Nhà tôi là dạng biệt thự phố xây khoảng 20 năm nay với kiểu cách nội thất chung chung, khá cũ. Tôi sắp sửa nhà để cho văn phòng công ty thuê nhưng chưa biết nên đóng trần thế nào vì trần cũ là dạng thạch cao giật cấp nhiều gờ chỉ rất không hợp. Nhờ quý báo tư vấn giúp một số dạng trần hợp với văn phòng, xin cảm ơn nhiều.
(Nguyễn Thạch An, Thảo Điền, quận 2)
Thực tế vật liệu làm trần văn phòng luôn ít hơn vật liệu dành cho sàn (gạch, đá, gỗ, thảm…). Trần bê tông, thạch cao, gỗ… vốn cũng không liên tục ra nhiều mẫu mã mới như gạch, hay giấy dán tường, mà chủ yếu là những tấm vật liệu quen thuộc nhưng đòi hỏi nhà chuyên môn phải giải bài toán kép là gia tăng hiệu quả và xử lý bề mặt sao cho hiệu quả, ấn tượng hơn. Vì thế, những biến tấu mới cho trần văn phòng hiện nay chủ yếu dựa vào cách tạo hình, màu sắc và phối hợp các loại đèn chiếu sáng. Có thể tham khảo ba xu hướng chính đang được phát triển, tương đối hợp với không gian làm việc, tùy theo công năng cụ thể.
Tạo hình theo thương hiệu văn phòng và tính chất riêng
Hiện nay, mỗi văn phòng đều đề cao tính xây dựng hình ảnh, tạo ấn tượng rõ nét với khách hàng nên có khá nhiều sáng tạo kiểu trần riêng. Từ việc xẻ rãnh, tạo khối lạ mắt cho đến phối hợp với tranh kính màu, tấm kim loại, giấy dán, kỹ thuật in lên bề mặt cao cấp… khá độc đáo và đa dạng. Tuy nhiên không phải bất kỳ chỗ nào cũng tạo hình ấn tượng cho trần, vì còn tùy thuộc vào công năng bên dưới, mức độ chiếu sáng và kinh phí cho phép có cần đầu tư vào khu vực đó hay không. Có thể những mảng trần tạo hình tốt sẽ tạo được ấn tượng mạnh, có cá tính riêng tại nơi đón tiếp, tiếp khách và thậm chí là phòng của sếp, của các bộ phận mang tính sáng tạo, có yếu tố “tốt khoe” nhiều hơn các bộ phận khác trong công ty. Còn tại các không gian họp nội bộ hay khu làm việc chung của nhân viên thì trần vẫn cần đơn giản và ít chi tiết rối mắt. Dạng trần thạch cao khung nổi, có các ô đặt đèn đúng chuẩn kích thước cơ bản 600 x 600mm vẫn được sử dụng nhiều chính vì đáp ứng đủ tính chất của không gian làm việc cơ bản.
Thay đổi màu sắc và chất liệu
Đa số trần văn phòng cũng như nhà ở hiện nay thường có màu sáng nhạt hơn là màu tường hoặc sàn, nhưng không phải tất cả đều vậy. Một không gian khá cao, ví như khoảng thông tầng ngay sảnh đón, hay không gian của dạng nhà biệt thự kiểu Pháp cổ điển, nếu cần tạo sự ấm cúng thì có thể sơn trần đậm màu hơn tường, hoặc dùng trần có nhiều tầng nấc để tạo sự sang trọng, bề thế. Một không gian thấp và hẹp nếu muốn tạo cảm giác thoáng rộng thì không chỉ có kiểu dùng màu trần sáng, mà còn có cách xử lý sao cho trần trở nên… âm u hơn, xóa mờ ranh giới hơn, như chúng ta hay thấy ở một số rạp chiếu phim, câu lạc bộ hay quán cà phê có trần thấp nhưng người ta vẫn dùng màu đen trên trần đi cùng với hệ thống đường ống kỹ thuật để lộ. Cách làm này khi kết hợp với chiếu sáng điểm bên dưới (chứ đừng chiếu lên mảng trần màu đen ấy) sẽ hướng thị giác xuống vùng thấp, đẩy trần xa khỏi vùng quan sát và có thể kết hợp với cách tạo nhòe mờ ranh giới giữa trần với tường (tức là không làm viền phào, hạ trần chừa khe chung quanh, đặt đèn hắt biên, sơn trần và tường cùng màu…). Nếu tính chất của không gian hợp với phong cách thô mộc hoặc kiểu kỹ thuật cao (hi-tech) thì có thể để lộ kết cấu dầm sàn bê tông rồi sơn trực tiếp lên cả trần lẫn đường ống kỹ thuật, cũng là một kiểu xử lý hiện đại, giúp không gian làm việc giảm bớt tính đơn điệu.
Nhấn nhá bằng ánh sáng “độc” và linh hoạt
Với những chủ đầu tư thích “chơi ánh sáng” hoặc với những không gian mang tính chuyên biệt (giới thiệu sản phẩm, tổ chức sự kiện, gặp gỡ khách hàng…) thì cách thức chiếu sáng trong không gian cần đẹp, hài hòa giữa trần với các thành phần khác như tường, đồ đạc, phụ kiện… Khi đó trần thường làm phẳng phiu, đơn giản và ít đột biến phá cách để làm “hậu cảnh” cho đèn và hình ảnh sự kiện được thể hiện tốt hơn. Việc xử lý trần thật đơn giản cũng giúp chủ đầu tư dễ thay đổi kiểu đèn, kiểu chiếu sáng và kiểu trang hoàng khi có những ý tưởng mới lạ hay các mẫu mã trang trí nào mới xuất hiện. Có thể dễ thấy rằng với kiểu trần bị “đóng khung” chung quanh bằng gờ chỉ hay giật cấp thì các bố trí nội thất rất khó biến đổi linh hoạt. Kiểu trần cân xứng cũng vô tình khiến các trang trí tương ứng như rèm cửa, thảm trải sàn hay thậm chí bàn ghế, tủ kệ phải gò bó theo, nếu không sẽ dễ khiến cả không gian bị rơi vào tình trạng chắp nối không nhất quán.
Như vậy, cho dù theo cách làm nào thì xử lý trần cho không gian văn phòng trước tiên phải phục vụ tốt nhu cầu làm việc, nghĩa là trần phải là bộ khung cho bố trí đèn – ánh sáng ổn định, sáng rõ, đồng đều, không gây mệt mỏi, không kích thích thị giác quá mức… Đảm bảo sự thoải mái, hài hòa với công năng làm việc thì có thể điểm xuyết chút nhấn nhá ở các không gian thư giãn, chỗ đi lại, nơi đón tiếp… với ý tưởng khác lạ, sẽ hiệu quả hơn. Điều này khi có sự trợ giúp của nhà chuyên môn và nhà cung cấp sản phẩm tương ứng sẽ được làm rõ và khai thác tốt.
D11, đường 5A, khu dân cư Him Lam, P. Tân Hưng, quận 7, TP.HCM