Chuyến tàu đưa chúng tôi đến TP. Ghent của nước Bỉ đi qua những đồng cỏ xanh ngắt của vùng Flanders, với những đàn bò khoang đen trắng và cừu, ngựa, đang gặm cỏ, những ngôi nhà kiểu Hà Lan xinh xắn có vườn hoa và những chiếc chong chóng gió khổng lồ. Tàu đến ga lúc 8 giờ 30 tối nhưng vì là mùa hè nên trời vẫn sáng, ra khỏi ga là thấy màu xanh của công viên và vườn hoa với tulip đỏ, dạ lan hương xanh da trời và con kênh nước xanh ngăn ngắt.
Những kiến trúc đồ sộ của thời hoàng kim
Thành phố Ghent ít được khách du lịch biết tới như Bruges vì ít được quảng bá hơn và cũng vì thành phố không giữ vẻ cổ kính nguyên sơ như Bruges mà đã mở rộng, phát triển và hiện đại hóa rất nhiều. Tuy thế khu phố cổ của Ghent vẫn được gìn giữ bảo tồn nguyên vẹn. Thời Trung cổ, Ghent là thành phố trung tâm của Vương quốc Burgundy, cũng là thủ đô tôn giáo của tất cả khu vực Bắc Âu nên các thành trì và nhà thờ ở đây được xây với quy mô rất lớn và kiên cố.
Suốt từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, đây là thành phố lớn thứ hai châu Âu lục địa, chỉ sau Paris của Pháp. Đó cũng là thời hoàng kim của phố cổ này, với ngành giao thương vải vóc tầm cỡ lớn nhất nhì thế giới. Dấu ấn của thời giàu có vẫn còn lưu lại trên những ngôi nhà xưa, trên những công trình kiến trúc từ thời cổ đại và các phong cách kiến trúc sau này như Roman, Gothic và Baroque.
Từng choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy và đồ sộ của nhà thờ Milan và nhà thờ Đức Bà Paris nhưng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy cả chục nhà thờ, tháp chuông và lâu đài đồ sộ bằng đá cao ngất với những quảng trường lát đá rộng lớn nối tiếp nhau và cây cầu đá to lớn cổ kính ở Ghent. Các con kênh ở đây cũng rộng hơn hẳn ở Bruges với bờ kè xi măng thẳng tắp, không có thiên nga nhưng rất nhiều hải âu bơi lội trên kênh.
Những ngôi nhà hai bên bờ kênh gần khu thành cổ và nhà thờ vốn là của các thương gia và chủ tàu giàu có thời trước, bây giờ là khách sạn cao cấp hoặc cửa hàng. Đó cũng là những ngôi nhà ba tầng kiểu Hà Lan nhưng mang vẻ xa hoa giàu có với kích thước lớn, khung cửa, vòm mái và lan can chạm trổ hoặc được trang trí bằng tranh tường. Thích nhất là những bức tượng đồng cổ trên nóc các nhà và trên các cột đèn diễn tả cảnh hiệp sĩ chém rồng, các chú hề đang biểu diễn nhào lộn hoặc quỷ sứ hay những linh vật trong thần thoại.
- Xem thêm: Medellín – Phố núi đẹp nhất Colombia
Chúng tôi nghỉ đêm trên một con tàu cũng là khách sạn thả neo trên kênh. Trên nóc tàu có một khu vườn hoa và cây cảnh, buồng lái là phòng lễ tân. Mọi người đều thích thú khi ngồi ăn chiều trên boong tàu với bàn ghế gỗ và những chậu hoa đủ màu xung quanh, lại được ngắm cảnh phố xá và hai bờ kênh đang vào mùa hoa nở vàng rực. Phòng ngủ dưới hầm tàu rộng rãi và ấm cúng, nhìn qua chiếc cửa sổ tròn thấy dòng nước kênh xanh. Sau giấc ngủ ngon, buổi sáng tỉnh dậy vì tiếng kêu của chim hải âu bơi lội bì bõm trên mặt kênh bên ngoài cửa sổ. Ngày Chủ nhật nên 9 giờ sáng mà đường phố vẫn khá vắng lặng.
