Từng là thủ đô đầu tiên của Brazil từ năm 1549 đến 1765, Salvador là thành phố đậm chất lịch sử, quy tụ những kiến trúc thuộc địa nguyên vẹn nhất tại Nam Mỹ, đã được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của thế giới từ năm 1985. Sau ba ngày khám phá Rio de Janerio, chúng tôi đến nơi này để tiếp tục tìm hiểu những nét độc đáo của nước bạn.
Trái tim và linh hồn châu Phi của Brazil
Mất hai giờ bay, chúng tôi đến Deputado Luís Eduardo Magalhães (tên thông dụng là Dois de Julho) – sân bay quốc tế của Salvador. Do gần xích đạo nên vùng này có khí hậu ấm áp quanh năm, nhiệt độ trung bình khoảng 25 độ C. Thời tiết khá mát mẻ trong lúc chúng tôi đợi taxi vào trung tâm thành phố.
Thuộc bang Bahia, vùng Đông Bắc Brazil, có địa thế thuận lợi hướng ra Đại Tây Dương nên xưa kia Salvador được thực dân Bồ Đào Nha chọn là thủ đô đầu tiên của “tân thế giới” và xây dựng ở đây một hải cảng để chuyển hàng hóa, nô lệ châu Phi đi khắp miền thuộc địa này. Trong suốt hơn 200 năm, đây là vùng phát triển phồn thịnh nhất Brazil. Ngày nay Salvador có khoảng 4 triệu dân, là thành phố lớn thứ ba sau Rio de Janeiro và São Paolo và vẫn là một hải cảng quan trọng của Brazil. Nơi đây còn được biết tới qua tên gọi “Rome của người da màu” bởi 80% người dân sống ở đây là hậu duệ của người châu Phi. Thành phố mang sắc thái đặc biệt của sự pha trộn qua gần năm thế kỷ giữa ba chủng dân da đen, da đỏ bản địa và da trắng đến từ châu Âu. Cũng vì thế mà nơi đây có nền văn hóa rất đa dạng, âm nhạc đa phong cách và ẩm thực cũng đa cội nguồn.
Thành phố này còn được phong là “thủ đô hạnh phúc” bởi thường xuyên tổ chức những bữa tiệc ngoài trời náo nhiệt, những lễ hội âm nhạc tưng bừng, sôi động mà điểm nhấn là những bộ phục trang màu sắc rực rỡ và những điệu nhảy đẹp mắt. Nổi tiếng nhất vẫn là lễ hội Carnival, được tổ chức vào đầu tháng 2 hằng năm, kéo dài trong một tuần với sự tham gia của hơn 2 triệu người trong những bộ trang phục đầy sắc màu cùng những vũ công Samba nóng bỏng. “Con trai của Gandhi” là một trong những phần trình diễn đặc sắc của lễ hội này khi hàng ngàn người đàn ông đội khăn xếp màu trắng hát bài thánh ca có nguồn gốc châu Phi. Người Ile Aiyê diễu hành trong trang phục màu vàng, đỏ và đen. Các nhóm văn hóa Olodum thể hiện những điệu reggae độc đáo – một sự pha trộn của điệu merengue, salsa và reggae. Ngoài ra, đến với Salvador, chúng tôi hy vọng có dịp chiêm ngưỡng màn biểu diễn của Aiye in Salvador – những nhóm nhạc truyền thống còn lưu giữ nét văn hóa châu Phi.
Đường từ sân bay về khu trung tâm dài khoảng 20 cây số, dọc hai bên đường là những ngôi nhà vách đất như đã được xây từ cả trăm năm trước nhưng được sơn phết bằng những màu sắc tươi tắn, bắt mắt. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy cả “khu ổ chuột”, nơi có những căn nhà làm bằng những thùng gỗ xếp chồng lên nhau hoặc những căn lều trát bằng đất sét trông xiêu vẹo như sắp đổ đến nơi. Thế mà vẫn thấy lác đác chảo vệ tinh ở nơi này. Sau khi nhận phòng khách sạn chúng tôi bắt đầu hành trình tham quan thành phố với sự hướng dẫn của Paula – một cô sinh viên làm việc bán thời gian.
