Với phòng tranh “Em ơi, Hà Nội phố” (tại gallery Bình Minh, số 145/38C Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP. Hồ Chí Minh, từ 21 đến 28-7-2018), nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ đang giữ kỷ lục là tác giả đương thời cao niên nhất có tranh triển lãm. Trong giới hội họa nước ta, từ trước tới nay chưa có ai ở tuổi chín mươi ba đại thọ vẫn đủ sức lực, sự minh mẫn và đầy hứng khởi để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng như tác giả của bản trường ca bất hủ Em ơi, Hà Nội phố.
Trước ngày khai mạc triển lãm không lâu, “đại lão thi – họa sĩ” Phan Vũ có lẽ cũng giữ kỷ lục là nhà thơ đương đại nhiều tuổi nhất có tác phẩm được xuất bản: tập thơ Ta còn em do Nhã Nam thực hiện (NXB Hội Nhà Văn), phát hành vào tháng 5-2018 và chỉ sau vài tuần đến với người đọc cả nước đã mau chóng được tái bản, cho thấy thơ của lão trượng U-100 vẫn có sức hút rất đáng nể.
Trong những tháng năm gần đây, bên cạnh cảm hứng thơ ca vẫn đến với ông từng ngày, Phan Vũ còn không rời những tuýp màu, cọ và toan. Ông bảo thường dậy vào 3g sáng để vẽ trong căn phòng nhỏ ở quận 9, nếu như không làm thơ: “Những con chữ hay những mảng màu, đường nét cứ hiện lên, buộc tôi phải viết hay vẽ”. Và đó là cách, như ông tự bộc bạch, chiến đấu để chống lại cái gã đáng sợ có tên là Thần Chết, sau khi đã có những năm tháng dài chiến đấu thật sự trong cả hai cuộc chiến tranh đã qua với quân viễn chinh Pháp và Mỹ.
Phòng tranh “Em ơi, Hà Nội phố” giới thiệu 25 tác phẩm được Phan Vũ vẽ trong khoảng vài năm trở lại đây, tất cả đều được vẽ bằng sơn dầu, trong số đó có xê-ri tranh 15 bức được ông đặt tên chung là Em ơi, Hà Nội phố với cách thể hiện cả hình lẫn chữ “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có tranh, trong tranh có thơ) – quan niệm thẩm mỹ “đã ám ảnh các nghệ thuật mà ông thực hành suốt mấy thập niên qua” như nhận định của nhà phê bình – họa sĩ Nguyễn Quân.
Chính Phan Vũ cũng tự nhận: “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần các bài thơ của tôi”. Trong buổi khai mạc triển lãm, Nguyễn Quân còn đưa ra một so sánh thú vị khi cho rằng những bức tranh thi – họa của Phan Vũ lại rất gần với tranh đường phố của các nghệ sĩ trẻ đương đại.
Trên các bức tranh của xê-ri Em ơi, Hà Nội phố, tác giả viết những câu thơ của bài trường ca cùng tên, được ông sáng tác vào tháng 12-1972 khi máy bay Mỹ B52 đang ném bom Hà Nội.
Ngay lúc đó ông đã khởi viết những câu đầu tiên của bài thơ dài với 25 khổ thơ, hơn 400 câu: “Em ơi, Hà Nội phố. Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…” với điệp từ “Ta còn em” được lặp lại trong nhiều khổ thơ như một câu “niệm chú” để tự trấn an theo lời ông: “Ta còn em” là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội, mà đôi lần, khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về”. Và: “Tôi cũng phải nói thêm điệp từ “Ta còn em” còn có nghĩa “Ta mất em”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được”(1).
Có thể thấy trong tranh Phan Vũ cảm xúc cứ ào ạt tuôn chảy thành màu sắc và hình ảnh, bất chấp những quy phạm của hội họa trường lớp, hàn lâm. Bởi ông là người tự học và đến với thế giới sắc màu khi đã ở độ tuổi bảy mươi.
Trong một bài viết về tranh Phan Vũ tại triển lãm chung ở gallery Tự Do cách đây tròn 20 năm, họa sĩ Lưu Công Nhân kể: “…Và một hôm tôi thấy hắn vẽ tranh. Phan Vũ bảo tôi: “Nhân thấy thế nào, được lắm chứ?”. Quả thật thì Phan Vũ vẽ cũng rất đáng yêu, cũng như Phan Vũ làm thơ, nhưng cả hai sự ấy cũng chưa đáng yêu bằng chính con người Phan Vũ, một lão già ngoài bảy mươi tuổi mới cầm bút vẽ và “tuyên bố” với một họa sĩ – là tôi: “Tao vẽ mỗi ngày một giống người mẫu hơn và người mẫu của tao càng ngày càng… khen tao nhiều hơn”.
Nhìn mái tóc bạc, cặp kính lão, cái cằm lởm chởm râu của Vũ, tôi đành phải thốt lên: “Đúng là một nghệ sĩ vừa uyên bác, vừa ngây thơ… tươi roi rói!!!”(2). Tự học vẽ nhưng Phan Vũ lại có bạn hữu là các tên tuổi lớn như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… và đó cũng là một nguồn cơn thôi thúc ông tìm đến với hội họa. Trong phát biểu khai mạc triển lãm, Phan Vũ đã hóm hỉnh: “Tôi chỉ đợi mấy lão ấy… chết rồi mới vẽ”.
Đến với phòng tranh có họa sĩ lão thành Bùi Quang Ngọc, người đã nhiều năm thân thiết với Phan Vũ và hiểu rõ nghệ thuật hồn nhiên của bạn mình, nhưng ông vẫn không giấu được ngạc nhiên trước sự trẻ trung, hăng say của một người đã qua tuổi chín mươi khi Phan Vũ ngỏ ý mời ông cùng triển lãm chung. Tác giả Em ơi, Hà Nội phố bảo còn đủ sức vẽ và làm vài phòng tranh nữa trong thời gian tới. Chỉ có thể nói như Nguyễn Quân: “Nếu được thấy và biết ông ai cũng sẽ phải công nhận trong ngạc nhiên rằng trẻ khỏe mãi như thế cả về thân thể lẫn tâm hồn thực là xưa nay rất hiếm. Phan Vũ hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực mà nhẹ nhàng “như không” với ham mê là nguồn năng lượng duy nhất cần cho sáng tạo!”.
(1) Phát biểu trong đêm thơ Phan Vũ tại Hà Nội tháng 9-2010
(2) Tuổi Trẻ Chủ nhật số 38-1998