Từ Auckland – thành phố lớn nhất của New Zealand, chúng tôi thuê xe tự lái để đến với thành phố du lịch Rotorua. Tại New Zealand, hệ thống đường cao tốc cho phép xe lưu thông với tốc độ 100km/g.
Xe băng qua những đồng cỏ xanh mơn mởn, những ngôi làng đẹp như tranh. Quãng đường 300km dường như thật ngắn vì phong cảnh hai bên đường làm ai nấy mải mê nhìn quên cả thời gian.
Vừa đến ngoại vi thành phố, một mùi hăng hắc đã xông vào mũi, càng đi sâu vào trung tâm, mùi càng nồng hơn.
Sở dĩ Rotorua có mùi rất lạ đó là vì nó nằm trong khu vực vốn có hoạt động địa chất, tàn dư của núi lửa cũ, các hồ nước nóng, lạnh xen kẽ, bể bùn sôi với nhiệt độ lên tới 95 độ C. Sức nóng này đẩy những mạch nước ngầm trào lên mặt đất, mang theo một thứ khoáng chất gọi là lưu huỳnh.
Trên đường đi vào thành phố, hai bên đường thỉnh thoảng lại xuất hiện những hồ bùn nóng hoặc những dòng nước nóng từ lòng đất phun lên.
Đến quảng trường trung tâm, chúng tôi khá ngạc nhiên thấy người dân địa phương thoải mái vui chơi giải trí bên cạnh những hồ bùn nóng sực mùi trứng ung.
Hơi nước mang chất lưu huỳnh làm mờ cả không khí nhưng lại rất tốt cho sức khỏe. “Đặc sản” nổi tiếng nhất ở Rotorua chính là những trung tâm trị liệu bằng bùn nóng, nhiều spa, bể tắm với nguồn nước nóng có lưu huỳnh.
Thổ dân Maori ở “thành phố của những dải mây trắng”
Đến hai điểm du lịch nổi tiếng của Rotorua là Wai-O-Tapu, Whakarewarewa, ai nấy không khỏi bất ngờ và thích thú khi được tận mắt chứng kiến những cột hơi nước phun cao tới 10m tựa như một dải mây trắng bay từ dưới lòng đất với những màu sắc kỳ diệu như bảy sắc cầu vồng rực rỡ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà du khách đã đặt cho Rotorua cái tên rất lãng mạn là “thành phố của những dải mây trắng”.
Thổ dân Maori đã sinh sống ở New Zealand từ hơn ngàn năm trước. Ngày nay họ sống tập trung đông nhất ở Rotorua và vẫn bảo tồn được nền văn hóa cùng sinh hoạt cổ truyền.
- Xem thêm: Hang động đom đóm kỳ ảo ở New Zealand
Bữa tối đầu tiên của chúng tôi ở Rotorua rất đáng nhớ với thực đơn toàn là các món hangi của người Maori, gồm thịt bò, thịt cừu, các loại ốc, khoai, bí đỏ luộc.
Theo truyền thống, các món hangi không đun nấu trên bếp bằng than củi, thay vào đó người ta đào hố sâu dưới mặt đất, thịt và nguyên liệu được gói lá và nướng trên những phiến đá nóng đặt dưới hố. Cách làm này khiến thức ăn chín kỹ mà vẫn giữ nguyên hương vị, tỏa mùi thơm lừng.
Sau bữa ăn, cả đoàn được thưởng thức một chương trình ca múa đặc sắc của thổ dân, nổi bật nhất là điệu múa haka oai dũng của các chiến binh Maori.
Tuy động tác không nhiều, nhưng những cú dằn tay, đập chân rất mạnh đi đôi với những tiếng reo hò ầm ĩ đã thực sự truyền lửa cho du khách. Không ít khách du lịch được mời lên sân khấu để cùng nhảy điệu haka.
Tiếp xúc với người Maori, tôi biết thêm được nghi thức chào hỏi và làm quen độc đáo của họ, được gọi là hongi.
Nếu người Việt chúng ta chào nhau bằng cách bắt tay, người phương Tây là cái ôm phóng khoáng, thì người Maori cụng mũi để chào.
