Gần đây, có không ít tranh luận chuyên môn về các công trình nhà tư nhân lấy ánh sáng tự nhiên bằng cách mở mái thông thiên bên trong chói chang, hoặc bọc hệ lam – gạch bông gió bên ngoài kín mít thực sự có hữu ích và hợp khí hậu, hợp phong thủy hay không. Về mặt định lượng cụ thể từng trường hợp, có lẽ cần thông qua các kiểm nghiệm thực tế, nhưng riêng về mặt kế thừa giá trị truyền thống và kinh nghiệm phong thủy xưa nay thì nên nhìn vấn đề một cách đa chiều.
Từ những thái cực tương phản
Phong thủy dương trạch (nhà ở) rất chú ý tới ánh nắng mặt trời và không khí, cho nên khi chọn nhà ở, không phải chỉ có “gió và nước” mà phải cần đủ ánh sáng mặt trời (dương quang). Nếu một căn phòng không thấy dương quang trực tiếp thì nội thất sẽ luôn bị âm khí nặng nề, làm gia trạch thiếu quân bình âm dương. Ví dụ kiểu bố trí nhà phố thiếu dương quang là qua cửa chính bắt đầu thấy tối dần, rồi gặp hành lang dài hẹp, các phòng khoảng giữa nhà hầu như thiếu ánh sáng và thông thoáng, luôn phải bật đèn cả ngày. Cách bố trí như vậy chỉ tạm chấp nhận nếu đó là kho hay phòng vệ sinh phụ mà thôi, vì các phòng vệ sinh chính cũng luôn cần có dương quang trực tiếp.
Thế nhưng việc không ít ngôi nhà lại đón nắng theo kiểu hiện đại Tây phương, mở bung không gian tối đa, cũng bộc lộ mặt trái của vấn đề. Ở châu Âu hay Bắc Mỹ, số ngày nắng trong năm khá ít nên người ta cố gắng mở khung kính rộng, nhà có hàng hiên phơi nắng, có gian áp mái là hấp dẫn, thuộc dạng “nhà có điều kiện” mới được tận hưởng nắng. Còn khí hậu Việt Nam vốn thừa nắng và lại là nắng gắt, oi bức, như các nghiên cứu khoa học thống kê: vùng phía Nam nước ta có đến hơn 11 giờ nắng mỗi ngày thì tỷ lệ mở cửa trực tiếp trên mặt tường ngoài nhà không nên vượt quá 25%, và cửa kính nếu không được ngăn bức xạ mặt trời bằng các giải pháp kỹ thuật đúng mức thì sẽ là dạng “bẫy nhiệt” nung nóng không khí nội thất và ngăn cản nhiệt bên trong thoát ra ngoài (*). Do đó nhà truyền thống từ xưa đã có cách ứng xử và đóng mở kín đáo, vào nhà thấy lan tỏa sáng gián tiếp, dịu mát. Bề mặt vật liệu tự nhiên có sự xốp rỗng nên tạo bóng đổ bản thân, giảm phản xạ cũng như tránh tích nhiệt rất tốt.
Một số ngôi nhà theo kiểu hiện đại hôm nay không kế thừa tinh thần truyền thống ấy, mà chạy theo kiểu khối hộp Tây phương, mặt dựng kính mở rộng rồi phải kéo rèm che kín mít, dùng hệ lam gỗ, ốp gạch bông hoặc gạch trần thiếu cân nhắc, cửa lá sách gắn thành mảng lớn… mang tính trang trí nhiều hơn là công dụng thực chất. Nhiều chung cư mới xây hiện nay bên ngoài chủ yếu là bề mặt nhôm kính chiếm tỷ lệ cao, vào bên trong mới thấy nắng chiếu rất chói gắt và khó bài trí nội thất vì mở cửa quá nhiều, mặt khác đa số cửa kính chung cư lại ít mở được vì trên cao gió mạnh, mưa tạt nhiều, nên thành ra trong nhà rất ngợp và luôn phải bật máy điều hòa.
Đến kế thừa cách ứng xử linh hoạt
Biến đổi khí hậu hiện nay không còn là khái niệm xa vời nữa, chỉ xét riêng trong lĩnh vực xây dựng nhà cửa có thể thấy xu hướng quay trở về giá trị bền vững theo thời gian là điều cốt lõi của mọi giải pháp. Cha ông ta thuở trước chọn đất cất nhà, che nắng đón gió luôn dựa vào thực tiễn cuộc đất, mỗi vùng miền lại có điều chỉnh tùy nghi, sáng tạo từ các nguyên tắc cơ bản về khí hậu. Gọi là nắng nhưng thực chất có đến ba thành phần liên quan: ánh sáng trực xạ, ánh sáng tán xạ của bầu trời và ánh sáng phản xạ của mặt đất – công trình lân cận tác động vào. Cái gì cũng có mặt tốt mặt xấu, nhất là ở trong phố xá mật độ bê tông hóa cao thì nắng vào nhà ở sẽ đi kèm theo khói bụi, nhiệt độ và tiếng ồn. Xứ nhiệt đới nóng ẩm cần ưu tiên nhà xoay được cửa lấy nắng và đón gió về các hướng Nam, Đông Nam và Đông (có nắng chiếu tốt từ buổi sáng đến gần trưa). Nếu gặp hướng từ Tây Nam, Tây qua Tây Bắc, tức là các hướng có nắng gắt, mang theo bức xạ chói chang và góc mặt trời hạ thấp thì cần cách ứng xử khác. Một mặt cân nhắc có thể mở cửa phụ thoát khí nóng, lấy nắng dịu ở các hướng khác, đồng thời phải nghĩ đến biện pháp giảm bớt cường độ bức xạ thông qua các hệ thống rèm che, hoa tường, lam chắn nắng, thậm chí tường đặc hoặc hai lớp bao che.
