Mùa xuân đến là thời điểm Mộc vượng theo triết lý Đông phương, mùa của lộc biếc tươi tắn bừng nở, mùa của quây quần tụ hội, sắc hương rộn ràng. Hương và sắc tại nơi chốn an cư luôn được quan tâm mỗi độ xuân về. Hương và sắc biểu hiện trong nhà cửa thông qua các ý tưởng sắp xếp, các lợi ích cơ bản và thiết yếu của người cư ngụ, đó là được hít thở dưỡng khí trong lành và thụ hưởng những sắc màu không gian đẹp đẽ, ấm áp.
Năm Mùi: chuyện mùi vị trong nhà
Năm 2015 – Ất Mùi – không chỉ mang ý nghĩa linh vật biểu trưng là con dê. Cư dân Việt vùng văn minh nông nghiệp lúa nước dùng hệ can chi nhằm ghi nhận các giai đoạn sinh trưởng của cây cối, từ Tý là giai đoạn nảy mầm, cho đến Hợi là lúc hủy diệt suy tàn, chuẩn bị chu kỳ mới. Trong vòng tuần hoàn âm dương ấy, chi Mùi (theo nghĩa mùi vị) đặc trưng cho giai đoạn cây cỏ hương sắc đầy tràn, đâm hoa kết quả(*).
Khi ta mở cửa bước vào ngôi nhà lạ, thị giác chưa kịp đánh giá nhiều thì khứu giác đã nhận biết ngay “mùi nhà” thế nào. Dù ngôi nhà ấy được tạo mùi thơm bằng hương liệu nhân tạo nhưng rất khó tạo ra không khí trong lành, cũng như người xức nước hoa chỉ có thể lấn át nhất thời về mùi của cơ thể. Nhà ở là nơi tập hợp đủ loại mùi sinh ra trong quá trình sinh hoạt ăn ở: mùi xe cộ, mùi khói bếp, mùi ẩm mốc… nếu không xử lý tốt sẽ gây hại đến nội khí. Mùi của nhà liên quan chặt chẽ đến cách thức thông thoáng, đón gió, cần tự nhiên và luân chuyển, biểu hiện được những thay đổi bên ngoài trong trạng thái chủ động. Bên ngoài thơm mát dịu nhẹ thì mở ra đón vào, bên ngoài oi nồng khó chịu thì khép lại lọc bớt.
Về mặt âm – dương, tĩnh – động, con người di chuyển còn ngôi nhà đứng yên (tương đối) nhưng luôn tương tác qua lại với nhau. Cũng có lúc con người thụ động (khi ngủ) còn ngôi nhà vẫn hoạt động (chịu tác động môi trường) và ảnh hưởng đến chủ thể (tốt hoặc xấu tùy trường hợp). Do thực sự cùng “hô hấp” với hơi thở của người cư ngụ, ngôi nhà tốt là nhà không quá khép kín với trường khí bao quanh, tạo được mối liên thông trong – ngoài có kiểm soát. Như ở ngôi nhà truyền thống, cha ông ta có các biện pháp xử lý luân chuyển âm – dương rất hữu hiệu. Kết cấu bao che tránh vùng khí hậu xấu nhưng không ngăn chặn nắng gió tốt, khiến không khí luôn đối lưu nhờ hệ thống hàng hiên vươn rộng làm vùng đệm; nhờ mái cao và thềm cao để tránh ẩm thấp; cửa đóng – mở và có lá sách, cấu tạo đặc – rỗng linh hoạt để chủ động đón nắng gió; nhà bếp và khu vệ sinh làm tách biệt với nhà chính để giảm bớt khói và mùi… Quanh nhà là vườn và ao, giúp giải nhiệt và dẫn gió, tạo nên phong – thủy hài hòa thổ trạch. Trong tình hình đô thị hóa hiện nay, những thành phần quan trọng kể trên không còn giữ được nguyên vẹn, nên đòi hỏi ngôi nhà – căn hộ hiện đại phải tìm kiếm các lời giải cục bộ cho bài toán ngôi nhà hô hấp và xanh.
