Mới được đưa vào khai thác thử nghiệm khoảng hơn một năm, tuyến du lịch Cát Cát – vũng Rồng – giếng Tiên – Sín Chải ở vườn quốc gia Hoàng Liên đang được nhiều du khách yêu thích vì phong cảnh đẹp và hệ động thực vật đặc sắc.
Nằm ở độ cao từ 1.000 – 3.000m so với mực nước biển, vườn quốc gia Hoàng Liên bao gồm những thảm rừng nguyên sinh đan xen với thảm rừng kín á nhiệt đới núi cao, tạo nên hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Sự chia cắt mạnh mẽ về địa hình đã hình thành ở vườn quốc gia Hoàng Liên nhiều cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ như đỉnh Phan Xi Păng, suối Vàng, thác Tình Yêu, thác Nàng Tiên Thứ Bảy… Trong đó, vũng Rồng – giếng Tiên là hai thắng cảnh vẫn còn hoang sơ, chưa có nhiều người biết đến.
Từ bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa), du khách đi ngược con suối Mường Hoa về hướng đỉnh Phan Xi Păng khoảng 8km sẽ tới vũng Rồng xanh như ngọc. Hồ nước dưới chân núi này tuy không lớn nhưng rất đẹp mắt bởi nước trong veo, bờ hồ là những khối đá nhiều hình thù. Dọc đường đi, bạt ngàn hoa đỗ quyên đỏ, hoa hồ mộc Tây Tạng khiến cho khung cảnh núi rừng càng thêm lãng mạn. Truyền thuyết về vũng Rồng kể rằng xưa kia, rồng được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ điều tiết thiên nhiên cho mưa thuận gió hòa. Một ngày, do mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp núi rừng dưới hạ giới nên rồng đã quên nhiệm vụ của mình khiến cho lũ lụt, thiên tai xảy ra. Bởi vậy, Ngọc Hoàng đã phạt và nhốt rồng xuống vũng nước sâu có diện tích khoảng 800m² nằm dưới chân thác nước bắt nguồn từ đỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ truyền thuyết này, người dân địa phương gọi nơi đây là vũng Rồng.
Từ vũng Rồng, đi ngược suối Mường Hoa khoảng 1 cây số, du khách sẽ đến giếng Tiên với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Khu vực giếng Tiên gồm hai thác nước ngày đêm ào ào tung bọt trắng xóa đổ xuống hồ nước sâu. Tương truyền, xưa kia, các nàng tiên trên trời thường xuống đây vui chơi và tắm mát. Tiếp tục đi men theo con suối Mường Hoa tới độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển, du khách sẽ đến bản Sín Chải (thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa). Sín Chải có khoảng gần 1.500 người dân tộc Mông đen sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt (lúa, ngô, lanh, thảo quả) và chăn nuôi. Ngoài ra, dân bản còn biết dệt vải, thêu thùa và đặc biệt là vẽ các hoa văn, họa tiết trên nền vải bằng sáp nến. Các sản phẩm thủ công như quần, áo, váy, gối, chăn… do dân bản làm ra chỉ để phục vụ cho nhu cầu cá nhân chứ không đem ra chợ bán.
Mặc dù chỉ cách thị trấn Sa Pa khoảng gần 5 cây số và tiếp giáp với bản Cát Cát – một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng Sín Chải không có nhiều khách du lịch ghé thăm. Nhờ vậy mà bản làng này còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ của phong cảnh núi rừng, nét đặc sắc nguyên vẹn trong đời sống của người H Mông bản địa. Không ồn ã náo nhiệt, không có tình trạng người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch. Theo con đường nhỏ xuyên suốt đầu bản đến cuối bản, du khách bắt gặp những mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu, những mảnh vải lanh phơi trước hiên nhà, những nông cụ còn chưa kịp cất dọn…
- Tường Vinh