Nếu như sông Sài Gòn với một vị trí khá khiêm tốn thì ngược lại dòng Vàm Cỏ Đông có một vị trí rất quan trọng, dòng sông này có ảnh hưởng đến nhiều mặt về đời sống, kinh tế, văn hóa… của người dân ở hai phía tả ngạn và hữu ngạn từ xa xưa cho đến nay. Đặc biệt là những di chỉ khảo cổ phát lộ vô vàn minh chứng cho những trầm tích lịch sử của hơn ngàn năm trước, tạo nên những dấu ấn thiêng liêng không thể phai mờ trên xứ sở này.
Sông Vàm Cỏ Đông thuộc hệ thống sông Đồng Nai và là một chi lưu của sông Vàm Cỏ. Sông này bắt nguồn từ lãnh thổ Campuchia với tên gọi là Piek Kongpung Spean (tức là suối bên bến có cầu), chảy vào huyện Châu Thành – Tây Ninh, sau đó chảy qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu và Trảng Bàng với thủy trình khoảng 98km.
Vàm Cỏ Đông cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Tây Ninh, Long An. Sau đó kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ để đổ vào sông Soài Rạp và cuối cùng là đổ ra biển Đông. Nếu căn cứ trên bản đồ, ta thấy Vàm Cỏ Đông khởi nguồn từ hai nhánh là Cái Bắc (Cái Bát) ở hướng Bắc và Cái Cậy (Suối Mây) ở hướng Tây. Hai nhánh này hợp nhau tại ranh giới hai xã Phước Vinh và Hảo Đước để thành dòng chính.
Xưa kia, sử cũ nhà Nguyễn gọi Vàm Cỏ Đông là sông Quang Hóa: “Ở thượng lưu sông Thuận An (Bến Lức) cách trấn về phía Tây 160 dặm rưỡi. Thủ sở ở bờ phía Bắc sông lớn này, có người nước ta, người Tàu và người Cao Miên ở chung làm ăn với nhau, có tuần ty coi việc thâu thuế cước và phòng giữ biên giới. Từ đây chảy 24 dặm rưỡi đến cửa sông Khê Lăng, 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp ranh giới Cao Miên. Đây là đường sứ thần Cao Miên sang cống phải đi qua. Dọc theo sông ruộng đất mới vỡ, còn nhiều rừng rú, ngược lên hướng Tây sông chia làm hai nhánh : nhánh phía Bắc tục gọi Cái Bát đi hơn 100 dặm đến cuối nguồn nhập rừng Quang Hóa, nhánh phía Tây tục gọi Cái Cạy (Cậy) đi hướng Tây hơn 150 dặm cũng đến cuối nguồn. Tới đây đều là rừng núi Quang Hóa liền nhau” (Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức, trang 49, bản dịch Lý Việt Dũng).
Đó là cách gọi theo sử cũ, còn ngày nay thì thống nhất gọi là sông Vàm Cỏ Đông. Với tên gọi này có người cho rằng tại vì ở hai bên vàm sông có nhiều cỏ nên gọi là Vàm Cỏ. Chính vì hiểu “Cỏ” trong danh ngữ này là cây cỏ nên một số tài liệu mới dịch ra âm Hán Việt là “Thảo giang” (sông cỏ).
- Xem thêm: Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Vấn đề này, ta còn bắt gặp cách giải thích của TS Lê Trung Hoa trong Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam như sau: “Vàm Cỏ nửa Khmer nửa TV. Vàm là từ gốc Khmer, nguyên dạng là piêm, vốn nghĩa là “ngã ba sông, rạch”. Cỏ là một loài thực vật, dùng làm thức ăn cho bò, trâu, ngựa… Vậy Vàm Cỏ là ngã ba sông, rạch có nhiều cỏ”.