Giữ gìn buồng phổi cho nhà hiện đại
Nhà xưa gần với thiên nhiên nên luôn thơm mùi gỗ, mùi nắng, mùi hoa cỏ chung quanh… thú vị, dễ chịu. Cũng vì thế mà các khu nghỉ dưỡng, spa cao cấp hiện nay luôn ưu tiên cho sự thoáng đãng, hương thơm tự nhiên, không khí tinh sạch nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu được sống xanh, được thư giãn của khách gần xa.
Thời hiện đại, ai ở trong nhà phố ngăn chia kín mít luôn chịu nỗi khổ thiếu dưỡng khí. Nếu nhà được xây dựng đảm bảo tỷ lệ 10 – 20% diện tích thông thoáng thì sẽ “dễ thở” hơn, dù chất lượng xây dựng và tiện nghi vật chất giữa các nhà có thể khác nhau. Một nhà ống nếu có bố trí sân sau và giếng trời về các hướng nạp gió mát và thoát khí lưu cữu tốt thì hầu như ít bị đọng mùi ẩm thấp, và gia chủ luôn cảm thấy thoải mái hơn so với ở trong ngôi nhà cùng diện tích mà hoàn toàn bít bùng. Tất nhiên, cần đảm bảo sao cho những khoảng trống ấy phải tinh sạch, bởi nhiều nhà sau khi chừa sân trống xong lại biến thành chỗ đặt cục nóng máy lạnh, nấu nướng… thì lợi bất cập hại, khiến “buồng phổi” của cả nhà bị xâm lấn, giếng trời thành ống dẫn khói, đưa mùi lan tỏa khắp nhà.
Khoảng trống của ngôi nhà còn nằm ở cách thức ngăn chia phòng ốc và xếp đặt vật dụng nội thất. Càng nhiều vách ngăn đặc cứng thì càng gây cản gió, ngăn cách, tạo nhiều bề mặt tích nhiệt và tỏa nhiệt. Vì thế, phong cách nội thất đơn giản (như phong cách tối thiểu – minimalism) cộng với sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, hoặc phong cách retro – cottage (quay về sự mộc mạc dân dã) hiện đang rất được chuộng, chính vì góp phần tạo thành những khoảng trống có nghĩa và tinh khiết hơn, giúp không khí luân chuyển dễ dàng, để không chỉ khướu giác mà cả thị giác nữa cũng được giảm bớt ngột ngạt, bức bí.
Cần lưu ý, dù cây xanh có khả năng lọc bụi nhưng đồng thời cây xanh cũng cản gió, và lưu bụi trên các bề mặt. Tính chất quang hợp của cây khiến ban đêm nhiều nhà trở nên “ngộp thở” vì thiếu dưỡng khí nếu bị cây vây bọc kín mít, chưa kể những loại cây hoa tỏa mùi không phải ai cũng chịu được. Việc dùng nhiều vật liệu có tính tụ ẩm và mềm như thảm, rèm, nệm… cũng khiến nhà ở vùng nhiệt đới không khô ráo và “nặng mùi” hơn so với các nhà vùng ôn đới, hàn đới. Chẳng phải vô cớ mà bộ ván ngựa mát rượi hay chiếc chõng tre trải chiếu nhẹ nhàng luôn được cư dân Việt gốc nông thôn ưa chuộng hơn là dùng salon da hoặc giường phủ chăn nệm dày cộp. Tạo ra “ngôi nhà dễ thở” cần phải đồng bộ các biện pháp đi từ xa đến gần, từ việc chọn địa điểm xây dựng đến quá trình chắt lọc các vật liệu, kết cấu, vật dụng… sao cho hợp với điều kiện khí hậu và tập quán sử dụng.
Hương sắc ngày xuân
Hương và sắc luôn song hành cùng nhau, nhà dù thoáng sẽ không thể thiếu các sắp xếp, bài trí tươi tắn, thẩm mỹ và tạo tâm lý tích cực cho mọi người. Các thủ pháp trang trí ngày xuân hợp phong thủy cần hướng đến ba đặc tính cơ bản theo triết lý âm dương như sau:
a. Tính phổ biến, theo quy luật “trong âm có dương, trong dương có âm”
Nhà ở không phải là showroom hay khách sạn, tránh phô trương rực rỡ. Các trang trí mang tính chất phổ biến sẽ dễ được chấp nhận hơn. Có thể thấy những nhóm cây kiểng truyền thống mang đặc thù của năm mới như mai, đào, cúc, quất…, các vật dụng phục vụ nhu cầu tiếp đãi, ẩm thực, rồi tranh ảnh, lịch, bao lì xì, đèn lồng… đều mau chóng đem đến không khí ngày xuân, miễn là phối kết cho khéo. Tuy nhiên, trang trí mang tính phổ biến không có nghĩa là sắp xếp chung chung theo kiểu “ai sao mình vậy”. Nếp nhà ngày xuân cũng luôn cần sự sáng tạo phong phú, tạo cảm giác hưng phấn, tránh nhàm chán đơn điệu.
