Nha Trang là thành phố biển có nhiều danh thắng, trong đó biệt thự Cầu Đá là một di tích lịch sử, văn hóa khá nổi tiếng mà ai đến thành phố biển này cũng nên dành thời gian đến đó để khám phá những nét thú vị.
Tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (núi Chụt), cách trung tâm thành phố khoảng 6 cây số, đây từng được vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Sau này, người ta còn gọi biệt thự ấy là Dinh Bảo Đại.
Khu biệt thự nằm ở vị trí đắc địa nhất vịnh biển Nha Trang, được xây dựng trên ba ngọn đồi của núi Cảnh Long, nhô ra giữa biển xanh. Từ xa, núi Cảnh Long chạy dài theo bờ biển giống như con rồng xanh khổng lồ ôm lấy phố biển.
Công trình có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật trang trí hoa viên phương Đông, làm cho cảnh sắc nơi đây vốn thơ mộng càng thêm quyến rũ.
Việc xây dựng biệt thự Cầu Đá gắn liền với sự ra đời của Viện Hải dương học Đông Dương (Viện Hải dương học Nha Trang ngày nay).
Vào năm 1923, người Pháp đã tiến hành xây dựng một cụm gồm năm biệt thự sát mé biển trên núi Cảnh Long cho các nhà hải dương học đến nghiên cứu vùng biển Đông Nam Á làm nơi thực nghiệm khoa học.
Các ngôi biệt thự được đặt theo tên các loài cây và hoa trồng xung quanh khuôn viên biệt thự, lần lượt từ mỏm núi trở vào là Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng.
- Xem thêm: Bảo vật quốc gia Việt Nam
Chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng là tiến sĩ A. Crem, người Đức – ông là vị giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Đông Dương.
Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường đến khu biệt thự này nghỉ ngơi, ở biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ, lấy việc câu cá, ngắm biển làm thú tiêu khiển.
Sau khi hiệp định Genève được ký kết, gia đình Ngô Đình Diệm là chủ nhân mới của hai biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ.
Bà Trần Lệ Xuân đã đặt tên mới cho biệt thự Xương Rồng là Nghinh Phong, còn Bông Sứ là Vọng Nguyệt.
Từ sau năm 1975, Dinh Bảo Đại được chỉnh trang, xây nhà mới và trang bị thêm tiện nghi để làm điểm tham quan du lịch, mở cửa đón du khách cả trong và ngoài nước.
Biệt thự Nghinh Phong có dáng hình hộp chữ nhật, cao hai tầng, cửa chính quay về hướng đông. Từ sân trước của biệt thự có hai đường vòng theo hai hướng xuống chân đồi.
Đường vòng hướng tây trải nhựa men theo sườn đồi, đường vòng hướng nam là đường bậc thang dẫn đến bãi tắm Hoàng Hậu.
Trong thời gian hoàng đế Bảo Đại ở đây, tầng trệt được dung làm phòng họp, chiêu đãi quan khách, tầng trên là nơi nghỉ ngơi, còn trên sân thượng là nơi hoàng đế đón gió, ngắm trăng lên.
Hiện nơi đây là một bảo tàng nhỏ trưng bày về cuộc đời và thân thế hoàng đế Bảo Đại, gồm nhiều hình ảnh, sử liệu về vua, hoàng hậu và gia đình.
- Xem thêm: Công tử Bạc Liêu, ăn chơi mà thành danh
Với diện tích rộng 12ha, khuôn viên Dinh Bảo Đại được bao bọc bởi nhiều loại thảo mộc quanh năm xanh tốt. Năm tòa biệt thự đều hướng ra vịnh Nha Trang – một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới.
Với không khí trong lành, phong cảnh hữu tình, không gian yên tĩnh và là nơi đón nhận những tia nắng mặt trời đầu tiên của thành phố biển Nha Trang, Dinh Bảo Đại được thiên nhiên ưu đãi tạo nên những nét độc đáo khó nơi nào có thể so sánh.
Đến Dinh Bảo Đại vào mùa hè, du khách được dịp ngắm các loài hoa cùng nhau khoe sắc, đặc biệt là phượng vĩ nở đỏ rực cả một vòm trời.
Ai cũng dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp đầy sức sống của thiên nhiên, của nắng vàng, biển xanh và cát trắng.
Từ khuôn viên Dinh Bảo Đại, khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thành phố Nha Trang, nhìn ra biển thấy đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô.
Buổi sáng, không khí trong lành, không gì thú hơn là dậy sớm tắm biển hoặc đi dạo trên bờ cát trắng, tận hưởng ánh nắng ấm áp, hoặc ngồi nghỉ chân dưới bóng mát những hàng dừa…
Sau bữa điểm tâm, khách có thể thuê canô hoặc tàu để đi thăm hồ cá Trí Nguyên, Vinpearl, lặn biển ở Hòn Tằm, Hòn Mun…
Đêm đến, thư giãn trong không gian yên tĩnh thoảng mùi hương hoa lá, đưa mắt ra xa thấy lấp lánh ánh đèn câu trên biển và tiếng sóng rì rầm.