Từ TP. Điện Biên Phủ, xe chúng tôi chạy hơn 100km, vượt qua những quãng đường ngoằn ngoèo, uốn lượn trên những dốc núi cao thăm thẳm.
Đứng trên một điểm cao của quốc lộ 6, bác tài xế chỉ tay về hướng Mường Lay, nơi thị xã nhỏ hiện lên mờ ảo trong làn sương trắng mờ.
Khác hẳn những thị xã lổn nhổn nhà cao tầng, người, xe tấp nập, Mường Lay bình dị, vắng vẻ. Điểm nổi bật ở đây có lẽ chính là sự thanh bình hiếm thấy.
Đến với Mường Lay, nếu ai chưa biết, cứ ngỡ đây chỉ là một thị trấn miền cao với những mái nhà sàn xinh xắn chạy đều tăm tắp hai bên đường.
Đó là các “phố nhà sàn” được quy hoạch bài bản. Con đường chính khang trang nằm ở trung tâm thị xã vắng người qua lại.
Người dân ở đây bảo, xe cộ qua lại chủ yếu là của khách du lịch. Đồng bào dân tộc ban ngày chủ yếu lên nương, lên rẫy, tối về rất ít khi ra đường, cho nên thị xã luôn tĩnh lặng.
Chỉ tay về hướng hồ thủy điện, một người dân địa phương kể: Nhìn hồ nước hiền hòa, phẳng lặng, xanh ngắt này, ít ai nghĩ ngày xưa đây là một phần của dòng sông Đà hung dữ.
Sau này, khi làm thủy điện, dòng nước được chặn lại, đã không chỉ mang đến cho thị xã “đôi mắt” đẹp, mà còn là nguồn cung cấp cá, tôm dường như vô tận. Sáng sớm, những chiếc thuyền mệt mỏi trở về sau một đêm lao động vất vả. Những con cá trơn bóng được người dân đem ra chợ bán trong niềm vui khôn tả.
Khi bóng chiều đổ xuống, mây núi gặp nhau, ôm ấp thị xã nhỏ bé trong sự bình yên đến lạ kỳ. Phải đứng trên núi cao nhìn xuống mới thấy hết vẻ đẹp của Mường Lay. Sông Đà hùng vĩ như một dải lụa mềm quấn quanh những mái nhà sàn lợp ngói đá sát mái dày đặc.
- Xem thêm: Ngược sông Mã đến thăm Mường Lát
Thi thoảng, giữa lòng sông nhấp nhô những con thuyền qua lại, tạo nên điểm nhấn cho bức tranh thủy mặc thêm vẻ trữ tình, lãng mạn. Đêm trăng sáng, chúng tôi đứng trên cầu Bản Xá ngắm thị xã yên bình.
Dòng sông đầy ắp ánh trăng. Ánh điện từ những ô cửa nhà sàn rọi xuống dát bạc mặt sông. Một góc thị xã trở nên lung linh, huyền ảo.
Ngắm nhìn sự yên bình của Mường Lay hôm nay, chẳng mấy ai biết, thị xã “nhỏ như bàn tay” này đã trải qua những năm tháng sóng gió, đầy khó khăn, vất vả khi người dân vừa sống bên dòng sông Đà hung dữ, vừa chống chọi với bao cơn lũ quét. Trước đây, Mường Lay là thị xã nhỏ của tỉnh Lai Châu.
Trung tâm thị xã nằm trong thung lũng hẹp, nơi giao cắt giữa ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.
Năm 1990, thị xã bị nhấn chìm hoàn toàn trong một trận lũ quét lịch sử. Sau gần 30 năm, trải qua bao cuộc đổi dời, gượng dậy và phát triển mới hình thành nên Mường Lay như ngày hôm nay.
Trước đây, ngoài tuyến quốc lộ 12 và quốc lộ 6 đi qua thị xã, Mường Lay chỉ có những tuyến đường nhỏ như “con dao của người dân tộc Thái”.
Ngày nay, tuyến đường dẫn vào khu Nậm Cản – trung tâm hành chính của thị xã được mở rộng hai chiều, cùng hàng chục tuyến đường khác cũng đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện.
Một chiếc cầu hiện đại được cất lên, nối hai bờ sông, không chỉ giúp thị xã khang trang hơn mà còn thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các vùng khác.
Mường Lay giờ đây mang một khuôn mặt mới, khoác lên mình chiếc áo đẹp hơn nhưng vẫn thật êm đềm. Người dân hiếu khách luôn sẵn sàng mời khách những chiếc bánh khẩu xén, loại bánh được làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở đất này.
Để làm được bánh khẩu xén, các cô gái Thái phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến. Miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của sắn tươi, làm chén rượu thêm phần đậm đà.
Cũng nơi đây, bên đống lửa nồng đượm, những cô gái Thái tuổi mười tám, đôi mươi mềm mại, uyển chuyển cùng những điệu xòe duyên dáng. Nhiều năm nay, Mường Lay là nơi dừng chân để thưởng ngoạn cảnh sắc của không ít khách thập phương.
Một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc tại thị xã như Kin Pang Then, đua thuyền đuôi én… đang được khôi phục.
Khu vực lòng hồ được quy hoạch để trở thành điểm ngao du. Mường Lay đang làm nhiều thứ để trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc.