“Một dáng vẻ lạ lẫm” có lẽ đó là nhận xét đầu tiên khi người ta chợt nhìn thấy công trình này xuất hiện giữa hàng loạt những ngôi nhà phố quen thuộc khác.
Điều khác biệt ấy đến từ gian phòng khách của nó – phần phụ được thêm vào khối chính của một căn nhà góc phố, với yêu cầu từ gia chủ là can thiệp ít nhất với phần còn lại.
Kiến trúc sư đã thiết kế một mái vòm đơn giản nhưng tạo hiệu ứng như một điểm nhấn tương phản với toàn bộ đường nét của khối nhà còn lại. Không gian này cố tình được đặt song song để tạo ra “khoảng vỡ” giữa ngôi nhà chính và phòng khách – một “khoảng vỡ” tối ưu mang nguồn sáng và đối lưu không khí tự nhiên vào nội thất. Không gian như được nới rộng tối đa với mái vòm vươn xa ra khỏi khối nhà chính và nhờ giải pháp chọn bề mặt vật liệu hoàn thiện bằng bê tông xuyên suốt từ sàn lên đến mái. Hai khung cửa rộng bổ sung thêm điểm mạnh cho yếu tố kết nối trong – ngoài của thiết kế.
Tầng trên của khu vực này được bố trí như một trò chơi của những đường cong và lối giật cấp. Góc làm việc nhìn xuống không gian phòng khách và phía góc sau lưng là một bậc cấp làm góc thư giãn. Tiếp sau đó là phòng ngủ được nâng lên một cấp khác, có cửa sổ nhìn xuống những không gian này. Ở một phía khác, phòng ngủ lớn kết nối với đường cầu dẫn ra phần mái nối dài và ban công để mở gây cảm giác ngạc nhiên nhất định.
Để làm giảm bớt vẻ nặng nề của kết cấu vòm bê tông, các kiến trúc sư khéo léo tạo ra những mảng rỗng ở tầng trên. Phần cửa sổ kính hình vòm ngược hướng với mái nhà tạo cùng nên một đường hình chữ S liên tục. Đây là chi tiết thiết kế tận dụng hiệu ứng ánh sáng tinh tế mà người ta sẽ nhận ra được khi di chuyển qua các không gian. Như một cuộc du ngoạn qua hang động, cứ đi rồi ta sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Tên công trình: Bewboc House
Địa điểm: Kuala Lumpur, Malaysia
Kiến trúc sư: Fabian Tan
www.fabian-tan.com
Ảnh: Ceavs Chua