Sau nhiều tháng được phục chế, bức tranh dài nhất nước Mỹ – và có lẽ cũng là tác phẩm hội họa dài nhất thế giới – sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Nghề săn cá voi New Bedford (New Bedford Whaling Museum), bang Massachusetts từ cuối tháng 7-2018 và sẽ kéo dài đến năm 2021. Với tên gọi Toàn cảnh hùng vĩ của chuyến hải hành săn cá voi vòng quanh thế giới (Grand panorama of a whaling voyage round the world), bức tranh khổng lồ này có chiều dài 388,62m, rộng 2,44m.
Có thể xem Toàn cảnh hùng vĩ của chuyến hải hành săn cá voi vòng quanh thế giới như một câu chuyện kể sống động bằng hình ảnh tả thực về nghề săn cá voi đang thịnh hành ở thế kỷ XIX, khi mà nhiếp ảnh còn phôi thai và nghệ thuật thứ bảy chưa ra đời. Tác giả chính của câu chuyện kể kỳ thú này là Benjamin Russell (1804-1885), người đã vẽ hầu hết các cảnh trong bức tranh.
Sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu có ở New Bedford nhờ ngành công nghiệp săn cá voi đang hết sức phát đạt lúc bấy giờ, chẳng may gia đình Russell vỡ nợ bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ những năm 1832, 1833. Ở tuổi 38, Russell phải rời quê nhà, làm công việc của một thợ đóng thùng trên tàu săn cá voi Kutussoff trong ba năm rưỡi (từ 1841 đến 1845) để mong trả nợ cho gia đình và tìm kiếm tương lai. Có hoa tay bẩm sinh nên Russell đã ghi chép, ký họa trong những chuyến hải hành đến nhiều đại dương xa xôi. Chính vốn liếng đó đã trở thành cơ sở để Russell bắt đầu sự nghiệp hội họa khi trở về nhà dù tuổi đã gần bốn mươi.
Được biết đến rộng rãi với những tranh màu nước tả thực một cách chính xác và hoàn thiện về tỷ lệ nghề săn cá voi và những chuyến hải hành, song là một họa sĩ tự học nên cách thể hiện của Russell khá cứng nhắc, “có giá trị về mặt thể hiện trung thực nhiều hơn là nghệ thuật” như nhận định của chính New Bedford Whaling Museum. Trong hai năm 1847-1848, Russell đã hợp tác với họa sĩ Caleb Purrington (1812-1876) để thực hiện tác phẩm Toàn cảnh hùng vĩ của chuyến hải hành săn cá voi vòng quanh thế giới như một cách đầu tư sinh lợi lâu dài.
Hai ông đã vẽ tranh từ những ghi chép, phác thảo của Russell, kết hợp với những câu chuyện kể của các thủy thủ mà Russell nghe được cùng nhiều tư liệu lịch sử của ngành hàng hải như vụ phun trào dữ dội vào năm 1769 của núi lửa Pico do Fogo ở quần đảo Cape Verde(*) và vụ tàu săn cá voi Essex bị một con cá voi khổng lồ tấn công, đánh chìm năm 1820 tại Nam Thái Bình Dương (đã gợi cảm hứng cho văn hào Mỹ Herman Melvill viết Moby Dick – tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1851, một tác phẩm lớn của kho tàng văn học thế giới).
Sau khi Toàn cảnh hùng vĩ của chuyến hải hành săn cá voi vòng quanh thế giới được hoàn tất, bức tranh cuộn này được “trình chiếu” ở New Bedford, Boston và New York. Kế tiếp là tại các thành phố Buffalo, Cincinnati, Louisville và St. Louis. Thời “đổ xô đi tìm vàng” (Gold Rush) diễn ra tại bang California (1848-1855) cũng là lúc kết thúc chuyến đi triển lãm lưu động của bức tranh.
Kế đến là thời kỳ Nội chiến Nam – Bắc Mỹ, và khi dầu hỏa được tìm thấy ở Pennsylvania thì cũng là lúc nguyên liệu này được dùng thay thế cho dầu chiết xuất từ cá voi dùng thắp sáng các thành phố, nhà máy, nhà dân… Nghề săn cá voi để lấy dầu cũng thực sự cáo chung. Benjamin Russell trở về với nghề vẽ các con tàu biển, dạy hội họa và mất năm 1885 tại Rhode Island.
Năm 1918, bức tranh toàn cảnh được chủ nhân của nó tặng cho New Bedford Whaling Museum. Mãi đến năm 1964, một phần của bức tranh có chiều dài khoảng 61m đã được đưa tới trưng bày như một tranh tường tại Hội chợ thương mại Thế giới (World’s Fair) ở New York. Một phần khác được treo tại một siêu thị ở New Bedford. Thời gian và việc triển lãm trong nhiều thời kỳ khiến bức tranh bị rách, hư hại nhiều chỗ. Công việc phục chế được giao cho Kate Tarleton, một nghệ sĩ cũng là chuyên gia hàng đầu về phục chế hàng dệt sống ở Boston.
Cùng với người cộng sự là Charlotte Hamlin, Kate Tarleton đã mất trọn năm 2017 để thực hiện từng mũi khâu nhằm vá lại bức tranh dài hơn 388m. “Những mũi khâu với chỉ siêu mảnh không thể nhìn thấy trên bề mặt tranh”, Kate Tarleton nói. Công việc phục chế cực kỳ tỉ mỉ được Tarleton, Hamlin và bảo tàng tiến hành nhằm đem đến kết quả tốt nhất cho việc phục chế một báu vật lịch sử của nghề săn cá voi và cũng là một trong vài bức tranh toàn cảnh hiếm hoi trong lịch sử mỹ thuật hiện đại.
Không chỉ bị rách, thủng nhiều chỗ, bức tranh còn bị bong tróc sơn ở nhiều mảng. Tuy nhiên, sau khi được vá các chỗ rách, các chuyên gia phục chế đã chỉ dùng một hợp chất phun lên mặt tranh để giữ cho lớp sơn vẽ tranh cố định, không bị bong tróc tiếp và không vẽ lại bằng sơn mới lên tranh bởi “đó là một phần của lịch sử” theo lời bà Tarleton. Được biết, kinh phí để phục chế tranh lên đến 180.000 USD; khoản tiền này được Công viên Lịch sử quốc gia về nghề săn cá voi ở New Bedford hiến tặng.
Những ngày tháng sắp tới, khách đến với New Bedford Whaling Museum có thể ngắm nhìn Toàn cảnh hùng vĩ của chuyến hải hành săn cá voi vòng quanh thế giới đã được phục chế: bức tranh được cuộn trên hai trục sẽ dần trải rộng ra trước mắt người xem như một cuốn phim chiếu chậm.
Nếu như vào năm 1848, khi bức tranh được tổ chức triển lãm lưu động qua nhiều thành phố Mỹ, người xem chỉ phải mua vé giá 25 cent (tương đương 7,35 USD theo thời giá hiện tại) thì để vào thưởng ngoạn tranh tại New Bedford Whaling Museum ngày nay người xem phải bỏ ra 17 USD (trẻ em 7 USD). Tất nhiên, ngoài bức tranh khổng lồ bảo tàng còn chiếu một bộ phim tài liệu về tác phẩm lịch sử đó, kết hợp với âm nhạc cùng một câu chuyện kể về các địa danh, các chi tiết được vẽ trong tranh…
(*) Nay là Cộng hòa Cabo Verde – một quần đảo san hô gồm 10 đảo ở trung tâm Đại Tây Dương, cách bờ biển Tây Phi 570km, dân số là 525.000 người (2015)