Trong phiên đấu giá ngày 31-3-2018 tại nhà Sotheby’s Hongkong, bức tranh lụa Thanh thản sau khi tắm (Le repos après le bain) của Vũ Cao Đàm đã được gõ búa ở mức giá cuối cùng là 4.920.000 HKD, tương đương khoảng 630.000 USD. Đây cũng là kỷ lục giá tranh của ông. Trước đó không lâu, trong phiên đấu giá do Công ty Aguttes tổ chức tại nhà đấu giá Drouot ở Paris ngày 26-3-2018, hai tác phẩm của Vũ Cao Đàm đã có được chủ nhân mới, trong đó bức Trò chuyện (Conversation) đạt mức giá 220.520 euro (tương đương 271.470 USD). Các kết quả gần đây trên các sàn đấu giá quốc tế cho thấy tranh của nhà danh họa Việt Nam thời kỳ đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đang thu hút các nhà sưu tập, chỉ đứng sau tác phẩm của bậc thầy Lê Phổ.
Phát biểu của cô Charlotte Reynier-Aguttes, người phụ trách mảng mỹ thuật hiện đại và đương đại của Công ty Aguttes, sau khi kết thúc phiên đấu giá ngày 26-3-2018 đã nhấn mạnh: “Một lần nữa, các họa sĩ Việt Nam đã đạt các mức giá kỷ lục(1) tại Pháp, trong đó có Vũ Cao Đàm, người mà chúng tôi tự hào đã đạt được bốn trong số bảy kết quả tốt nhất (với giá tranh của ông) trên thế giới trong hơn 30 năm qua”.
Có thể kể vài kỷ lục giá tranh của Vũ Cao Đàm: ngày 8-4-2008, tác phẩm Giai nhân trò chuyện trong vườn (Conversation d’élégantes au jardin – 1939) được bán tại nhà Sotheby’s ở Hongkong với mức giá 230.477 USD; ngày 23-10-2017 cũng tại nhà Aguttes, bức tranh lụa Hai cô gái khâu may (Deux jeunes filles à la couture) được chốt giá 226.950 euro (tương đương 270.000 USD), tiếp đó là bức Thiếu phụ trầm tư (Jeune femme pensive) được gõ búa với giá 127.500 euro (tương đương 215.750 USD), bức Hai thiếu nữ (Deux jeunes femmes, 1939) đạt mức giá 99.450 euro (tương đương 123.000 USD) và bức Hoa lay-ơn (Glaïeuls, 1930-1935) có giá bán 63.750 euro (gần 79.000 USD). Thêm một vài tranh Vũ Cao Đàm cũng được bán trong phiên đấu giá ngày 23-10-2017 của nhà Aguttes nhưng mức giá không cao.
Hầu hết các tác phẩm của Vũ Cao Đàm có giá cao được ông vẽ trong thời gian đầu sang Paris sống và làm việc. Chính cuộc sống huyền ảo ở “kinh đô Ánh sáng” những năm 1931-1949 cũng như sự kích thích của đời sống nghệ sĩ đi cùng các phong trào sáng tác sôi động lúc bấy giờ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tác phẩm của Vũ Cao Đàm. Song điều đáng ngạc nhiên là ông không vì thế mà trở thành một hậu duệ của những tên tuổi lừng lẫy trong thế giới mỹ thuật đa dạng của Paris. Vũ Cao Đàm không bao giờ rời xa nguồn cội phương Đông của mình, không bao giờ quay mặt với các giá trị của văn hóa truyền thống Việt. Thành công của ông là nhờ đã kết hợp hài hòa trong tác phẩm tinh hoa của cả mỹ thuật phương Tây và phương Đông.
Vũ Cao Đàm thi đỗ khóa 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (sau khóa 1 với những tên tuổi như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn…) nhưng là khóa đầu tiên của khoa điêu khắc. Tốt nghiệp, ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu về điêu khắc và đã từng làm khá nhiều tượng, thế nhưng ông đã chuyển sang hội họa và sống với tranh đến cuối đời.