Di sản thuộc địa giàu chất văn hóa
Một vách đá dài vài trăm mét, cao khoảng 85 mét chạy dọc theo bờ biển chia thành phố làm hai khu Cidade Baixa (Thành Dưới) và Cidade Alta (Thành Trên). Từ năm 1873, chiếc thang máy Elevador Lacerda với bốn cabin, mỗi cabin chứa khoảng 15 người đã cần mẫn giúp dân cư hai vùng dễ dàng lên xuống. Hình ảnh gắn liền với thang máy này xuất hiện nhiều nhất trên các tấm postcard về Salvador.
Khu vực Thành Dưới chạy dọc ven biển, có nhiều dinh thự và các dãy nhà xưa cũ, đa phần trong tình trạng thiếu bảo trì, tường vách rêu phong. Forte de Santo Antônio da Barra là pháo đài lâu đời nhất của Bahia được xây dựng năm 1598 để chống lại người Anh và Hà Lan. Tiếc là di tích này đã xuống cấp nặng nên chúng tôi chỉ có thể chiêm ngưỡng từ bên ngoài. Khu vực hành chính ba tầng lầu xưa kia Mercado Modelo nay trở thành khu bán hàng lưu niệm với hàng trăm quầy hàng giới thiệu đủ loại hàng thủ công tinh xảo.
Những di sản kiến trúc, văn hóa thuộc địa đều tập trung ở khu Thành Trên. Chúng tôi theo thang máy đi lên. Chuyến “du ngoạn” đặc biệt sẽ đưa bạn đi một quãng đường khoảng 70m trên một trong những chiếc thang máy cao nhất thế giới. Điều thú vị là hai trong số bốn cabin của thang máy này sẽ đưa bạn đi xuyên qua một tảng đá.
Con đường dẫn đến khu phố cổ khá duyên dáng và xanh mát bóng cây. Có thể thấy rõ những sắc màu của quá khứ còn in đậm trên từng mái nhà, góc phố. Cô Paula còn cho chúng tôi biết rằng Salvador có đến 365 nhà thờ công giáo, đủ sức làm hài lòng những con chiên thích mỗi ngày đến một nhà thờ trong suốt cả năm! Điều đó cũng chứng tỏ đời sống tâm linh của người dân nơi đây vô cùng đa dạng và phong phú.
Nhà thờ đồng thời là tu viện São Francisco được những người nô lệ xây dựng trong những năm 1500 theo kiến trúc baroque đã khiến chúng tôi bị choáng ngợp bởi vẻ lộng lẫy của các hình chạm khắc và trang trí bằng vàng. Toàn bộ sân phủ hai màu xanh – trắng đan xen hài hòa nhờ dùng gạch vẽ tay của Bồ Đào Nha. Bên trong nhà thờ được chạm trổ tinh vi bằng gỗ tuyết tùng quý hiếm và được dát vàng. Nhiều bức tượng gỗ to lớn rất đẹp được bố trí đó đây. Cô hướng dẫn viên cho biết người xưa đã sử dụng cả một tấn vàng để trang trí nội thất của São Francisco và công trình phải mất 28 năm mới hoàn thành. Chúng tôi còn được hướng dẫn để tìm ra sự phản kháng âm thầm của người nô lệ trên những họa tiết vẽ cherub khá kỳ dị. Cherub hay được nhắc đến trong Kinh Thánh, thường mang hình hài một em bé có cánh. Những người nô lệ bất bình đôi khi vẽ Cherub thành phụ nữ mang thai hay những hình ảnh kỳ dị khác mà họ cho là sẽ gây khó chịu cho những chủ nô. Tuy bỏ công sức xây dựng nhà thờ nhưng xưa kia, những người nô lệ lại không được quyền tham dự lễ trong thánh đường, mà phải hành lễ ở một căn phòng nhỏ quét vôi trắng đơn sơ ở phía sau nhà thờ.
