Cùng với sự phát triển công nghệ, các thay đổi trong nếp sinh hoạt hiện đại cũng tác động vào không gian sống, mà phòng khách là một trong những nơi có nhiều biến đổi nhất. Có biến đổi ắt phải có điều chỉnh, về mặt phong thủy đó là những cân nhắc sao cho linh hoạt theo công năng mà vẫn đảm bảo trường khí đặc thù của nơi cần “tốt khoe xấu che” này.
Việc ít đón khách tại nhà theo lối truyền thống, ít có sinh hoạt gia tộc gắn với thờ cúng tổ tiên như nếp nhà xưa khiến phòng khách nhà phố, nhất là phòng khách trong căn hộ chung cư hiện nay gần với phòng sinh hoạt hơn, yếu tố đối nội gia tăng. Trang thiết bị và thiết kế nội thất theo hướng hiện đại, giản lược chi tiết cũng khiến tính chất phong thủy của dạng phòng khách cổ điển ít nhiều mai một.
Từ việc “di dời” vị trí gian thờ, phòng thờ
Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt ta xưa nay luôn đặt bàn thờ tổ tiên tại trung tâm gian chính. Do gian chính cũng thường là chỗ tiếp khách nên có suy nghĩ cho rằng hai không gian này là một. Thực ra những gia đình “có điều kiện” ngày trước vẫn thường làm gian thờ riêng biệt, hay có thể kết hợp gian thờ với nhà thờ tự của cả dòng họ. Trong ngôi nhà xưa, gian thờ không nằm lên lầu, đơn giản vì thuở phần lớn nhà ở… không có lầu, thêm nữa kết cấu nhà chủ yếu bằng khung gỗ, chưa có sàn đúc nên gian thờ phải ở tầng trệt để luôn vững chắc, ổn định. Mặt khác người Việt vốn là cư dân vùng nông nghiệp lúa nước thường gặp lũ lụt nên luôn làm nền nhà cao so với mặt đất, hoặc làm theo kiểu nhà sàn để tránh ẩm thấp, ngập nước. Gian thờ thường được đặt trang trọng tại nơi có bậc thềm khá cao ráo, phía trên bàn thờ là phần thiên đỉnh của mái nhà, bố trí thoát hơi nóng ra đầu hồi, không có sinh hoạt nào khác ở nơi cao hơn bàn thờ. Từ đó mà phòng khách + gian thờ (hay bàn thờ) phải tọa lạc ở chỗ cao và trang trọng nhất của ngôi nhà. Bộ bàn ghế tiếp khách, phân ngôi khách chủ, bình phong, cửa chính… liên kết chặt chẽ với nhau thành cơ cấu nội thất được “mặc định” là chuẩn mực, ai làm khác đi bị coi là thiếu nghiêm túc, không hợp phong thủy. Suy nghĩ này dẫn đến tình trạng căn hộ chung cư hay biệt thự kiểu dáng hiện đại cũng cố gắng đặt bộ bàn ghế cổ chạm trổ cầu kỳ theo kiểu đối xứng, bất chấp không gian rộng hẹp, bất tiện trong sử dụng và bất hợp lý về biểu đạt thẩm mỹ.
Những ai biết vận dụng phong thủy linh hoạt và hài hòa sẽ có cách nhìn khác về gian thờ và phòng khách trong ngôi nhà hiện đại, miễn sao tuân thủ các nguyên tắc truyền thống. Phòng khách ở tầng trệt nếu gần đường sá xe cộ đi lại tấp nập sẽ tạo cảm giác ức chế, thiếu thoải mái, trong khi phòng thờ đặt lên tầng cao (thậm chí tầng thượng nhà phố) sẽ thoáng đãng, thuận lợi nhang khói, thờ cúng, không bị các phòng ốc khác “đè” lên, minh đường trước bàn thờ là khoảng sân trước thoáng đãng, có thể bố trí cây cảnh, phía sau là cầu thang và không gian phụ như sân phơi, kho. Phòng tiếp khách thân thiết trên lầu khi cần kiêm luôn không gian sinh hoạt của gia đình, còn chỗ tiếp khách quen sơ chỉ cần bố trí gọn gàng ở tầng trệt, tăng thêm diện tích cho để xe cộ và giúp chỗ tiếp khách (khi đặt phía sau hoặc trên lầu) sẽ thông thoáng hơn là kiểu làm phòng khách ngay khi vừa để xe vào nhà dưới trệt.
Đến giải pháp tùy theo hoàn cảnh
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là phòng thờ phải đẩy lên trên lầu thượng, phòng khách phải đặt trên lầu, nhất là đối với gia đình neo người, hay có người cao tuổi sức khỏe kém, đi lại lên xuống khó khăn. Giải pháp thiết thực hơn cả là cần tính toán không gian tiếp khách, không gian thờ cúng ngay từ khi bắt đầu thiết kế nhà, sao cho phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trường hợp vẫn muốn mọi sinh hoạt đối ngoại (thậm chí cả nơi thờ cúng) đặt ở tầng trệt thì nên bố trí phòng khách (cùng gian thờ, bàn thờ) nằm kề cận giếng trời hoặc trong khoảng thông tầng (nếu nhà có tầng lửng) và có thể tạo một không gian có phân cách tương đối: lên xuống vài bậc, có vách hoặc tủ che nhẹ nhàng, liên kết gián tiếp với sảnh tầng, đầu mối giao thông lên xuống, giúp các hoạt động đi lại, sinh hoạt bên trong không bị “lộ diện”. Trường hợp nhà có khuôn viên rộng, nhà trệt dạng biệt thự vườn…, có thể sắp xếp một gian nhà nhỏ làm phòng khách kiêm phòng thờ theo hình thức truyền thống, kết hợp làm thư viện gia đình… Một số căn hộ chung cư hiện nay có diện tích lớn cũng làm gian thờ kiêm tiếp khách trang trọng, có vách ngăn, cửa lùa hay tủ đa năng, đảm bảo sự thông thoáng và thống nhất về hình thế của phòng khách dạng này, tương ứng với không gian toàn căn hộ.
