Tỉnh Teruel thuộc miền Nam khu vực tự trị Aragon của Tây Ban Nha, được biết đến nhờ những ngôi làng đẹp nhất châu Âu. Dù không nổi tiếng như những địa điểm du lịch khác nhưng đây là một điểm đến thú vị cho những ai yêu thích kiến trúc và lịch sử.
Teruel với kiến trúc Mudéjar độc đáo
Từ Valencia, sau hơn hai giờ đi xe lửa, gia đình tôi đến nhà anh bạn Vertigo ở thành phố Teruel nhỏ bé, nhưng vẫn là thủ phủ của tỉnh Teruel. Thành phố cổ này được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh là vùng đất cát khô cằn. Những căn nhà nhỏ như mọc ra từ vách đá cheo leo có lối kiến trúc khá đẹp mắt. Teruel được du khách chú ý nhiều hơn khi năm 1986, UNESCO đã ghi nhận bốn công trình xây dựng theo lối kiến trúc Mudéjar là di sản thế giới. Đó là nhà thờ chính tòa Santa María de Mediavilla và ba nhà thờ khác mang tên San Pedro, San Martín và Saviour.
Nghệ thuật Mudéjar là một nét đặc trưng của lịch sử Tây Ban Nha vì được sinh ra từ sự đối đầu của hai nền văn hóa. Trong suốt gần tám thế kỷ của giai đoạn La Reconquista, lãnh thổ Tây Ban Nha ngày nay bị chia cắt làm hai, nửa phía bắc thuộc về vương quốc Thiên Chúa giáo, nửa phía nam thuộc tầm kiểm soát của nhà nước Hồi giáo đến từ Arab Saudi xa xôi. Đến khi người Tây Ban Nha thống nhất được đất nước thì văn hóa Hồi giáo đã ảnh hưởng khá sâu rộng ở nơi này. Mudéjar là sự hòa trộn của kiến trúc Morocco và kiến trúc của người Andalusia bản địa, những người ở trên lãnh thổ Thiên chúa giáo nhưng không chịu cải đạo.
Đó là sự cộng sinh của các kiến trúc và kỹ thuật xây dựng được sản sinh từ những nền văn hóa Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo sống cạnh nhau. Phong cách này phát triển rất mạnh ở Aragon, đặc biệt ở Teruel suốt từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVII. Dòng nghệ thuật Mudéjar có thể dễ dàng nhận biết qua việc sử dụng những vật liệu nổi bật như gạch nung, thạch cao, gỗ và gốm sứ để trang trí các bề mặt tường, cột. Điểm đặc trưng khác là các họa tiết trang trí mang âm hưởng Hồi giáo là hoa, lá hay các biểu tượng hình học, không có hình ảnh các loài vật hay con người.
Người Teruel bảo tồn những di sản kiến trúc của họ khá tốt. Những góc quyến rũ như quảng trường trung tâm Plaza del Torico, đường dẫn nước mái vòm Roman cổ, tháp San Salvador đẹp như tranh vẽ và Paseo del Oval rất nổi tiếng. Chúng tôi dành một ngày lang thang ở Teruel để ngắm nhìn những tòa nhà và nhà thờ tuyệt đẹp. Nhà thờ chánh tòa Teruel được xây dựng từ thế kỷ XII nổi bật với tháp chuông vuông được trang trí bằng gốm. Bên trong nhà thờ, trần nhà có các họa tiết theo kiến trúc Mudéjar lộng lẫy. Tháp chuông của hai nhà thờ San Martín và San Pedro được xây dựng vào thế kỷ XIV lại có nét độc đáo khác.
Nhà nguyện San Pedro nổi tiếng nhờ câu chuyện tình trắc trở của Diego và Isabel – Đôi tình nhân của Teruel(*) diễn ra vào năm 1217. Nơi đây vẫn còn lưu giữ xác ướp của cặp đôi bất hạnh này. Quảng trường trung tâm Torico nổi bật bởi bức tượng điêu khắc hình con bò – biểu tượng của thành phố. Xung quanh quảng trường là nhiều tòa nhà có niên đại khác nhau trong đầu thế kỷ XX. Gần đó là tòa nhà thời Phục hưng Casa de la Comunidad được xây dựng hồi thế kỷ XVI, nơi từng là trụ sở của chính quyền thành phố, còn nay là một viện bảo tàng trưng bày nhiều bộ sưu tập gốm và các di vật khảo cổ trong vùng.
Ngôi làng cổ Albarracin
Từ Teruel, chúng tôi mất gần một giờ đi xe băng qua một quãng đường bằng phẳng trước khi tiến vào khu vực núi đá vôi hiểm trở. Làng Albarracin cổ kính chỉ có hơn 1.500 nhân khẩu dần hiện ra trong một khung cảnh ngoạn mục.
