Vào giữa thế kỷ 20, khi các mỏ dầu và khí đốt được tìm thấy và đưa vào khai thác ở Qatar, tiểu vương quốc vùng Vịnh này mau chóng trở nên thịnh vượng và thủ đô Doha đã biến đổi hoàn toàn.
Từ một làng chài ở rìa sa mạc khô cằn, dân làng chủ yếu sống với nghề nuôi cấy và buôn bán ngọc trai, chỉ sau vài thập niên Doha đã trở thành một đô thị toàn cầu với những tòa nhà chọc trời, các kiến trúc khổng lồ được thiết kế bởi các kiến trúc sư bậc thầy như I.M. Pei, Jean Nouvel, Arata Isozaki và Rem Koolhaas.
Tô điểm cho vẻ tráng lệ của Doha hôm nay còn có phi trường Hamad cực kỳ hiện đại, các công viên tuyệt mỹ và nhiều không gian nghệ thuật hoành tráng, nơi trưng bày tác phẩm của các tên tuổi lớn như Richard Serra, Louise Bourgeois, Urs Fischer, Damien Hirst, César, Eduardo Chillida… Có thể nói Doha là một thành phố – vườn tượng vĩ đại.
Người ta có thể nêu tên nhiều thành phố khác cũng có nhiều công trình kiến trúc kỳ vĩ được các kiến trúc sư tài năng, những người đoạt giải Pritzker, thiết kế. Và có thể điểm danh các vườn tượng ngoài trời ở nhiều quảng trường và không gian công cộng nổi tiếng khắp thế giới.
Nhưng chỉ ở Doha thì các tác phẩm điêu khắc trong không gian ba chiều được trưng bày khắp nơi mới biến đổi đô thị vùng Vịnh này thành một vườn tượng huy hoàng như vậy. Tượng bằng đồng, thép không gỉ, gỗ các loại còn định hình lại bản chất các công trình kiến trúc mà chúng tô điểm, chẳng hạn như tại sân bay quốc tế Hamad ở Doha – nơi hằng năm có khoảng 50 triệu hành khách đến và đi.
Phi trường quốc tế Hamad hầu như được nêm cứng bởi mọi loại hình điêu khắc, khiến nó trở thành một bảo tàng có khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của từ những vị khách am tường, sành sỏi nghệ thuật cho tới đám trẻ nhỏ nghịch ngợm, ồn ào đi cùng cha mẹ. Chẳng hạn tác phẩm Lamp Bear (Gấu đèn) của Urs Fisher – nghệ sĩ thị giác đương đại người Thụy Sĩ hiện sống, sáng tác tại New York.
Được Fisher thực hiện năm 2005-2006, Lamp Bear tọa lạc ở vị trí thường xuyên đông đúc nhất của sân bay, nhưng khá xa các cửa hàng miễn thuế, như một biểu tượng về sự chọn lọc tác phẩm cho sân bay Hamad. Gần như tất cả hành khách đến đây đều bật cười khi đi ngang qua chú gấu bằng đồng ngộ nghĩnh cao hơn 7m, nặng đến 20 tấn này, luôn xoay tròn để chào đón khách đến với Doha. Lamp Bear được chính quyền Doha mua tại nhà Christie’s vào năm 2011 với giá 6,8 triệu USD.
Dọc theo một phòng chờ lớn của Hamad, hành khách dễ dàng thấy một sân chơi trẻ em được nhà điêu khắc người Mỹ Tom Otterness thiết kế, nơi cha mẹ các khách nhí yên tâm, thoải mái để con mình vui chơi trước giờ lên máy bay. Chúng có thể leo trèo lên tất cả các điêu khắc có hình dạng các quái thú khổng lồ nhưng trông thật hài hước đặt ở đây. Một phiên bản sân chơi này của Tom Otterness được đặt tại công viên thiếu nhi trên đường số 43 phía tây, cạnh sông Hudson ở New York không có được số lượng trẻ em đến vui chơi đông như ở sân bay Hamad.
