Dù trong nhà bạn không có ai bị chứng dị ứng hay bệnh hen suyễn, và dù nhà bạn cũng không nằm trong một khu vực thường bị ô nhiễm không khí thì bạn cũng cần biết rõ về chất lượng không khí mà gia đình bạn đang hít thở mỗi ngày.
Chính chất lượng không khí ở nơi bạn đang sinh sống là một trong những yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống của bạn. Nấm mốc, phấn hoa, bụi bặm, khói thuốc lá, chất thải và lông thú nuôi cùng các mùi lưu cữu khác, tất cả kết hợp thành sự ô nhiễm không khí bên trong ngôi nhà của bạn. Việc lau chùi nhà thường xuyên không hẳn giúp cho không khí trong nhà bạn sạch hơn, tốt hơn. Điều đó cần nhưng chưa đủ. Ngôi nhà bạn còn cần được thông gió và làm sạch không khí.
Thông gió
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Evironment Protection Agency – EPA) của Mỹ, nếu có quá ít không khí bên ngoài vào nhà thì mức độ ô nhiễm không khí bên trong sẽ tăng lên, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây bực bội về mặt tinh thần. Ở những nơi có mùa đông và ẩm – như nhiều địa phương ở miền Bắc nước ta – các ngôi nhà thường phải đóng kín cửa để tránh gió rét, do đó mức độ ô nhiễm không khí bên trong càng lớn.
Những dấu hiệu cho biết một ngôi nhà có được thông gió tốt hay không được tìm thấy ở cửa sổ hay các bức tường, nơi thu hút bụi bặm và nấm mốc, ở những mùi khó ngửi thậm chí khó thở trong nhà, ở các bộ lọc bám đầy chất bẩn của máy điều hòa không khí, ở các kệ sách, tủ giày và nhiều đồ vật khác vốn là nơi cư trú thường xuyên của bụi bẩn và nấm mốc. Để hạn chế tới mức cao nhất sự ô nhiễm không khí bên trong nhà thì không khí bên ngoài nhà phải được lưu thông và hiện diện thường xuyên bên trong nhà, thông qua ba cách thức: sự thẩm thấu không khí, thông gió tự nhiên và thông gió bằng máy móc.
- Thẩm thấu không khí: không khí bên ngoài sẽ ra – vào nhà thông qua các khe, các lỗ thông gió trên cửa, trên tường hay cả trần nhà; những ngôi nhà bít kín mọi khe hở (để sử dụng máy điều hòa) không có được sự thẩm thấu cần thiết này.
- Thông gió tự nhiên: không khí, gió trời sẽ vào nhà thông qua các cửa chính, cửa sổ, các hành lang, giếng trời… Ở những ngôi nhà được thiết kế có sự thông gió tự nhiên, nhiệt độ bên trong nhà và bên ngoài nhà luôn luôn có sự chênh lệch đáng kể.
- Thông gió bằng máy móc: thiết bị giúp thông gió tốt nhất là quạt hút, giúp đưa không khí bên ngoài vào các phòng; đặc biệt cần quạt hút ở nhà bếp và phòng tắm – vệ sinh để đưa mùi nấu nướng, mùi hôi ra ngoài.
Với những ngôi nhà được thiết kế có tầng áp mái, sự thông gió càng cần thiết để giúp giảm nhiệt độ cho không gian này khi ngoài trời nắng gắt. Nhiều ngôi nhà còn được gắn thiết bị thông gió trên mái để “đuổi” hơi nóng bên trong nhà ra ngoài, trong khi các cửa sổ mở rộng đón không khí mát bên ngoài vào nhà. Nhiều công trình được thiết kế với hệ thống điều hòa nhiệt độ và thông gió chung nhưng thật ra cách làm đó không giúp đem không khí bên ngoài vào nhà. Theo nhiều nghiên cứu, bầu không khí ở các cao ốc văn phòng luôn đóng kín để chạy máy điều hòa có mức độ ô nhiễm rất cao. Để giảm sự ô nhiễm không khí bên trong các ngôi nhà, tốt nhất là một hệ thống quạt: từ quạt bàn, quạt trần, quạt hút… thay vì chỉ dùng máy lạnh.
Độ ẩm trong nhà
Độ ẩm là lượng hơi ẩm hay hơi nước trong không khí bên trong ngôi nhà. Cũng theo cơ quan DPA, độ ẩm lý tưởng là vào khoảng 30 – 50% (ở miền Bắc, cụ thể là tại Hà Nội, độ ẩm không khí luôn rất cao, ví dụ trong năm 2010, độ ẩm dao động từ 70 – 85%). Khi độ ẩm cao hơn 50%, quá trình ngưng tụ hơi nước nhanh chóng diễn ra trên bề mặt nhiều thành phần của ngôi nhà và là điều kiện tốt để nấm mốc phát sinh cũng như tạo gỉ sét ở kim loại. Nấm mốc dễ xâm nhập các tủ quần áo hay phòng thay đồ (closet) và gây ra mùi khó ngửi. Nấm mốc cũng tấn công mặt gỗ, gây hư hại các sàn nhà lát gỗ hay đồ đạc nội thất bằng gỗ. Khi phòng tắm có độ ẩm quá cao, dễ gây trơn trượt nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là người cao tuổi.
Ở những nơi có độ ẩm cao, đặc biệt vào mùa đông, ngôi nhà cần được trang bị máy hút ẩm hay máy sưởi, tuy nhiên cũng cần lưu ý: khi sử dụng máy sưởi với cường độ cao có thể gây khô da, khô môi, khô mũi và họng, ảnh hưởng đến hô hấp, đồng thời không khí khô quá cũng khiến đồ gỗ bị giòn hoặc bong tróc sơn, véc-ni.
Những cách làm sạch không khí tự nhiên
Ngôi nhà dễ “có mùi” khi có người hút thuốc thường xuyên hoặc những khi làm món ăn nặng mùi như cá biển, mắm các loại… Ở phòng tắm vệ sinh là mùi chất thải. Có thể “trị” những mùi khó ngửi ấy bằng bình xịt hương thơm, các loại sáp thơm nhưng tốt nhất là dùng các công cụ tự nhiên, chẳng hạn các loại cây cảnh có chức năng thanh lọc không khí, sống được trong nhà, không cần nhiều ánh sáng như cây cau cảnh, cây vạn niên thanh (thường xuân), hoa nhài, bạc hà… Những bình hoa tươi hay chỉ cần vài nhánh trầu bà đều có công dụng thanh lọc không khí trong ngôi nhà bạn.
Và còn có thể cắt chanh thành từng lát, bỏ vào hũ ngâm chút nước để trong bếp để khử mùi tanh của cá; rót một ít giấm ra đĩa nhỏ để khử mùi khói thuốc lá, hoặc mua loại đá có khoáng chất Zeolite đặt ở những nơi dễ có mùi cũng với mục đích làm sạch không khí.