Albarracin nằm trên một đỉnh núi cao khoảng 1.182m so với mực nước biển, được bao bọc bởi sông Guadalaviar. Những ngôi nhà xây từ thời Trung cổ có màu hồng ở đây thật đặc biệt, không giống bất cứ nơi nào trên đất Tây Ban Nha. Chúng nhô ra từ vách đá, lơ lửng bên trên những con đường lát đá nhỏ hẹp, quanh co, không theo một trật tự nào. Những con đường hẹp đến nỗi hàng xóm có thể bắt tay nhau từ ban công nhà mình. Ngôi làng này từng xuất hiện trong bộ phim hoạt hình của Walt Disney mang tên The Sorcerer’s Apprentice. Đây còn là một địa chỉ khảo cổ và nổi tiếng vì các kiến trúc mang dấu ấn của người Moor.
Bạn chớ lo lắng khi dạo bước ở đây, bởi những đường phố nhỏ hẹp như mê cung này đều dẫn về khu vực đậu xe bên ngoài rìa làng. Nổi bật nhất làng là ba tòa nhà cổ Casa del Chorro, Casa de la Julianeta và Casa de la Calle Azagra. Nhà cửa ở đây được xây dựng từ đá thạch cao hồng, gỗ và sắt, hầu như còn nguyên vẹn sau nhiều thế kỷ. Tuy nhỏ bé nhưng Albarracin có đến ba bảo tàng: Bảo tàng Bishop nổi tiếng với bộ thảm trang trí Flemish, Bảo tàng Albarracin với các sản phẩm từ sắt và sau cùng là Bảo tàng Đồ chơi, đều có sức hấp dẫn riêng.
Nhà thờ Công giáo Albarracin nổi bật với các tháp chuông, bộ sưu tập đồ bạc và tranh thảm từ thế kỷ XVI. Quảng trường trung tâm khá nhỏ với tòa thị chính, Calle Portal de Molino… Thật khó hình dung nơi đây từng là chợ trao đổi dê, cừu hồi thế kỷ XVIII – thời hoàng kim của Albarracin, khi mà gia súc và len xuất khẩu đem lại nguồn lợi lớn cho các quý tộc trong vùng. Quanh quảng trường có vài quán bar nhỏ dễ thương, nơi lý tưởng để thưởng thức bia cùng migas – món ăn địa phương, gồm bánh mì chiên trong dầu và tỏi, trộn với jambon và xúc xích cay.
Tại đây, một con đường giống như Vạn lý trường thành, có hình cánh cung bao quanh Albarracin được xây dựng từ thế kỷ XI. Đứng trên đường đó có thể nhìn thấy những con hẻm ngoằn ngoèo, tháp chuông, mái nhà nhấp nhô. Phía xa kia là dòng sông Guadalaviar uốn lượn, trên cánh đồng ven sông, những bầy cừu nhởn nhơ gặm cỏ.
Bên ngoài Albarracin có khá nhiều hang động mà ở bên trong đó vẫn còn lại một số bức vẽ từ thời tiền sử mô tả nhiều loài động vật. Khu vực này cũng là điểm đến lý tưởng của những người yêu thích môn bouldering – thú leo núi đá trên địa hình hẹp, cưỡi ngựa và đi trekking trong rừng.
Vẻ độc đáo của Albarracin hòa quyện giữa nét kiến trúc cổ xưa và phong cảnh hùng vĩ khiến chúng tôi như lạc đến một vùng đất cổ tích của thời Trung cổ và ai cũng ghi nhận được nhiều điều thú vị trong lần ghé thăm nơi này.
(*) Cả hai đều thuộc gia đình quyền quý và yêu nhau từ thuở bé. Đến tuổi kết hôn, chẳng may gia đình của Diego sa sút. Cha của Isabel không muốn con gái phải sống trong nghèo khổ, nên ra hạn cho Diego, trong vòng 5 năm phải trở thành một người giàu có, nếu không ông sẽ gả Isabel cho người khác. Diego bỏ đi làm ăn xa. Ngày cuối cùng của hạn 5 năm, Isabel làm lễ cưới với một người khác vì Diego biệt tin suốt thời gian qua. Bất ngờ, ngày hôm sau Diego – giờ đã giàu có, xuất hiện và van xin Isabel quay về với mình. Isabel từ chối vì cô đã thuộc về người đàn ông khác. Diego xin Isabel một nụ hôn cuối cùng, Isabel từ chối. Quá đau khổ Diego gục chết dưới chân Isabel. Trong lễ tang Diego, Isabel xuất hiện trong bộ váy cưới, trao cho chàng nụ hôn mà khi còn sống chàng bị khước từ, rồi gục chết bên xác chàng.