Nhà tôi có một khoảng sân trong khá rộng, ở đó đặt hòn non bộ và cặp sư tử đá bên cạnh. Gần đây qua thông tin về sử dụng các linh vật ngoại lai không hợp với văn hóa Việt, tôi thấy cần sửa lại giếng trời hoặc theo lối hiện đại hoặc theo phong cách dân gian, sao cho không chỉ đẹp mà còn hợp phong thủy. Mong được tư vấn giúp.
Đặng Huy Quang (Cẩm Thanh, Hội An)
Trong thực tế ngôi nhà truyền thống từ xưa không hề có các “quy định” về bố trí phong thủy cho bất kỳ không gian nào, mà chỉ có một số cách áp dụng âm dương, ngũ hành, hình thế… sao cho hài hòa mang tính tổng quát. Thời hiện đại, khi đại đa số gia chủ ngày càng có nhiều thông tin tham khảo và sản phẩm trang trí nội thất càng phong phú hơn thì các ràng buộc về phong thủy càng ít khắt khe. Vấn đề cần quan tâm là cách thức ứng xử, chọn lựa vật liệu sao cho hài hòa, tránh chạy theo đua chen lòe loẹt, thiếu cơ sở khoa học và xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc.
Nghệ thuật sân vườn tiểu cảnh Việt Nam vốn khá phong phú đa dạng do dung hợp văn hóa các nước qua nhiều thời kỳ. Trước kia là vườn kiểu Trung Hoa có non bộ thủy đình, rồi vườn kiểu “Tây” do người Pháp du nhập, được áp dụng trong các dinh thự rộng. Thời gian gần đây còn có xu hướng vườn Thiền kiểu Nhật Bản, rồi vườn nhiệt đới kiểu Bali (Indonesia) khá phong phú và thịnh hành ở các khu resort. Nhưng phù hợp với điều kiện nước ta hơn cả vẫn nên là vườn Việt, tiểu cảnh mang nét Việt, với các tiêu chí: đơn giản, dễ sử dụng, dễ bảo trì, phong phú chủng loại vật liệu nhưng không cầu kỳ, không quá câu nệ niêm luật tiểu tiết. Mới nghe qua thì ngỡ là vườn cảnh Việt Nam dễ dãi thoải mái, ít cá tính, thiếu đặc sắc, nhưng thực ra sự linh hoạt và dân dã chính là nét đặc sắc riêng của tiểu cảnh sân vườn Việt. Tùy theo từng khí hậu, thổ nhưỡng, kinh tế, văn hóa… của từng vùng, từng địa phương cư trú mà gia chủ xem xét áp dụng cho phù hợp với nhà mình. Việc du nhập cây cảnh, linh vật ở xứ khác không được khuyến khích bởi ngoài sự lãng phí tài nguyên vốn có trong nước còn gây ra các phản cảm về hình thức biểu hiện, lệch lạc về ứng xử văn hóa.
Kiểu sân vườn hiện đại và kiểu sân vườn truyền thống xét về bản chất ngũ hành có khác nhau. Kiểu truyền thống hay lấy yếu tố hành Mộc làm chủ đạo, chọn lựa cây xanh kỹ lưỡng, tạo hình theo lối mô phỏng thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Nhóm hành tương sinh với Mộc là Thủy và Hỏa, trong đó Thủy (mặt nước) được xem như tài lộc sinh sôi dồi dào, còn Hỏa biểu hiện qua các bố trí màu sắc có điểm nhấn và ấm như gạch tàu, hoa lá có màu đỏ, cam, bố cục mộc mạc.
Kiểu hiện đại lấy Kim là chủ đạo với các hành tương sinh với Kim là Thổ và Thủy, đường nét vuông vức, phẳng phiu, dùng chất liệu đá và có thể cả kim loại, gỗ nhân tạo… tạo tương phản rõ rệt qua các cặp màu sắc và chất liệu như dùng mảng cây xanh đi cùng khung kim loại, hay dùng lối đi cắt chéo, lối đi xông thẳng mạnh mẽ, không nhất thiết mềm mại uốn lượn như vườn xưa.
Nếu gia chủ có ý muốn bài trí sân trong theo phong cách nào thì cứ mạnh dạn áp dụng miễn là phù hợp với điều kiện của ngôi nhà, khả năng về kinh tế, sự chăm sóc cần có…, và với sự trợ giúp của nhà chuyên môn về các mặt kỹ thuật, cây trồng và hệ thống cấp thoát nước.