Cách giải thích trên rất thiếu cơ sở. Thực ra chữ “Cỏ” trong Vàm Cỏ (Đông) không phải là cây cỏ thực vật gì cả, mà là một cách gọi chệch âm từ tiếng Khmer. Người Khmer ở vùng này trước đây gọi Vàm Cỏ (Đông) là Piêm Tunle Vaico, tức là “Vàm sông đánh (chăn lùa) bò”. Trong đó : Piêm là vàm; Tunle là sông; Vai là đánh; co (cô) là con bò. Vấn đề này còn được ghi rất cụ thể trong một số tư liệu, bản đồ của các học giả người Pháp trước đây.
Như chúng ta đã biết vùng đất Tây Ninh xa xưa kia thuộc Tiểu quốc “Chinh Phục Từ Đầm Lầy” của Vương quốc Phù Nam. Tiểu quốc này chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Thành phố Hồ Chính Minh và Tây Ninh ngày nay. Chính vì vậy mà khu vực này có nền văn hoá chung đó là Óc Eo, trong đó, Tây Ninh thuộc Óc Eo muộn, hay còn gọi là Hậu Óc Eo.
Lý do Tây Ninh thuộc Óc Eo muộn là bởi vì nhóm dân cư của Tiểu quốc này có xu hướng đi ngược từ khu vực đất thấp lên khu vực đất cao hơn. Bằng chứng rõ nét nhất là các di chỉ khảo cổ thuộc trung lưu sông Vàm Cỏ Đông có niên đại muộn hơn so với các nơi khác trong cùng một Tiểu quốc.
Qua hơn trăm năm khai quật và nghiên cứu, cho đến nay ta thấy các di tích văn hóa Óc Eo ở Tây Ninh phân bố chủ yếu ở những vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông tạo thành trục Trảng Bàng – Bến Cầu – Gò Dầu – Châu Thành và một phần của Tân Biên. Mà tiêu biểu nhất có thể thống kê qua các cụm như: cụm di tích Thanh Điền (Châu Thành), cụm di tích Bình Thạnh (Trảng Bàng), cụm di tích Bến Đình (Bến Cầu) và cụm di tích Chót Mạt (Tân Phong – Tân Biên). Tất cả các di chỉ này hầu hết được các nhà khảo cổ xác định thuộc giai đoạn Óc Eo muộn (Hậu Óc Eo), tức là có niên đại cách đây trên 1.200 năm tuổi.
Cụm di tích Thanh Điền thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Cụm này gồm nhiều gò đất trên bậc thềm phù sa cổ cao khoảng 5m so với mực nước biển dọc theo bờ bên phải của Rạch Cái Răng, phân bố theo hàng dài trên dưới 3km theo hướng Bắc – Nam. Tất cả là 11 di tích đã được khảo sát khai quật. Nổi bật nhất trong cụm di tích này là khu di tích Gò Cổ Lâm.
Đây là khu di tích có quy mô lớn nhất trong 11 di tích của xã Thanh Điền. Cụ thể, bên hông chùa Cổ Lâm, phía Tây tìm được 6 phế tích kiến trúc đền tháp được xây bằng gạch cổ (32 x 16 x 7cm) và nhiều hiện vật liên quan khác như Yoni, Linga, đầu tượng, thân tượng, đế tượng…
Phía Đông gò còn phát hiện bàu nước vuông (tượng trưng cho biển sữa) với diện tích 240m x 180m, cách trung tâm gò 65m. Những phát hiện này được xác định niên đại là thuộc giai đoạn cuối văn hóa Óc Eo. Đó là một trung tâm thờ các vị thần Vishnu và Shiva thời cổ xưa.
Cụm di tích Bến Đình thuộc xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu. Đây là khu phế tích xây dựng đền tháp cổ sát bờ Vàm Cỏ Đông. Tại nơi đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ít nhất là bốn chân tháp trên gò cao 5m, hiện là trung tâm miếu Bà.