Thành phố của hoa và kẹo
Ghent nổi tiếng là thành phố của hoa bởi trồng hoa là nghề truyền thống ở đây. Người trồng hoa ở Ghent không chỉ làm đẹp thành phố và cho cả nước Bỉ mà hoa họ trồng còn được xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu khác. Phiên chợ hoa và cây cảnh họp ở quảng trường Kauter vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Chúng tôi thật may mắn vì đến Ghent vào ngày có phiên chợ hoa, lại đúng vào mùa có nhiều hoa và hoa đẹp nhất trong năm. Gần trưa, chợ hoa đông nghịt người.
Trong khu có mái che bán các loại phong lan, cây cảnh bon sai và cây trồng trong nhà, cùng các bình hoa, lẵng hoa. Khu ngoài trời rộng hơn nhiều, bán hoa và cây cảnh trồng trong các chậu lớn nhỏ đủ loại. Ngoài cúc trắng maguerite tuyệt đẹp, còn có đủ các loại cúc nhiều màu sặc sỡ, rồi hoa poppy, hoa rẽ quạt, lili, lan chuông…, nhiều loại lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy. Quảng trường Kauter trông như một tấm thảm hoa khổng lồ rực rỡ sắc màu. Cây cảnh cũng đủ loại, đủ cỡ, có cây cao đến hơn 1m đã có hoa có trái, nhiều nhất là cây phong lữ, cây du và các loại nho, cam chanh.
Những người bán hàng đeo tạp dề bận rộn nhưng vui vẻ trả lời khách hàng, nhanh nhẹn gói cây hoa vào các túi cho khách và sẵn sàng bưng ra tận xe nếu khách yêu cầu. Vòng ngoài cùng của chợ hoa là các quầy bán hoa từng bó. Được mua nhiều nhất là hoa tulip đủ màu, rồi đến hoa hồng và phong lan. Khách có thể chọn từng bông rồi người bán sẽ bó thành một bó thật đẹp. Chưa thấy ở nơi nào người dân yêu hoa như ở đây, ai đến chợ hoa cũng tay xách nách mang về nào là hoa chậu, hoa bó, cây cảnh…
Có rất nhiều người ở nơi khác đã đi tàu hỏa và ôtô tới Ghent chỉ để mua hoa và cây cảnh vì vừa đẹp vừa rẻ, lại đa dạng. Giữa quảng trường có một lầu cao để chơi nhạc, hôm nay có ban nhạc thành phố đến đây biểu diễn hòa nhạc miễn phí. Thế là chúng tôi kiếm được chỗ ngồi đối diện lầu chơi nhạc, vừa ngắm hoa vừa thưởng thức trọn chương trình hòa nhạc!
Gần 1 giờ trưa khi chợ hoa sắp kết thúc, chúng tôi mới đi tới công viên thành phố, nơi có vườn thực vật của Trường Đại học Ghent: Khu vườn cổ kính đủ các loại cây từ khắp nơi trên thế giới nhưng đẹp nhất là đỗ quyên đủ màu trồng quanh hồ nước rộng và những giàn hoa leo tím thơm ngát quanh vườn, có cả những dây bí của vùng Nam Á lá to như chiếc quạt nan còn trong nhà kính có hoa súng Nam Mỹ với lá rộng đến hơn 1m đường kính.
Ngoài hoa, Ghent còn nổi tiếng với nghề làm bánh kẹo với các sản phẩm trông thật hấp dẫn và đẹp mắt, nổi tiếng nhất là kẹo Cuberdon mà người dân địa phương còn gọi là “neuzeke”, có nghĩa là “chiếc mũi nhỏ”. Quả thật, trừ màu sắc tím đậm thì Cuberdon có hình dáng y như chiếc mũi người, những “chiếc mũi” xinh xắn có hương vị của quả mâm xôi, từ lớp vỏ ngoài hơi cứng nhưng dẻo cho đến phần nhân lỏng chua chua ngọt ngọt bên trong. Ngày nay, ở Ghent vẫn còn rất nhiều tiệm bánh kẹo sản xuất thủ công Cuberdon, với công thức không thay đổi từ bao năm qua.