b. Tính bù trừ, theo quy luật“âm dương chuyển hóa cho nhau”
Các góc khuất ít ánh sáng tự nhiên sẽ cần kích hoạt bằng màu sắc tươi tắn hơn, chiếu sáng nhân tạo ấm áp hơn. Và ngược lại, với vị trí nhiều nắng (như gần cửa sổ, cửa chính) thì sắp đặt đồ đạc trang trí ngày xuân nên dùng những sắc màu trầm lắng, dịu nhẹ, vật liệu nhiều tính thô mộc, mềm mại, tránh yếu tố phản quang gây chói, tránh thừa dương khuyết âm. Để phối kết màu sắc trang trí phù hợp, cần lưu tâm đến cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” để bù trừ qua lại với nhau. Phần cứng chính là màu tường, màu trần và màu sàn vốn có. Còn phần mềm là màu sắc của bàn ghế, chăn gối, rèm, đèn và những vật dụng trang trí như tranh ảnh, bình hoa…
c. Tính cân bằng, theo quy luật“vạn vật hướng tới âm dương hài hòa”
Những bài trí mang tính thiên nhiên luôn có tác dụng tốt về tâm lý và môi trường, ví dụ như bình hoa, sắp đặt trái cây, bonsai… Khi mà những chỗ sinh hoạt chính bị cố định bởi vật dụng (ví dụ vị trí bếp, kệ tivi, giường ngủ, bàn làm việc…) thì không gian kết nối, khoảng trống đi lại sẽ giúp cân bằng hơn cho nội khí. Phong cách nội thất thuần khiết hiện đang được ưa chuộng, trong đó những màu êm dịu và nhẹ nhàng vẫn là lựa chọn đầu tiên cho các khoảng trống để tạo cảm giác rộng rãi tối đa có thể được trong điều kiện diện tích eo hẹp.
Bản chất không gian giao tiếp đầu năm là nơi dành cho gặp gỡ và tiếp xúc đa dạng, nên quy luật chung về phong thủy nên hướng đến hành Thổ, hành của cân bằng, dung nạp đa sắc thái. Màu sắc, chất liệu vốn có của hành Thổ như trong nếp nhà truyền thống (tự nhiên, mộc mạc) không quá thiên lệch cũng giúp cho việc bố trí vật dụng trang trí trở nên thuận lợi hơn. Cách bố trí thuộc Thổ và Mộc, thậm chí có thể bổ sung hành Hỏa đột biến để gia tăng tính ấm áp, hiếu khách và hài hòa dù nội thất theo phong cách nào, giúp gia chủ dễ dàng tạo dựng môi trường giao tiếp thân thiện.
Sau sắc màu thuộc Thổ truyền thống là nhóm sắc màu thuộc Kim hiện đại (trắng và các sắc ánh bạc, ánh kim, xám…), vì không gian sinh hoạt – giao tiếp ngày nay không thế thiếu nhiều trang thiết bị như tivi, dàn âm thanh, máy lạnh, quạt, vật dụng… thuộc hành Kim. Những nhà có diện tích nhỏ thường kết hợp phòng khách làm nơi sinh hoạt, thì việc dùng màu thuộc Kim, như các sắc độ của trắng và bề mặt sáng còn giúp cho nội thất mở rộng hơn, tạo cảm giác nhẹ nhàng và dễ làm nổi bật các trang trí nghệ thuật đương đại.
(*) Nguyên lý chọn ngày theo lịch can chi, tác giả TS Hoàng Tuấn, NXB Hồng Đức, năm 2011, tr 82, 83: phần Ý nghĩa của can chi.
- Ảnh Xuân Trang