Với họ, cử chỉ này tượng trưng cho sự hợp thông hai sức sống, hai tâm hồn lại với nhau để trở thành bạn tốt. Chúng tôi, từng người một, được đón tiếp bằng cách cụng mũi, ai cũng cảm thấy rất vui và hồ hởi.
Hôm sau chúng tôi đến khu du lịch Te Puia, nơi có nhiều suối nước nóng, suối lớn nhất có tên Pohutu, cứ mỗi một tiếng đồng hồ lại phun nước hai lần, nước phun lên có khi cao đến 30m. Khói và hơi nóng mang mùi lưu huỳnh tỏa ra như một bức màn sương, quang cảnh trông thật hùng vĩ.
Đoàn được hướng dẫn đi thăm một làng Maori với những ngôi nhà của thổ dân thấp lè tè và kín mít, còn ngôi nhà công cộng có tên là marae dành để hội họp thì lớn hơn; thăm trường dạy nghề dệt và điêu khắc gỗ của thổ dân.
- Xem thêm: New Zealand, miền đất trong lành
Người Maori thật tài hoa và khéo léo, từ những nguyên liệu đơn giản của núi rừng họ đã làm nên nhiều tác phẩm tinh xảo, sáng tạo đến không ngờ.
Cách Bảo tàng Nghệ thuật và Nghề thủ công của người Maori không xa là Agrodome (Ngôi nhà của nông dân) – nơi triển lãm các loại cừu giống, trình diễn cách xén lông cừu, cách dùng chó chăn cừu trên đồng cỏ, cách dệt lông cừu thành len…
Anh hướng dẫn viên nói với chúng tôi: “Đến New Zealand mà không tìm hiểu về chim kiwi là một thiếu sót lớn. Đây là loại chim chỉ có ở New Zealand, do chim kêu những âm thanh kivi, kivi nên người dân chúng tôi gọi chúng là kiwi và lấy chúng làm biểu tượng cho đất nước mình”.
Thế rồi đoàn đến thăm Công viên hoang dã kiwi ở phía bắc Rotorua, biết được nhiều điều thú vị về đặc tính của loài chim ngộ nghĩnh này. Kiwi to bằng con gà mái, trông như quả lê, thân mình phủ kín lông vũ nhỏ, không có lông cánh và lông đuôi.
Tất nhiên kiwi không biết bay nhưng với đôi chân ngắn và khỏe chúng có thể chạy rất nhanh. Khi nó đứng nghỉ, chiếc mỏ nhọn và dài trở thành “chân” thứ ba để giữ thăng bằng. Kiwi rất sợ ánh sáng, ban ngày nấp trong các hang đá, hốc cây, kẽ đất, buổi tối mới ra ngoài để tìm mồi…
Ngôi làng của người Hobbit đẹp hơn phim
Hôm sau, từ Rotorua nhóm chúng tôi – các thành viên đều từng say mê hai bộ phim Chúa tể của nhẫn và Hobbits – đã lái xe mất một tiếng về phía tây bắc để được ngắm nhìn làng Hobbiton – phim trường của hai bộ phim nổi tiếng, tọa lạc trên một ngọn đồi xanh tươi.
Giá vé vào thăm phim trường là 79 đôla New Zealand. Một tour thăm Hobbiton khoảng hai tiếng, khách ngồi trên xe buýt 50 chỗ, được trang trí như một chiếc xe của người Hobbit.
Ngay khi đặt chân đến ngôi làng Shire, du khách được hòa mình vào cuộc sống của người Hobbit, trong khung cảnh sống động và đẹp hơn trong phim.
Trong làng, 44 ngôi nhà được đào sâu vào trong lòng đất, dưới những đồi cỏ xanh ngắt, nổi bật với những ô cửa tròn đầy màu sắc. Trước mỗi nhà đều có mảnh vườn nhỏ hoa trái tươi tốt, lối đi với những phiến đá dẫn đường.
Càng đi vòng lên cao của ngọn đồi, cảnh quan càng ngoạn mục với những cây cổ thụ soi bóng mát, khu vườn sinh hoạt chung của dân làng, nhìn xuống phía dưới là hồ nước với ngôi nhà và cây cầu đá uốn cong…