệu chính sử dụng cho công trình là thép, bê tông, kính và gỗ.
6. KTS Ngô Đức (1991) – Studio Maks, Barcode Architects Rotterdam, Hà Lan
Về dự án Hiên nhà
Phương án thiết kế nhằm tối đa hóa tiện ích cuộc sống của các gia đình trẻ trong nhà ở xã hội với thiết kế đơn giản và tiết kiệm. Mỗi căn hộ đều có hai tầng (trừ các căn trên tầng mái), lối vào nằm ở tầng một mỗi căn, không gian phía trên dành cho các chức năng phụ. Lõi giao thông đứng được tối ưu hóa. Điểm mạnh của công trình là lớp không gian thông tầng phía trước mỗi căn hộ tạo nên sự chuyển tiếp tự nhiên giữa ngôi nhà và môi trường bao bọc nó. Sự thay đổi tương quan giữa cơ thể con người và các không gian làm xóa mờ giới hạn giữa bên trong và bên ngoài. (Dự kiến hoàn thành xây dựng năm 2019).
7. KTS Nguyễn Mạnh Hùng (1991) – Hung Nguyen Architects, Hà Nội
“Chòi nghỉ của sự khởi nguyên” là nỗ lực nhằm tái sinh bầu không khí trong lành thông qua một không gian được lấp đầy bởi thực vật lọc khí có khả năng hấp thu các khí độc của môi trường. Không gian này nằm trên sân thượng của một căn nhà ba tầng tại Hà Nội, kết cấu chính được tạo bởi nhiều khung hình hộp nhỏ, nhiều khung như vậy tạo ra một pavilion lớn phù hợp với tỷ lệ con người. Ánh sáng được rót xuống, gió đi xuyên qua từng khoảng trống. Ranh giới giữa trong và ngoài bị mờ nhòe. Một mối quan hệ hài hòa được thiết lập giữa con người, tự nhiên và không gian.
Màu trắng của hệ khung thép tái chế, từ những viên sỏi trên sàn giúp phân tán ánh sáng theo nhiều hướng, tấm lợp mái bằng nhựa polycarbonate trong mờ làm giảm bức xạ mặt trời. Ở những độ cao khác nhau, các khối lập phương mỗi cạnh 0,2m được treo lơ lửng xung quanh để phân bố sự lọc khí tới mọi ngóc ngách của chòi nghỉ. Hệ thực vật phát triển và quấn quanh cấu trúc. Ở đây, cây xanh đóng vai trò chủ đạo, chiếm hữu không gian này, trong khi con người đóng vai trò chăm sóc và được trả công bằng bầu không khí trong lành, cũng như được trải nghiệm vẻ đẹp sống động của tự nhiên. Kết cấu mảnh mai đó chỉ như một sự can thiệp khiêm nhường của con người đối với tự nhiên, đồng thời đóng vai trò như một sợi dây để buộc chặt mối tương tác và kết nối giữa con người, tự nhiên và không gian.
8. KTS Nguyễn Bá Dũng (1989) – PLAT.6 Architects, Hà Nội
Với việc bùng nổ xây dựng các chung cư cao tầng trong thời gian gần đây thì thiết kế nội thất căn hộ là một trong những cơ hội đầu tiên đến với tôi sau khi ra trường năm năm. Đa số các căn hộ được chọn mua đều phù hợp và đóng khung trong lối sống quen thuộc của chủ sở hữu, ở đó ranh giới và giới hạn không gian trong các căn hộ là khá rõ rệt. Trong các thiết kế, chúng tôi luôn cố gắng tiết chế hình ảnh những bức tường ngăn, thay vào đó là những hệ tủ hoặc vách gỗ chạy liên tục tạo cảm giác các không gian được kết nối với nhau một cách mạnh mẽ và xuyên suốt hơn. Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên cũng là một yếu tố luôn được lưu ý hàng đầu trong mỗi công trình.
9. KTS Nguyễn Khắc Phước (1989) – Nguyen Khac Phuoc Architects, Hà Nội
Dự án Nhà trú
“Nhà trú” nằm ở vùng trũng thuộc nông thôn của tỉnh Nghệ An, thường xuyên bị ngập lụt. Mục đích cơ bản của dự án là tạo ra một nơi cao hơn mức lũ lụt hằng năm để trú ẩn, đồng thời vẫn duy trì không gian sống vốn có của chủ sở hữu.
Câu chuyện xoay quanh một trang trại nhỏ ở nông thôn của một gia đình có ba thế hệ. Tình trạng kinh tế của họ rất “cơ bản”, do đó việc xây dựng nhà ở chủ yếu là duy tu và cơi nới. Nơi trú ẩn mới (đồng thời để tránh lũ) được xây dựng trên nền cũ của một ngôi nhà có diện tích 70m², tích hợp với ngôi nhà cũ. Sàn được thiết kế cao hơn tầng trệt 1,5m (cao hơn mức lũ lụt tối đa trong quá khứ). Công trình sử dụng vật liệu nhân công tại địa phương, đồ nội thất kết hợp giữa bổ sung mới và tái sử dụng đồ cũ. Ngôi nhà hài hòa với cây cối khu vườn, có tính cộng sinh giữa cũ và mới, con người và kiến trúc. Tất cả những thay đổi này đều dựa trên cơ sở cũ để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của các thế hệ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
10. KTS Nguyễn Quốc Anh (1993) – Global Architect & Associates, Hà Nội
Dự án “Nhà thân thiện” được xây dựng dựa trên ba yếu tố: tổ chức không gian hiệu quả; sử dụng vật liệu thân thiện; tiết kiệm năng lượng.
Về tổ chức không gian: ngôi nhà có diện tích 6 x 10m, gồm bốn tầng, đảm bảo các không gian gara, bếp, phòng ăn (tầng trệt); phòng khách, thư viện, kho (tầng 1); các tầng còn lại gồm hai phòng ngủ, một phòng làm việc và khu vườn trên sân thượng. Một khe thoáng được bố trí dọc căn nhà từ trước ra sau để đảm bảo mọi không gian đều có được ánh sáng và thông gió tự nhiên. Trục cầu thang xoắn ốc quanh một trụ bê tông, tạo những nút thắt mở trong không gian và những góc nhìn thú vị khi di chuyển.
Về vật liệu: lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống và vật liệu địa phương để ứng dụng vào không gian phục vụ cho lối sống hiện đại. Bê tông trần, đá, thép, kính kết hợp với ngói, gỗ, tre tạo nên một không khí mộc mạc, bình yên và đậm chất nhiệt đới. Mặt tiền hai lớp vừa để cách nhiệt vừa giảm thiểu tác động của nắng hướng tây. Lớp mặt tiền bằng lam tre bên ngoài gợi khá nhiều cảm xúc cho không gian nội thất, đảm bảo sự riêng tư và tạo hiệu ứng thú vị ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng: thiết kế không sử dụng công nghệ cao mà là những thủ pháp đơn giản về vật liệu và bố trí không gian, ngôi nhà luôn đón được gió và ánh sáng tự nhiên. Phần nắng hướng tây bố trí các không gian chức năng ít được sử dụng. Hệ mặt tiền hai lớp làm giảm tác động của bức xạ nhiệt vào nhà. Khi tắt nắng, mặt tiền được mở rộng tối đa để đón gió mát và mở tầm nhìn.
- Ảnh Quang Trần – Dũng Huỳnh – Hoàng Lê – Nguyễn Thái Thạch
và Tư liệu của các đơn vị thiết kế