Rời nhà thờ São Francisco, chúng tôi hướng đến Bảo tàng Afro-Brazilian. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, hàng triệu nô lệ da đen đã được người Bồ Đào Nha đưa sang Brazil để làm các công việc nặng nhọc trong các đồn điền trồng mía hoặc mỏ vàng.
Bảo tàng Afro-Brazilian là nơi trưng bày vô số hiện vật quý giá, bao gồm các tác phẩm điêu khắc, đồ gốm, trang phục, những dấu ấn của người Tây Phi, Trung Phi trên đất Brazil từ hàng trăm năm trước. Ấn tượng nhất là bức phù điêu cao hơn 2,7m chạm khắc tinh xảo hình ảnh thần Orishas – vị thần tối cao trong tín ngưỡng người Yoruba (một trong những tộc người lớn nhất châu Phi hiện nay, sinh sống nhiều ở Nigeria và Benin).
Tiếp tục rảo bước trên con phố nhỏ lát đá cuội xanh có tuổi đời hàng trăm năm, chúng tôi đến quảng trường Largo do Pelourinho. Đây cũng là trung tâm văn hóa của Brazil và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng nhiều thế kỷ trước, đây là nơi chứng kiến một lịch sử đen tối của thời kỳ nô lệ. Pelourinho trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là một cái khung nhục hình bằng gỗ dùng để tra tấn người nô lệ. Chợ nô lệ xưa kia nay đã trở thành một khu phố thanh bình với những tòa nhà tuyệt đẹp đủ các sắc màu, từ hồng pastel, xanh lá, xanh dương, vàng.
Trên những con phố xinh đẹp luôn nhộn nhịp du khách, người bán hàng rong, thầy bói và các đoàn nghệ thuật đường phố trình diễn impromptu capoeira – màn biểu diễn võ thuật và nhào lộn trong tiếng trống rộn rã. Điệu nhảy capoeira nổi tiếng chính là sự kết hợp giữa các vũ điệu hoang dã của châu Phi và Nam Mỹ. Chúng tôi còn được dẫn đến thăm nhà thờ Đức Bà rất đẹp của người da đen (Our Lady of the Rosary of the Black Man) do dân nô lệ xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVIII vì lúc đó họ không được phép vào các nhà thờ khác. Nhà thờ được xây dựng gần như hoàn toàn vào ban đêm vì ban ngày họ phải làm việc cho chủ nô và đó là một minh chứng tuyệt vời cho lòng mộ đạo cũng như quyết tâm của những người nô lệ. Hiện nhà thờ này cũng là một trong những điểm thu hút du khách ở Salvador.
Tản bộ qua những con đường hẹp lót đá ở Pelourinho, chúng tôi gặp nhiều tòa nhà cũ nay được sử dụng làm bảo tàng trưng bày nghệ thuật hay cửa hàng bán đồ trang sức, quà lưu niệm. Nhạc địa phương nổi bật là trống và bộ gõ mang phong cách reggae samba với âm thanh sôi động vẳng đến từ khắp nơi. Nhiều cô gái da đen tuyền, tóc xoăn tít trong trang phục truyền thống sặc sỡ ra sức mời chào du khách chụp hình lưu niệm. Và mùi hương của món ăn acarajé – món ăn truyền thống của Brazil có nguồn gốc từ Nigeria, gồm đậu trắng nghiền và tôm chiên trong dầu cọ – phảng phất trong không khí.
Cảnh sắc, âm thanh, mùi vị hòa trộn nhau trong không khí nóng của miền nhiệt đới khiến tôi có cảm tưởng như tất cả đều nhảy múa theo nhịp trống dồn dập và mạnh mẽ, còn hồn thì như lạc vào thế giới mơ huyền xa xăm nào đó. Những điều quan sát được cho phép chúng tôi khẳng định rằng mình đã trải qua một hành trình du khảo đặc biệt, hiếm hoi trong đời.