Trong sân bay này, có đến hơn hai chục tác phẩm điêu khắc gây ấn tượng thị giác đậm nét, được thực hiện bởi các nhà điêu khắc quốc tế, khu vực và địa phương. Trong số đó, phải kể đến bức-tượng-đồ-chơi Smal Lie (Cú lừa be bé) của KAWS (nghệ danh của Brian Donnelly, nghệ sĩ và nhà thiết kế người Mỹ, khởi đầu sự nghiệp vào những năm 1990 với một dàn nhân vật và họa tiết tượng hình lặp đi lặp lại).
Small Lie được tạc bằng gỗ, cao gần 10m, nặng 15 tấn, gợi nhớ chú bé người gỗ Pinocchio có cái mũi dài. Rồi một bầy linh dương châu Phi vốn có nhiều ở các sa mạc vùng Vịnh, được nhà điêu khắc người Hà Lan Tom Claassen đúc đồng. Và nhiều tượng khác của Marc Quinn, Rudolf Stingel, Jean-Michel Othoniel, Dia Azzawi, Adel Abdessemed…; cái thì đặt tại sảnh đến, cái gần các khu vực check-in cũng như các cửa khởi hành.
Không chỉ có ở sân bay Hamad, ngay trước Trung tâm Y khoa và nghiên cứu Sidra chuyên chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là xê-ri 14 tượng đồng khổng lồ của “quái kiệt” Damien Hirst, có tên The Miraculous Journey (Hành trình kỳ diệu), cao dần từ 5m đến 11m, mô tả quá trình từ khi một tế bào noãn (trứng) được thụ thai cho đến các giai đoạn hình thành bào thai và cuối cùng là đứa bé ra đời. Chỉ có Damien Hirst mới có thể tạo ra một tác phẩm lạ thường như thế và ông đã bỏ ra ba năm để thực hiện cụm điêu khắc này.
Sheikha al-Mayassa Hamad bin Khalifa al-Thani, người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo tàng Qatar nói với báo New York Times năm 2013: “Đây là một câu kinh Koran nói về sự huyền diệu của sự sinh nở. Cách diễn đạt của Hirst không đi ngược lại với văn hóa và tôn giáo của chúng tôi”.
Cách đó không xa là Trung tâm hội nghị quốc gia Qatar, công trình kiến trúc của Arata Isozaki với mặt tiền khổng lồ hài hòa cùng hàng cây trồng. Bên trong trung tâm là một trong số những Nhện Mẹ – tác phẩm điêu khắc lừng danh cao 9,1m của nữ nghệ sĩ người Mỹ gốc Pháp Louise Bourgeois (1911-2010). Cuối năm 2015, một Nhện Mẹ khác cùng kích thước đã được bán với giá 28,2 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York. Cũng không kém cựa chút nào là tác phẩm Khói cao 7,30m của nhà điêu khắc người Mỹ Tony Smith (1912-1980), đặt trước một trung tâm hội nghị khác ở vịnh phía tây của Doha.
Và đáng kinh ngạc nhất là tác phẩm Đông/Tây – Tây/Đông của nhà điêu khắc 81 tuổi người Mỹ Richard Serra, gồm bốn tấm thép phong hóa (corten steel) khổng lồ, cao từ 14,7m đến 16,7m, mỗi tấm chỉ dày 10cm, được đặt theo một trục thẳng, cách nhau khoảng 800m, giữa sa mạc Qatar, cách Doha 90km – nơi không có con đường nào dẫn đến, muốn tận mắt thưởng lãm phải dùng thiết bị định vị GPS dẫn đường! Được thực hiện năm 2008, Đông/Tây – Tây/Đông là tác phẩm nổi tiếng nhất, quan trọng nhất của Serra, cũng là một trong những tác phẩm điêu khắc vĩ đại nhất của mọi thời.