Ngày 8-5 vừa qua, bé Archie – con trai của hoàng tử Harry và nữ diễn viên Meghan Markle đã chào đời và là đứa trẻ đầu tiên mang hai dòng máu Anh – Mỹ được đứng trong danh sách thừa kế ngai vàng nước Anh.
Mối tình và cuộc hôn nhân Harry – Meghan (ngày 19-5-2018) có lẽ được giới truyền thông quốc tế nói đến nhiều nhất trong lịch sử vương triều Anh hiện đại. Không những thế cặp đôi này còn là đề tài của giới tạo hình nhiều nước trên thế giới, thậm chí được đưa vào truyện tranh.
Trở về quá khứ, các bậc thầy vẽ tranh chân dung nổi tiếng nhất ở châu Âu như Holbein, Van Dyck, Gainsborough, Lawrence… đã từng vẽ nhiều tác phẩm để đời về các nhân vật của hoàng gia Anh.
Ngay trước ngày cưới của hoàng tử Harry và nữ diễn viên Meghan Markle, họa sĩ Ấn Độ Jagjot Singh Rubal đã hoàn tất những nét cuối cùng của bức chân dung Harry – Meghan kích thước lớn để trưng bày tại lâu đài Windsor ở Amritsar, thủ phủ bang Punjab vào ngày 18-5-2018.
Còn họa sĩ nổi tiếng của đảo quốc Bahamas là Jamaal Rolle đã chúc mừng hôn lễ của Harry – Meghan bằng tác phẩm được ông đặt tên là Mẹ ban phúc lành, thể hiện công nương Diana – người mẹ quá cố của hoàng tử Harry – như một thiên thần đang chúc phúc cho con trai và con dâu trong ngày cưới.
- Xem thêm: Hai tranh chân dung nhà Obama
Trước đó, vào tháng 4-2012, khi hoàng tử Harry đến thăm quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung này, ông đã gặp Jamaal Rolle và được họa sĩ vẽ tặng chân dung.
Nữ họa sĩ người Anh Annie Zamero thì vẽ hoàng tử Harry trong bộ quân phục trong khi Meghan Markle mặc đồ tắm trên xe song mã.
Còn rất nhiều họa sĩ các nước vẽ chân dung Harry và Meghan, kể cả họa sĩ chuyên vẽ hí họa nổi tiếng Geraldine Myszenski. Đặc biệt, nhà xuất bản TidalWave Productions (TP. Vancouver, Canada) đã ấn hành bộ ba truyện tranh về mối tình như truyện thần tiên Harry – Meghan, với phần truyện kể của Michael Frizzell, tranh vẽ của ba họa sĩ Pablo Martinena, Joe Phillips và Justin Currie.
Các bức tranh chân dung đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình gương mặt của chế độ quân chủ tại Anh, soi rọi vào cuộc sống riêng tư của hoàng gia lâu đời này.
Có thể nói những bức tranh chân dung của hoàng gia Anh được vẽ trong hơn 600 năm qua đã làm nên diện mạo của một đế chế.
Cho đến đầu thế kỷ 16, chức năng chính của các bức họa chân dung là để diễn tả trạng thái của người ngồi làm mẫu, hơn là một bản ghi trung thực về sự hiện diện của họ, chẳng hạn như bức Gia đình vua Henry VII với Thánh George và rồng (vẽ năm 1503-1509 – tác giả chưa rõ) là đại diện của sự lý tưởng hóa cao độ biểu tượng của nhà vua và gia đình, trong đó có cả bốn đứa con đã chết của vua Henry VII.
- Xem thêm: Chân dung nàng thơ của Modigliani
Chỉ vài năm sau đó, vua Henry VIII và họa sĩ cung đình Hans Holbein đã thay đổi cách vẽ chân dung ở nước Anh. Những bức tranh lớn hơn người thực của Holbein trên các bức tường của cung điện Whitehall đã miêu tả rất cụ thể về cuộc sống thực tế của nhà vua, được thể hiện hết sức mạnh mẽ, khiến người xem hoảng sợ. Đây là lần đầu tiên chân dung hoàng gia được phổ biến đến rộng rãi quần chúng thông qua nhiều phiên bản.
Theo gương vua cha Henry VIII, nữ hoàng Elizabeth I, quyết liệt bảo vệ hình ảnh thực của mình, thậm chí thông qua một đạo luật để ngăn chặn việc những bức chân dung được vẽ không có sự đồng ý của bà.
Nhưng đến đầu thế kỷ 17, các chân dung của hoàng gia lại chịu ảnh hưởng nặng bởi niềm tin rằng nhà vua đã được thần thánh ban cho quyền cai trị.
Bức chân dung Vua Charles I cưỡi ngựa của Van Dyck (1633) cho thấy nhà vua toàn năng phóng ngựa qua một khải hoàn môn cao chót vót trên đầu người xem, mặc dù trong thực tế tầm vóc ông vua này khá nhỏ bé!
Ngược lại, trong bức tranh Vua Charles I và hoàng hậu Henrietta Maria đi săn (1630-1632) của Daniel Mytens, nhà vua và hoàng hậu xuất hiện như một cặp vợ chồng ăn mặc rất thời trang, tay trong tay, cung cấp cho người xem một cái nhìn hiếm hoi vào thế giới riêng của họ.
Thế kỷ 18 là thời điểm của trang phục thoải mái trong các bức họa chân dung hoàng gia Anh. Đây là thời của các tác phẩm về những cuộc chuyện trò (conversation piece), các nhân vật trong tranh, cả vua George III và hoàng hậu Charlotte được mô tả ở trạng thái tự nhiên, thoải mái nhất, chẳng hạn bức Hai con trai lớn của Johan Zoffany (vẽ năm 1765) vẽ hoàng hậu Charlotte và hai con trai lớn (khoảng năm 1765), đang vô tư chơi đùa.
Nữ hoàng Victoria có quan điểm mạnh mẽ về cách vẽ chân dung của mình. Họa sĩ người Đức Franz Xaver Winterhalter ở trong số những họa sĩ yêu thích của bà.
Với tác phẩm Gia đình hoàng gia (vẽ năm 1846), Winterhalter mô tả nữ hoàng như một phụ nữ quyến rũ trong chiếc áo choàng dạ hội tao nhã, đồng thời là một người vợ và mẹ kiểu mẫu.
Hình ảnh của nữ hoàng Victoria được sản xuất hàng loạt với một mức độ chưa từng thấy qua những bản khắc in và qua sự trung gian mới mẻ của nhiếp ảnh mà bà ủng hộ nồng nhiệt. Nữ hoàng đã đặt làm hàng ngàn ảnh chụp của mình và gia đình.
Ngày nay dù hình ảnh của nữ hoàng Elizabeth II đã được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng những tranh chân dung tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc gửi đi những thông điệp mạnh mẽ về chế độ quân chủ tại Anh.
Chẳng hạn như trong bức Missis Kwin (1996) họa sĩ Mathias Kauage người Papua New Guinea miêu tả nữ hoàng như một tù trưởng bộ lạc, được trang điểm bằng những biểu tượng của quyền lực thuộc nền văn hóa vùng quần đảo của ông.
Trong số rất nhiều tranh chân dung nữ hoàng Elizabeth II, có tác phẩm của Lucian Freud – một trong những họa sĩ xuất sắc nhất nước Anh đương đại – được ông vẽ năm 2000.