Cho dù vị trí phòng khách biến chuyển thế nào đi nữa, nguyên tắc phong thủy cơ bản vẫn cần tuân thủ là bố trí phòng khách ở các phương vượng khí, sinh khí của la bàn toàn nhà, so với trung cung thì phòng khách nào mang tính đối ngoại nhiều sẽ nên nằm về trước trung cung, mở đón nhiều hơn, còn mang tính đối nội nhiều hơn sẽ có thể nằm về phía sau, khép kín hơn.
Gia tăng khí cho phòng khách
Ngôi nhà tốt hơn về phong thủy không hẳn là xây dựng tốn kém hơn với vật liệu đắt tiền hơn mà chủ yếu nằm ở cách bài trí khéo léo, phân biệt chính phụ rõ ràng. Mức độ gia tăng khí trong nhà luôn nhờ các điểm nhấn, khởi đầu chính là không gian tiếp khách và khu vực sảnh đón, hành lang, cửa chính ra vào nhà, nơi có nhiều va chạm xung sát và đối ngoại nhiều nhất.
Nếu căn cứ theo đặc trưng và tính năng sử dụng thì có thể tạm phân chia đồ đạc tiện nghi và thiết bị thường gặp trong không gian phòng khách theo các nhóm ngũ hành sau:
- Nhóm máy móc nghe nhìn, làm mát, điều hòa không khí, bể cá thủy sinh… thuộc Thủy và Kim, màu sắc chủ đạo là trắng, đen, xanh biển, chất liệu gạch đá sáng màu, bề mặt bóng và trơn, phản quang, nhiều nét tròn và hoa văn uốn lượn.
- Nhóm đèn trang trí, chiếu sáng, tranh ảnh, vật dụng, tượng, tủ thờ (ông địa, thần tài…) thuộc Hỏa và Thổ, màu sắc chủ đạo là vàng, cam, đỏ, nâu, chất liệu gạch, gốm, đá, bề mặt thô và sậm màu, nhiều mảng vuông, góc chéo, nghiêng và gấp khúc.
- Nhóm cây cối, đồ gỗ, rèm cửa, thảm mềm… thuộc Mộc và Thổ, màu sắc chủ đạo là màu vân gỗ, xanh lá cho đến vàng, nét vươn cao và có nhịp điệu lặp lại, nhiều lớp đan xen.
Quan điểm dung hòa là chọn cách trang trí hoàn thiện phòng khách có dẫn dắt và chuyển tiếp giữa từng nhóm hay các nhóm ngũ hành kể trên sao cho tự nhiên, mang hành chủ đạo hợp sở thích và hợp mệnh gia chủ, sau đó điểm xuyết những mảng miếng khác biệt để tạo sự nổi bật tốt hơn.
Gia tăng khí cần được phát huy tại những nút giao thông, nơi chuyển tiếp công năng. Ví dụ như dùng một mảng đá hay gạch khác màu tại vị trí lối vào để tăng tính thu hút, hay treo đèn, đặt bình phong chắn lối đi xuyên thấu để khép lại không gian tiếp đón. Các điểm nhấn có thể chọn lựa tùy theo không gian và phải căn cứ vào thực chất sử dụng, chẳng hạn làm một “tấm thảm” nhấn trên sàn ở vị trí trang trọng, đón chào, không bị vật dụng che khuất, tạo hiệu quả tập trung thị giác hơn. Những vị trí chuyển tiếp trong ngoài thì điểm nhấn có thể làm theo cách viền tương phản giữa một khu vực vật liệu chuyển sang khu vật liệu khác. Còn điểm nhấn trên trần là sự tập trung hình khối, đường nét hay màu sắc vào vùng dễ quan sát và định vị không gian thuận lợi nhất, tránh nhấn tràn lan hay giật cấp phức tạp không cần thiết. Sảnh đón khách trước nhà thường mang tính Dương cao, cần chọn những loại đèn rực rỡ, khác với sảnh hành lang, nội bộ trong nhà. Hoặc hệ thống đèn phòng khách cần nhiều tầng bậc khác nhau, có thể thêm đèn chùm để gia tăng tính nổi bật khi tập trung đông người. Trong khi phòng khách kiểu sinh hoạt nội bộ thì ít đèn hơn, kiểu dáng đèn cũng nhu thuận, tĩnh tại hơn, ánh sáng phân tán và dịu nhẹ hơn.
Dĩ nhiên không thể áp đặt một kiểu dáng hay bố cục, vật liệu nào đó khi gia chủ không thích, nhưng thông thường các nguyên tắc ngũ hành khá phong phú và không ít thì nhiều sẽ tương hợp với đặc tính gia chủ và không gian cụ thể, gia tăng yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý. Khi gia chủ không tách bạch phong thủy ra khỏi các yêu cầu hài hòa, bền vững trong thiết kế và xây dựng, khi gia chủ xem phong thủy cũng là một phần của “nhiệm vụ thiết kế” thì nhà chuyên môn sẽ thuận lợi điều chỉnh để công trình được tốt hơn về nhiều mặt.
- Bài KTẢnh Xuân Trang