Nhà tôi hiện nay gian bếp hẹp quá, bất tiện trong nấu nướng, nay muốn cải tạo cho rộng ra và trang bị tiện nghi hơn cho “bà xã” thoải mái bếp núc hằng ngày; xin hỏi Nội Thất những gì cần quan tâm khi xây dựng lại khu vực này?
Trần Văn Hường (Thủ Đức, TP.HCM)
Trước đây nhà bếp thường phải nằm phía sau nhà và được coi là phần phụ, ít được chú ý trong khi mặt tiền nhà hay phòng khách thì luôn được coi trọng; điều đó nay đã thay đổi hẳn: nhà bếp được quan tâm không kém bất kỳ không gian chức năng nào bởi là nơi được sử dụng thường xuyên nhất trong ngôi nhà, chưa kể theo phong thủy thì gian bếp phải đẹp nhất và sạch nhất thì mới đem đến sự thịnh vượng cho gia chủ. Chung quanh gian bếp cần lưu ý các điểm sau:
Thiết kế: bếp phải được thiết kế phù hợp với thiết kế nội thất chung của ngôi nhà, chẳng hạn nếu nhà được trang trí nội thất tối giản và hiện đại, rất ít chi tiết thì tủ kệ bếp cũng theo phong cách này. Bếp phải thông thoáng, gọn gàng, sạch sẽ, giúp các nguồn khí được lan tỏa, không ứ đọng.
Vị trí bếp: không đặt bếp đối diện với cửa ra vào, nên bố trí bếp ở phía sau nhà nơi không bị gió lùa và cách xa cửa chính, phòng ngủ, tránh đối diện nhà vệ sinh.
Tủ kệ bếp: kích thước phải hài hòa với diện tích chung của gian bếp, thường là hình chữ L hoặc chữ I nếu bếp không rộng, gồm tủ kệ bếp trên và dưới. Để hợp phong thủy và thuận với chiều cao của người Việt, tủ bếp dưới có độ cao 81cm, sâu 61cm, tủ bếp trên có độ cao 68cm, sâu 35cm. Khoảng cách giữa tủ bếp trên và dưới tại vị trí bếp gas, máy hút mùi từ 60 – 80cm và tại khu vực khác từ 40 – 60cm. Tổng chiều cao của toàn bộ tủ bếp từ 2,2m – 2,4m là hợp lý.
Vật liệu – màu sắc tủ kệ bếp: tủ kệ bếp thường làm bằng gỗ, ngoài ra có nhiều chất liệu khác cũng rất tinh tế và thẩm mỹ như plastic lamitane (nhựa công nghiệp), gỗ công nghiệp MDF, gỗ có tráng bề mặt bằng acrylic surface hay bếp được làm bằng inox… Ngoài ra, do đặc thù của bếp thường có nước, độ ẩm cao, tủ kệ dưới có thể xây bằng gạch đỡ đan bê tông, phần cánh, hộc tủ bằng chất liệu như kệ tủ trên – đây là giải pháp được nhiều gia chủ chọn vì giảm chi phí xây dựng mà vẫn đảm bảo tiện nghi, thẩm mỹ.
Màu sắc tủ kệ bếp cần hài hòa với màu của tường, trần nhà, nền nhà bếp. Trong đó màu tường có tác động nhất đến màu sắc tủ bếp; có thể chọn màu tủ bếp tương phản với màu tường để làm nổi bật màu tủ bếp. Những màu nâu gụ, màu gỗ tự nhiên, màu trầm… tạo cảm giác ấm cúng, tủ bếp màu trắng tạo cảm giác tươi mới, hiện đại… Các đồ dùng nhà bếp nên có màu nâu, màu đất: bát đĩa gốm sứ, nồi đất tăng cường năng lượng thổ trong một không gian có nhiều năng lượng thủy, hỏa, kim…
Bàn và vách bếp: nấu nướng sẽ có dầu mỡ, khói bám vì vậy tường phía sau bếp nấu cần ốp gạch men bóng để tiện vệ sinh. Đá granite hay kính màu trang trí loại cường lực, chịu nhiệt cũng phù hợp để ốp các khoảng trống còn lại của tường và khu vực chậu rửa hay vị trí nào cần lau chùi thường xuyên. Mặt trên của tủ bếp thường sử dụng bàn đá tự nhiên: đá kim sa, đá đen Huế, đá vàng…
Nền gian bếp: cần phù hợp với vật liệu lát nền chung của ngôi nhà, song thường là gạch có kích thước lớn nhằm giảm mạch vữa, bề mặt nhám tránh trơn trượt, giữ được sạch sẽ khô ráo. Màu sắc gạch sẽ theo màu gạch chung song nên chọn màu sáng đem lại cảm giác sáng sủa, thông thoáng hơn.
Máy hút khói: phía trên bếp gas cần lắp đặt máy hút khói để đảm bảo không khí trong nhà bếp luôn trong sạch, dễ chịu.
Phụ kiện nhà bếp: như tay nắm, bản lề tủ bếp… phải bền chắc, dễ cầm nắm, tiện dụng, tạo cảm giác sang trọng. Cần kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, tránh dùng loại dễ bị gỉ sét quá nhanh.
Vệ sinh bếp: cần loại bỏ các thứ lặt vặt không cần dùng ở nhà bếp, tuyệt đối không được coi nhà bếp là chỗ chứa các thứ đồ vặt vãnh, vừa làm xấu nhà bếp vừa không đảm bảo vệ sinh.
812 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp, TP.HCM – ĐT: 0903927300
www.thietketamda.com