Ngoài tivi và đọc báo ra, bây giờ theo dõi thời tiết trên Phây nữa. Họ mềm mỏng tử tế bảo “Bạn hãy giữ mình khô ráo vì hôm nay khu vực của bạn có mưa”. Hoặc “Mây đối lưu đang phát triển gây mưa ở Long An, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Sài Gòn…”. Còn nhiều nữa, hình cái ô và những giọt nước. Đúng là phục vụ tận tình.
Giở Phây của bạn bè, có người kêu lên thế này: “Ai cũng muốn đến để trải nghiệm sự chuyển mùa dịu dàng ở thành phố có bốn mùa rõ rệt: Một mùa nóng… thấy cha nội. Một mùa cũng nóng… thấy mẹ nội. Mùa thứ ba nóng thấy ông nội và mùa thứ tư cũng lại là nóng… thấy bà nội”. Tóm lại là nóng. Đã thế cái bà trong quảng cáo Điện máy xanh còn gào vỡ nhà “Nóng… Nóng!” muốn thủng lỗ tai. Vì vậy có người còm: “Nóng thế nhưng sắp mưa lội phố gặp… cố tổ nội”.
Một nhà thơ lãng mạn hơn. Nóng nắng hay mưa không là vấn đề gì với cặp đôi yêu nhau: “Em đừng đi, anh cũng đừng về. Mưa rồi đó, vịn bằng lăng mà tím…”. Câu thơ của người ta hay thế mà có đứa còm ngay vào: “Thôi để em về đi, kẻo lát nữa… bơi về hổng kịp”.
Thôi không đùa nữa. Xem báo đàng hoàng, vừa mở trang Zing ra thấy ngay cái tít to “Sài Gòn mưa như trút nước, người đi đường… ngã bổ nhào”. Thêm mấy tấm hình nữa thì có báo viết: “Sài Gòn cũng có… mùa nước nổi”. thấy xe máy lướt sóng sủi cả bọt trắng xóa. Cái thì chết máy, người dắt lội bì bõm trong đêm. Hài hước nữa là có ông quan chức cãi: Sài Gòn đâu có ngập nước, mà chỉ là… tụ nước thôi. Dân mạng la ó ném đá chả khác gì… mưa rào rào.
Các tờ báo tập trung chuyện giải pháp chống ngập. Có hẳn một trung tâm thành lập mà dân gọi “Sở chống ngập” cho dễ hiểu. Nhưng còn nhiều cái khó lắm, gỡ ra đâu dễ. Thuê máy bơm khủng rồi, nhưng nó… chịu thua vì nghẹt rác, bơm không nổi. Mà phải có tiền, vì kế hoạch rất hoành tráng: Xây hơn 6.000km ống thoát (mới chỉ xây được hơn 2.000). Sẽ đào 104 cái hồ để thoát nước thì nay… chưa có cái nào. Tiền thì thiếu những 73 ngàn tỉ đồng, mà người của bộ máy thì thừa những 63 ngàn người. Toàn số liệu báo đưa nhé, không bịa.
Rồi ngồi vơ vẩn bảo, quái cái nước Hà Lan bé tí, nằm thấp hơn cả đáy biển mà sao vẫn sống phây phây, không ngập. Chả hiểu họ làm thế nào, sao không cắp sách sang đó học xem người ta làm. Thì người khác lại cãi ngay: Các ông các bà đi thế giới xoành xoạch hơn mình nhiều, họ biết hết chứ chả ai kém. Mỗi tội… nhiều khó khăn quá, kinh phí lấy đâu. Hễ cứ hỏi đến “tiền đâu” là chịu.
Thôi thì đành… gia cố mấy căn nhà lá, đã xiêu vẹo lại còn ở ven sông, biến đổi khí hậu, bị ngăn dòng phía trên, mất hết phù sa. Ta lại kéo sà lan rần rần đi đào cát sông phục vụ xây dựng. Lâu ngày sông nó thành hàm ếch mai phục đã lâu, bỗng một đêm nào đó nó kéo xuống sông mấy khóm nhà một lượt. Biết xem thời tiết ở đâu mà đề phòng.
Nghĩ tới lui thì… chả việc gì phải sợ. Trong văn hóa nước Bhutan – xứ sở có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, không ai sợ chết. Người xứ ấy nghĩ đến… cái chết những năm lần một ngày, điều đó khiến họ sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Sợ và buồn được xem như những khoảnh khắc tất yếu của cuộc sống. Không việc gì phải trốn chạy nó.
Rồi bắt đầu chém gió so sánh. Nào Nhật kiên cường tự hào thực dụng mạo hiểm, ta óc chinh phục yếu chỉ muốn yên thân. Người Nhật du học để chinh phục, người Việt học để làm thuê thoát khổ riêng mình. Có người hứng lên còn moi móc: này các cụ ơi, xưa có câu “dân dĩ thực vi tiên” – coi cái ăn như trời. Thế mà đòi giàu mạnh mới chả… chống ngập.
Mà thôi, nhờ chém gió ngồi chờ mưa ngớt mới về được, chứ không có cuộc đại chém gió mà nhô ra đường đúng cơn mưa ướt hết thì không biết còn ném thêm hết… mấy bồ đá.