Lý do của sự chuyển đổi này, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê thì chính Vũ Cao Đàm đã thổ lộ: “Trong Thế chiến thứ II (1939-1945), tôi chuyển sang hội họa bởi ở thời điểm ấy rất khó làm tượng do thiếu chất liệu. Việc đổ khuôn đồng bị cấm trong chiến tranh. Người Đức tịch thu tất cả và tôi phải nặn tượng bằng đất nung đánh bóng, như bức chân dung thi sĩ Jean Tardieu con trai của thầy tôi (Victor Tardieu – Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương) và bà Marie Laure, vợ nhà thơ. Tôi tìm tòi và đào sâu thêm về hội họa, triển lãm tranh tại các phòng trưng bày tư nhân ở Paris”.
Năm 1938 Vũ Cao Đàm lập gia đình với nghệ sĩ piano Renée Appriou, sau đó mở xưởng vẽ tại Paris cùng với Lê Phổ và Mai Trung Thứ. Do bị hen suyễn, năm 1949 ông và gia đình rời Paris đến miền Nam nước Pháp nắng ấm, ban đầu ở Bézier và đến 1952 thì định cư ở Saint-Paul de Vence, nơi có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sống và sáng tác, đặc biệt là Marc Chagall – một người láng giềng của Vũ Cao Đàm và cũng là người có ảnh hưởng đến hội họa của ông.
Tại Saint-Paul de Vence, tranh của Vũ Cao Đàm có nhiều khách mua khiến ông nổi tiếng, được mời triển lãm ở nhiều nơi tại Pháp, Thụy Sĩ, Brussels (Bỉ) và London (Anh). Năm 1963, gallery Findlay đã đầu tư và quảng bá tác phẩm của Vũ Cao Đàm tại Chicago, Los Angeles, New York. Nhiều gallery ở các nước có tranh ông và trong sưu tập của các bảo tàng ở Algiers, Berziers, Bảo tàng Nước Pháp hải ngoại (Musée de la France d’Outre Mer) và Bảo tàng Mỹ thuật tại Paris không thiếu tác phẩm của Vũ Cao Đàm.
Còn nhớ, vào giữa tháng 6-2012, lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh đã được tận mắt xem bộ tranh thạch bản của Vũ Cao Đàm được nhà sưu tập Nguyễn Lan Hương (từng điều hành gallery Sài Gòn khá nổi tiếng một thời) tổ chức trưng bày tại cao ốc Metropolitan.
Tranh thạch bản được Vũ Cao Đàm thực hiện theo những chủ đề như: tình mẫu tử (maternité), gia đình (famille), thú điền viên (idylle), gặp gỡ (rendez-vous hay rencontre), bố cục (composition), hòa nhạc (musiciens), Phật hay thần thánh (divinité)… và nhiều chủ đề khác như tĩnh vật hoa, ngựa, thiếu nữ…, và được làm với số lượng khá lớn nên không khó tìm ở nhiều gallery ở nước ngoài với giá “phải chăng”. Còn những tranh lụa của ông dù khổ nhỏ (thường là 55 x 45cm hay 60 x 45cm) nhưng lại đạt mức giá rất cao, có khi gấp nhiều lần với giá ước tính ban đầu.
(1) Trong phiên đấu giá này, bức Thôn nữ Bắc Kỳ của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đã bán được với giá 205.000 euro dù giá ước tính ban đầu chỉ 35.000 euro; tuy nhiên dư luận trong nước (chủ yếu qua mạng xã hội Facebook) đã ồn ào lên tiếng cáo buộc đó là tranh giả hay tranh được vẽ lại dù những người phản bác không ai được xem tận mắt bức tranh, chỉ phán đoán thật – giả qua một bức ảnh chụp cách đây đã hơn 80 năm!