Cũng tại nơi này đã thu được các dữ kiện khác như gốm, chân đèn, bệ đá nắm tay tượng thần… có niên đại thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX – X sau Tây lịch. Mới đây (10.2019), Trung tâm Khảo cổ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục khai quật, thám sát vùng lõi của khu di tích và phát hiện nhiều dấu tích có hơn 1.000 năm tuổi.
- Xem thêm: Địa danh ‘cái răng’ ở Tây Ninh
Trên khu gò, các nhà nghiên cứu tiếp tục mở thêm sáu hố khai quật, tổng diện tích hiện tại khoảng 300m2. Khu vực xung quanh Bến Đình có 14 hố thám sát, tổng cộng 30m2. Đặc biệt là phát hiện nền móng kiến trúc tháp có điêu khắc hoa văn trên gạch rất cầu kỳ tỉ mỉ. Mô típ này tương tự với các tháp Bình Thạnh và Chót Mạt, nhưng độ công phu thì hơn nhiều.
Khu di tích Bến Đình được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 72/QĐ-CT ngày 13.6.1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Có thể nói, đây là cụm di tích lớn của Tây Ninh. Những phát hiện tại khu vực này đã phần nào hé lộ một phần bức tranh đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của con người đã sống ở đây từ hơn 10 thế kỷ trước.
Khu di tích Tháp Bình Thạnh nằm trên địa phận ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Tháp này có tên là Prey Prasath (tháp giữa rừng), tháp được xây trên một khu gò đất đắp cao hình vuông, mỗi chiều 100m.
Tháp cao 10m, mỗi cạnh dài 5m, mặt chính quay về hướng Đông, trông ra một bàu nước phía trước. Tháp này được phát hiện vào năm 1909, khi ấy phần đỉnh tháp đã bị hư đổ; năm 1938 H. Mauger đã tiến hành tu sửa, người Pháp đã đúc một tấm đan bằng xi măng trám trên đỉnh để nước mưa không đổ vào trong lòng tháp.
Bên cạnh đó, họ đã tiến hành nghiên cứu tháp và đã kết thúc từ những năm 40 của thế kỷ trước. Năm 1994, các nhà khảo cổ học Việt Nam lại tiếp tục khai quật trên khu tháp Bình Thạnh và kết quả đã phát hiện 2 kiến trúc khác cũng xây bằng gạch đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất. Kiến trúc thức nhất nằm song song với tháp Bình Thạnh, hơi lệch về phía Đông và cách ngôi tháp hiện hữu khoảng 4m.
Bình đồ của kiến trúc này gần như vuông, chiều Bắc Nam dài 7,7m, chiều Đông-Tây dài 8,2m, cửa cũng quay ra hướng chính Đông. Kiến trúc thứ hai nằm song song với kiến trúc thứ nhất về hướng Bắc, bình đồ cũng hình vuông mỗi chiều 6m. Ở kiến trúc thứ hai này người ta còn tìm thấy tượng thần Vishnu.
Qua những kết quả khảo cổ mới nhất, chúng ta có thể khẳng định xưa kia tháp Bình Thạnh là một cụm tháp có ba ngôi tháp xây kế tiếp nhau theo trục Bắc – Nam. Tất cả các cửa chính của tháp đều quay ra bàu nước hướng chính Đông (nay là ruộng của người dân). Và 3 ngôi tháp này dùng để thờ Trimurti hay còn gọi là Tam thần Ấn giáo.
Đó là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm Brahma là Đấng Tạo hóa, Vishnu là Đấng Bảo hộ, còn Shiva là Đấng Hủy diệt. Cả 3 tạo thành bộ tam thần Trimurti, thường được gọi là Brahma-Vishnu-Maheshwara. Họ là những dạng khác nhau của một người được gọi là Đấng Tối cao hay Svayam Thế Tôn/ Thần Krishna/ Parabrahman.
