Cải tạo một không gian sẵn có để áp vào đó một tinh thần mới, phục vụ cho các nhu cầu sử dụng mới là một đề bài khá quen thuộc với các kiến trúc sư. Vấn đề là giải quyết đề bài ấy như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất và điều này thì phụ thuộc vào nội lực của nhóm thiết kế và các ý tưởng cụ thể mà họ đề xuất…
Với cửa hàng thời trang Ri shop này, hiệu quả là cảm giác thô mộc và sự khác biệt hoàn toàn so với chính nó trước đây. Công việc của nhóm thiết kế là biến một không gian kinh doanh thời trang cũ kỹ thành một không gian kinh doanh thời trang đương đại, chuyên bán lẻ các sản phẩm thời trang Việt, do chính công nhân ở các xưởng may tư nhân làm ra. Nhóm thiết kế cho biết nguồn cảm hứng đến từ chính quá trình khảo sát hiện trạng. Công trình cũ vốn đã được xây dựng từ năm 2008, gồm hai phần, bao gồm góc căn biệt thự cũ và phần cơi nới thêm với mái tôn, trần, các vách ngăn bằng thạch cao và gỗ công nghiệp. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, nhóm nhận thấy giá trị nhất của hiện trạng là khu vực phía sau, gắn liền với căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Họ quyết định trùng tu những chi tiết kiến trúc của ngôi nhà Pháp, bóc lớp hồ đã mục để hiển lộ lớp gạch trần vốn là nguyên liệu được mang từ Pháp qua. Và chính mảng tường ấy đã là nguồn cảm hứng cho họ quyết định chọn ngôn ngữ thiết kế thô mộc để áp vào toàn bộ công trình.
Đến đây, người ta có thể cảm nhận được chất thô mộc thể hiện ngay từ mặt tiền – nhìn giống như một hộp kim loại cũ. Ngôn ngữ ấy được thể hiện xuyên suốt trong không gian nội thất qua cách vận dụng vật liệu hoàn thiện và trang trí. Nền bê tông trần, gỗ thông pallet tái chế từ các kiện hàng cũ hoặc các thớt gỗ nhỏ ít có giá trị, chất liệu kim loại từ những khung treo đồ được tiết chế ở kích thước tiết diện sắt thật nhỏ nhằm đạt được độ rỗng và xuyên suốt…
Về màu sắc, nhóm thiết kế cho biết, vì đây là một cửa hàng thời trang, mục đích chính là tôn vinh những bộ quần áo và các phụ kiện, nên những mảng tường phải đơn giản nhất có thể. Họ chọn màu trắng cho các mảng tường dọc nhà, đem lại cảm giác liên tục và xuyên suốt cho không gian, dù có sự phân cấp về cao độ nền.
Cũng với mục đích làm tôn lên vẻ đẹp của các sản phẩm thời trang và hóa giải điểm yếu của hiện trạng là phần mái tôn phía trước không thể nâng lên cao, họ dùng khung vải bố để che đi lớp tôn; vải gấp nếp gợi nhớ đến nghệ thuật Origami – phủ lên vải lớp sơn đen mờ nhằm đem lại hiệu ứng tương phản tốt nhất với ánh sáng và quần áo trưng bày. Phần việc còn lại chỉ là sắp đặt mọi thứ sao cho hợp lý và thẩm mỹ nhất.
– Về kim loại, chúng tôi vận dụng theo nhiều cách khác nhau: lựa chọn những miếng thép đã qua sử dụng, với lớp gỉ sét nhuốm màu thời gian để tạo nên cửa hàng như một khối hộp kim loại cũ đã trải qua rất nhiều thăng trầm của thời gian; hoặc làm mới kim loại để tạo nên sự tương phản, ví dụ như vật liệu tôn được sơn trắng tương phản với gỗ cũ.
– Riêng với bê tông, chúng tôi biến nó trở thành một loại vật liệu kết nối cũ và mới, thể hiện ở các mảng sàn bê tông mài bóng hay quầy bar, bậc cấp, cầu thang, bệ trang trí.
- Ảnh Quang Trần
Thiết kế: KTS Đoàn Bằng Giang, Phan Dzoãn Mạnh, Trần Xuân Tiến
Thi công: G+architects
www.kgt.com.vn