Một ngôi nhà nắng chiếu trực tiếp chói chang là thuộc diện dương quang quá mạnh, như các căn hộ chung cư trên tầng cao, không thể nào làm cửa mở rộng như nhà nhỏ dưới trệt được, vì ánh sáng trên cao không có gì che bớt (cây xanh, nhà lân cận) sẽ chói chang gay gắt hơn. Giải pháp dùng cây cối, bình phong, rèm dày… sẽ hữu hiệu trong việc điều tiết cường độ ánh sáng vào phòng, nhưng vẫn phải cần gia chủ quyết định mình có thuộc diện “ưa nắng” hay không để chọn căn hộ đó.
Trở lại chuyện mở giếng trời lớn trong nhà, ai cũng biết là có nắng vào nhiều hơn rồi, nhưng cũng phải định lượng được yếu tố này bởi một nơi ở tốt không chỉ có nắng. Khi nhà không quá dài, diện tích nhỏ, không bị tối và ít tầng, không có những phòng ở giữa phải đi xuyên qua… thì không nhất thiết phải mở giếng trời ở giữa mà chỉ cần tạo thông gió nóc buồng thang và thông thiên ở phía sau (kết hợp với sàn nước, sân phơi) là đủ. Mở nhiều giếng trời thậm chí còn gây ra dương thịnh âm suy, lúc nào trong nhà cũng thấy chói chang (nhất là vào cao điểm mùa khô). Mặt khác, giếng trời cũng nên làm được không gian sinh hoạt, đừng để biến thành cái giếng hun hút đơn thuần. Tốt nhất là kết hợp giếng trời với các trục giao thông ngang và đứng như cầu thang, hành lang, thông tầng để làm chỗ nghỉ ngơi thư giãn hoặc khoảng đặt cây xanh vốn luôn hiếm hoi trong điều kiện nhà ống phố thị hiện nay.
Nhà xanh đâu chỉ nhờ cây
Trong và ngoài nhà có bố trí cây xanh là rất tốt cho Sinh Khí Dương Trạch, nhưng bố trí ở đâu và dùng loại cây gì cho hài hòa kiến trúc và phong thủy thì cần phải chú ý về phương vị và cách phối hợp. Cơ bản là tuân thủ nguyên tắc cân bằng Âm Dương và ngăn chặn Trực Xung. Cần tùy theo vị trí ngôi nhà tọa lạc, cách thức bố cục mặt bằng và cấu trúc nhà (cao hay thấp tầng) cũng như quan hệ với nhà bên cạnh mà chọn loại cây và vị trí trồng cây. Cây cối luôn vươn về phía có ánh sáng nên khoảng trống để trồng cây phải chừa đủ rộng để tán cây phát triển hài hòa, tránh rễ xuyên hư nền, giảm các phiền toái như rụng lá, sâu bọ, hay làm “cầu nối” dễ dàng cho đạo tặc leo trèo, che chắn vướng víu tầm nhìn… Trồng cây phải đi cùng với chăm sóc tỉa tót thường xuyên, điều mà không phải cư dân đô thị nào cũng có kỹ năng và thời gian để làm. Lý tưởng nhất vẫn là khi xây nhà trong các khu quy hoạch mới có hệ thống cây xanh công cộng đem lại cảnh quan chung, mọi nhà đều được chia sẻ, còn cây trồng riêng trong từng nhà đa số là cây tiểu cảnh, giàn leo hay bon sai… có thể không quá khó nhọc chăm sóc, không biến cây xanh thành “cục nợ” , chỉ có hình thức ban đầu mà bỏ bê về sau, gây ngấm dột phiền toái trong sử dụng và bảo trì nhà cửa.
Kinh nghiệm phong thủy dân gian vùng khí hậu nhiệt đới đã chỉ ra rằng: nên chọn cây xanh theo phương vị khí hậu và tầm nhìn của nhà, trồng đủ mà tinh hơn là trồng nhiều mà tạp. Nếu mặt trước nhà (tức là hướng nhà) nhìn ra vùng nhiều ánh sáng và gió lành (Nam, Đông Nam, Tây Nam) thì có cây to tán rộng trước cửa lại không tốt bằng cây thấp và ít rụng lá. Ngược lại, nếu nhà xoay nhiều cửa về hướng Tây và Tây Bắc thì nên chọn các cây tán dày và chịu khô nóng tốt, đồng thời cần làm thêm giàn leo kết hợp kết cấu đặc để chắn được bức xạ gay gắt. Nhà có phương vị về Bắc hoặc Đông Bắc thì cây nên có lá màu sáng để phản xạ thêm ánh sáng, cây lá dày hoặc cây hàng rào để ngăn gió lạnh (đối với vùng có khí hậu mùa đông gió bấc tràn về).
Một ngôi nhà xanh vì thế không chỉ có màu xanh của cây lá, mà quan trọng là giải pháp kiến trúc và cảnh quan phải ổn định, kinh tế, hài hòa các lợi ích thiết thực, đồng thời tạo được sự an tâm và thoải mái trong quá trình ăn ở cho gia chủ. Những tiêu chí này cần đặt ra và giải quyết đồng bộ, tránh sa đà hình thức và chạy theo các “phong trào” thiếu thực chất, lãng phí.
(*): Các giải pháp kiến trúc khí hậu Việt Nam, TS Phạm Đức Nguyên, KTS Trần Quốc Bảo.
- Ảnh Xuân Trang