Cụ thể là tháp giữa thờ Brahma, tháp phía Bắc thờ Vishnu và ngôi tháp hiện còn cho đến ngày nay là thờ Shiva. Như vậy, có thể nói tháp Bình Thạnh là chứng nhân lịch sử, là bệ đỡ trên hành trình nghiên cứu văn hóa lịch sử về một nền văn minh cổ xưa trên đất Tây Ninh chứ không hề đơn giản.
Bên cạnh di chỉ quý giá trên còn có một ngôi tháp khác cũng cùng niên đại với tháp Bình Thạnh, đó là tháp Chót Mạt. Khu đền tháp này được xây dựng trên một nền đất gò giữa cánh đồng, nay thuộc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch thuộc nền văn hóa Óc Eo, và nó được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh vào những năm đầu của thế kỷ XX.
Và ngôi tháp này được trùng tu nhỏ lần đầu vào năm 1938. Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của Viện Nghiên cứu khảo cổ Đông Dương, thì kiến trúc tháp được xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m đỉnh tháp cao 10m, mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần một nửa, 2 mặt tường tháp ở phía Tây và Bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí bị nứt nẻ chỗ còn chỗ mất.
Năm 2003, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật và đưa vào sử dụng. Cần phải nói thêm rằng tháp Chót Mạt cũng không phải là dạng tháp đơn lẻ, mà vào thời điểm phát hiện ra nó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ngôi tháp khác ở hướng Bắc đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất.
Vậy đây cũng chính là một cụm tháp, nếu ở cụm tháp Bình Thạnh là tam tháp thì ở Chót Mạt là tháp chính và tháp phụ. Có thể ngôi tháp bị sụp chôn vùi hoàn toàn kia là ngôi tháp phụ thờ Thần Lửa, còn ngôi tháp phía Nam còn lại ngày nay là thờ Shiva, vì người ta phát hiện khá nhiều biểu tượng sinh thực khí là Linga và Yoni. Mà Linga là vật tổ tượng trưng cho Đấng Shiva – vị thần hủy diệt để sáng tạo ra cái mới trong Ấn giáo.
Có thể nói, ngoài 2 ngôi tháp Bình Thạnh và Chót Mạt còn khá nguyên vẹn (đã được trùng tu) thì hai bên tả hữu ngạn của sông Vàm Cỏ Đông còn khá nhiều di chỉ khác. Từ Phước Chỉ đến Bình Thạnh, từ Gò Soài, gò Miễu Bà, gò chùa Thầy Lưỡng qua gò Cổ Lâm cho đến tận Tân Biên là cả một hệ thống dày đặc các phế tích đền tháp cổ của đất Tây Ninh.
- Xem thêm: Sống lại những nền văn hóa cổ
Từ các nhà học giả người Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ xưa kia cho đến Phân Viện Khảo cổ hiện nay đã thống kê trên 40 di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo muộn có mặt trên mảnh đất này. Điều đó đã chứng minh khu vực trung lưu sông Vàm Cỏ Đông nói riêng và Tây Ninh nói chung đã từng là địa bàn nối tiếp từ văn hóa Đồng Nai của 5.000 năm trước cho đến hậu Óc Eo sau này.
Cũng nói thêm và khẳng định rằng, nền văn hoá Óc Eo là nền văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của Vương quốc Phù Nam cổ xưa. Vương quốc này đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ I cho đến thế kỷ thứ VI – VII trên miền đất Nam bộ. Sau Óc Eo – Phù Nam là cuộc chinh phục của phiên quốc Chân Lạp, tạo ra cuộc chiến tranh kéo dài liên miên và đã làm cho văn hoá Óc Eo bị lụi tàn, cộng với các đợt tấn công của đế quốc phương Bắc vào các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 13 đã đưa Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng trở thành hoang hoá, đổ nát. Và mãi cho đến khi những cư dân người Việt đến khẩn hoang vào thế kỷ 17, vùng đất này mới thực sự hồi sinh và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.