Gần đây, các phong trào “bỏ phố lên rừng”, “bỏ phố về quê”, rồi “sống chậm”, “sống nhàn”… dấy lên mạnh mẽ trong lớp trẻ thành thị. Họ muốn thoát ra khỏi những không gian sống chật hẹp, những ràng buộc mang giá trị vật chất để đến với những vùng trời rộng mở, tìm về cuộc sống giữa thiên nhiên bình dị. Dường như phải đi mất một quãng đường dài người ta mới có ý thức quay lại sống-dễ-dàng như tổ tiên từng trải nghiệm.
Từ năm 1845, nhà văn Henry David Thoreau người Mỹ đã rời bỏ thành phố đi vào rừng dựng một cabin có diện tích 3×4,5m để sống và viết. Ông nói: “Tôi đi vào rừng vì ao ước sống có chủ đích, chỉ đối diện với những điều thiết yếu của cuộc sống để xem mình có thể học hỏi được những gì mà thiên nhiên dạy dỗ, vì nếu không, đến lúc qua đời ta mới nhận ra rằng ta đã không từng sống”.
Bạn có thuộc trong số đông đồng cảm tinh thần “trở lại” ấy không? Và nếu vậy, bạn đã hình dung ra ngôi nhà của mình sẽ như thế nào ở bên ngoài đô thị rồi chứ? Có nhiều những hình thái kiến trúc để lựa chọn, nhưng có lẽ tinh thần của các không gian sống ấy đều thật giản dị. Đó là không gian không chú trọng phô trương hình thức, nhưng bù lại ở đó chủ nhân như được ôm ấp, chở che, khích lệ trong những không gian ấy. Một ví dụ thú vị mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn kỳ này: Ngôi nhà của Cóc – do Espacio 18 Architectura tạo dựng trên bãi biển hoang sơ vùng Zapotengo, Oaxaca của Mehico.
Nhà được chia làm hai khối với bố trí theo hai cạnh ôm lấy khoảng sân hình tam giác phía trước. Các nhà kiến trúc ám chỉ thiết kế của họ như “hai viên đá nằm nhìn ra biển và khát khao về sự vĩnh cữu”.
Khối nhà gồm phòng ngủ và gian bếp mở nằm ở cánh phía đông. Và khối còn lại chỉ có phòng ngủ nằm bên cánh tây. Khối bên đông là nơi có thể ngắm mặt trời lên, khối bên tây ngắm mặt trời lặn, còn khoảng sân có hồ bơi nằm ngang là nơi có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh biển trước mặt bất cứ lúc nào trong ngày. Những khoảng sân thượng lót gạch gốm cũng là những không gian nối dài cho việc tận hưởng thiên nhiên quanh vùng.
Hai khối nhà bằng bê tông với cả ngoại thất và nội thất đều để dạng bề mặt thô tạo nên một hình ảnh giản dị, gần gũi. Những bộ cửa chớp gỗ thô, mái hiên phủ cành khô, các mảng sân và lối đi lát gạch mộc hay đá chẻ, bàn ghế và đồ trang trí hình khối đơn giản và số lượng tiết giảm. Tất cả tạo nên một bầu không khí thật thoải mái và dễ chịu. Đúng như ý đồ thiết kế “ngôi nhà của mọi người, không gian tụ họp bè bạn, một nơi trú ngụ, một chỗ nghỉ ngơi, một trường học, một khu vườn nơi mà trẻ con có thể học bơi, nơi chúng có thể thả rùa về biển, một nơi để trưởng thành”.
Quá trình xây dựng ngôi nhà rơi vào thời điểm bùng phát virus corona. Ngoài yếu tố vật liệu hướng tới tính thân thiện với sinh thái và xã hội, các nhà thiết kế nói rằng một số hạng mục họ đã để cho thợ xây dựng địa phương tự quyết định dựa trên kiến thức và nỗ lực của họ trong các bước thi công.
Căn lều bên hồ và ý tưởng về đời sống đơn giản của nhà văn Henry David Thoreau đã gợi cảm hứng cho các kiến trúc sư khi vẽ ngôi nhà này. Sống trong căn lều, nhà văn nhận những giá trị thiết yếu của đời sống, cải tạo lại bản thân như một đại diện con người, chống lại những vấn nạn xã hội. Các nhà thiết kế đem việc so sánh với hình ảnh con cóc nhảy vào và nhảy ra khỏi chiếc ao như một liên tưởng khôi hài. Và họ đặt tên cho thiết kế là Ngôi nhà của Cóc.
Công trình đã thành hình và giới thiệu một không gian sống với diện mạo đầy cá tính nhưng cũng thật thân thiện. Một ngôi nhà mà bạn sẽ thật lòng muốn rủ rê ai đó “về đây với những thương yêu hàng ngày…”.
Thiết kế kiến trúc: Espacio 18 Architectura
Thiết kế nội thất: Espacio 18 Architectura, Mario Fernandez và Paulina Chagoya
espacio18architectura@gmail.com
222-238-65-17, 222-260-32-51