Với nhiều người lớn tuổi, việc thay đổi một môi trường sống quen thuộc như ngôi nhà hoặc khu xóm mà mình từng gắn bó trong một thời gian dài để chuyển đến một không gian mới là cả một vấn đề. Cần có thời gian để “thuyết phục” họ, mà có lẽ trước hết là tạo ra những không gian mới mẻ nhưng quen thuộc…
Chủ đầu tư ngôi nhà này là cặp vợ chồng ở lứa tuổi trung niên. Khi mua được một miếng đất khá rộng, gần 300 mét vuông, có vị trí góc cuối hẻm, biệt lập và yên tĩnh, họ muốn làm một ngôi nhà và rước ba mẹ về ở, nhưng chưa thuyết phục được vì ông bà đã quen với bà con chòm xóm và nếp sinh hoạt ở ngôi nhà cũ. “Vậy thì cuối tuần ông bà qua chơi thôi cũng được!”, anh chị thỏa thuận với bố mẹ như vậy rồi việc thiết kế xây dựng vẫn được tiến hành. Ngôi nhà, vì thế, được định hướng như một chốn nghỉ ngơi cuối tuần cho đại gia đình, nơi bố mẹ có thể nghỉ ngơi, nơi có thể kết nối các thành viên và anh em họ hàng.
Ban đầu, chủ đầu tư định làm một không gian sống theo kiểu nhà ở Nam bộ với mái lá, chái nhà…, các khu bếp, vệ sinh sẽ ở bên ngoài chái nhà. Nhưng sau quá trình làm việc và cân nhắc, phương án được chốt là chỉ giữ phần khung theo kiểu nhà Nam bộ, các khối chức năng được sắp xếp lại để tiện cho việc sinh hoạt của ông bà cũng như mang tính kết nối nhiều hơn. Vì được xác định là một nơi nghỉ ngơi nên chủ đầu tư thích mọi thứ có vẻ mộc mạc, tạo cảm giác như ở trong một resort.
Không quá mắc tiền nhưng tiện nghi vẫn phải đáp ứng được nhu cầu của gia đình… Giải pháp đưa ra đã đáp ứng được tất cả các yếu tố kể trên. Ngôi nhà chỉ có quy mô một trệt một lầu và tầng áp mái, không quá cao để tạo ra cảm giác quây quần, đoàn tụ. Không gian mở là chủ yếu nhưng khi cần sử dụng điều hòa vẫn có thể xử lý được. Vật liệu hoàn thiện được lựa chọn cũng thô mộc và gần gũi: xi măng trần, gạch bông, gạch nung, gỗ, tre…
Đồ đạc nội thất được lựa chọn rất đơn giản, họa tiết hoa văn cũng như màu sắc đều gần gũi thân thuộc với người lớn tuổi. Có lẽ, chính những lựa chọn như vậy đã tạo nên ấn tượng tốt với ông bà khi lần đầu tiên về nghỉ trong ngôi nhà mới. Bên cạnh đó là các yếu tố khác để “ghi điểm” với ông bà: bà vốn bị đau chân nên thích cảm giác được đi trên cỏ, trên sỏi. Hồ bơi để ông bà ngâm tắm và nghe tiếng trẻ con đùa giỡn với nước… Tất cả những lựa chọn mang tính chăm sóc nho nhỏ ấy đã thuyết phục ông bà từ từ, để những kỳ nghỉ được kéo dài hơn.
Mảng xanh trong khuôn viên được chăm chút khá kỹ, nhờ vậy ngôi nhà tựa như một biệt thự vườn, không những thế mảng xanh cũng rủ rê chim chóc về rất nhiều. Có lần, một con chim gãy cánh rớt xuống nhà và bà giữ lại chăm, đi đâu cũng sợ không có ai chăm… Từ những việc nho nhỏ như vậy, dần dần ông bà yêu ngôi nhà và qua ở luôn.
Một ngôi nhà dù được thiết kế theo phong cách kiến trúc và nội thất thế nào thì cái đích cuối cùng vẫn là tạo nên một không gian sống mà ở đó người thụ hưởng cảm thấy mình được chăm sóc bởi tiện nghi và các yếu tố về tinh thần cũng như tình cảm. Sự chuyển dịch một cách tự nhiên và tự nguyện của ông bà từ các không gian cũ về ngôi nhà mới này chính là điều mà chủ đầu tư mong đợi và kiến trúc sư đã làm được. Đó là sự thành công và cũng là niềm vui của những người làm nghề.
Thiết kế và thi công: QBI Corp.
17A6 Copac Square, 12 Tôn Đản, phường 13, quận 4, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08) 39412361 – 39412353
Fax: (08) 39413950
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Đoạn kết đẹp của một bản thiết kế tốt