Mỗi ngôi nhà đều là kết quả của một quá trình thiết kế, thi công. Nhưng để đi đến kết quả ấy là những con đường khác nhau. Ở ngôi nhà này, hành trình kiến tạo cũng là thời gian hun đúc nên cái “tình”, cái “ý” của cả chủ nhân và những người thiết kế dành cho ngôi nhà nên dù chỉ mới hoàn thành, ngôi nhà đã là một không gian sống tràn ngập cảm xúc.
Cách đây độ năm năm, vợ chồng chủ nhân mua được một mảnh vườn khoảng vài ngàn mét vuông ở Tiền Giang. Họ có ý định sẽ chuyển về đây sống nên đã bắt đầu bằng việc cho trồng các loại cây ăn trái, đào một cái ao, chừa lại một khoảnh đất khoảng 12m x 12m cạnh ao cá. Đó là nơi họ muốn đặt một ngôi nhà của mình.
Sau khi khảo sát mặt bằng, nhóm thiết kế xác định là sẽ làm sao để công trình mới đặt vào sẽ không ảnh hưởng gì đến khu vườn sẵn có, làm sao để người ta sống trong nhà có thể hưởng thụ trọn vẹn khu vườn. Họ muốn trong vườn sẽ chỉ đặt một mái để che mưa che nắng, không chạm đất, kết cấu đơn giản nhẹ nhàng nhất có thể, không cần phải nền móng phức tạp. Làm sao để phần xây dựng mới với thiên nhiên bên ngoài hài hòa và duyên dáng nhất có thể. Và giải pháp một mái lá vươn ra trên khoảng diện tích 10m x 10m, đặt xéo góc với lô đất 12m x 12m đã chừa sẵn, giữa mái trổ một khoảng trống để ban ngày hoàn toàn khai thác ánh sáng tự nhiên, ban đêm nằm dưới mái nhìn lên có thể ngắm trăng và nhìn thấy sao trời. Phía ngoài là vườn cây, trước mặt là ao cá với mặt nước và bèo hoa dâu lãng mạn…
Khi tâm sự với người thiết kế, chủ đầu tư nhấn mạnh rằng anh muốn được tự hào khoe với bạn bè rằng mình có một ngôi nhà đẹp mà chi phí đầu tư chưa đến 200 triệu. Làm thế nào để kiểm soát mọi thứ trong khoản chi phí đầu tư chưa tới 200 triệu cho cả phần xây dựng cơ bản, hoàn thiện và trang bị nội thất, nhất là khi cả đơn vị thi công và nhóm thiết kế đều ở Sài Gòn mà công trình thì ở Tiền Giang? Bài toán đặt ra đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều hơn, tính toán nhiều hơn. Và giải pháp là hầu hết vật liệu đều được mua lại từ một vài công trình cũ chung quanh. Khoảng 500 viên ngói thẳng và 3.000 viên ngói xiên cùng với toàn bộ khung gỗ là tái sử dụng, được mua lại với giá rất rẻ, chủ yếu là phụ cho việc chuyên chở từ công trình cũ sang công trình mới.
Mục tiêu ban đầu thì việc thi công sẽ gói gọn trong thời gian khoảng hai tháng, song vì một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nó kéo dài hơn dự định. Những người thiết kế đùa rằng nó giống như việc họ cưu mang một đứa con đúng nghĩa: 9 tháng 10 ngày. Do công trình xây trong thời gian quá lâu nên cái khó là làm sao để mình giữ được lửa. Họ phải “quạt” lên để giữ lửa bằng cách vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần, thay đổi các chi tiết… để giữ cho mình nguồn cảm hứng. Rồi khi công trình hoàn thiện và trở lại nhìn đứa con của mình, họ nghiệm ra rằng ngôi nhà này phải như vậy, cần thời gian như vậy, bởi nếu chỉ bắt đầu và kết thúc trong khoảng thời gian hai tháng thì kết quả sẽ không tốt như bây giờ. Ngôi nhà trưởng thành và chín chắn theo mình có “tình” hơn bởi anh đã dành cho nó những tình cảm thực sự. Vì xài gạch cũ, không viên nào giống viên nào nên anh em phải căn ke từng viên gạch, bàn bạc, sắp xếp và tính toán từng mét vuông sàn.
Ở ngôi nhà này, người ta có thể nhận ra cái “tình” của người thiết kế đối với “đứa con” của mình trong từng chi tiết nhỏ. Đó là hình ảnh của đức Phật làm thủ công từ sắt uốn được thắp sáng lên bởi ngọn nến leo lét cháy, là những viên gạch mộc sắp xếp theo một hình thức riêng biệt để tạo dấu ấn, là cái máng đèn tạc từ khúc cây thô mộc và gợi cảm, là sự sảng khoái khi ngồi bên bệ gạch khỏa chân xuống ao để vớt lên vài nhánh bèo… Tất cả những điều ấy, chính chủ nhân là người nhận ra sớm nhất. Anh tâm sự rằng chỉ mới ghé thăm khi công trình chưa xong đã thấy ngôi nhà có tình cảm rồi. Anh nói rằng nó giống như “từ trường” mà những người thiết kế đã để lại, khiến anh nhận ra liền.
Một ngôi nhà để sống, khi đã có đủ cả “tình” và “ý” rồi thì các vấn đề khác chỉ còn là chuyện nhỏ.
Thiết kế: ThoA aterlier
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Để sống thong thả