Thi hào người Ý Dante (1265-1321) gọi sông Arno là “con mương đen đủi và bị nguyền rủa”. Cho đến một ngàn năm sau, dòng sông chảy qua vùng Tuscany này vẫn xứng đáng với danh hiệu xấu xa đó.
Ngay trước bình minh ngày 4-11-1966, những cơn mưa như thác đổ đã khiến mực nước sông Arno dâng cao, phá hủy đôi bờ sông và dòng nước hung bạo chảy với tốc độ hơn 70km/giờ đã tràn vào Florence mang theo hàng trăm tỉ m3 bùn đất và rác thải. Thế nhưng khi những hậu quả của cơn hồng thủy được dọn dẹp sạch sẽ, đã có một bước ngoặt quan trọng đến với thành phố của nghệ thuật này.
Với những cư dân Tuscany tin vào sức mạnh của các thế lực siêu nhiên thì l’alluvione (tiếng Ý có nghĩa là “lụt lội”) là điều không tránh khỏi và đã đến với vùng đất này từ lâu lắm rồi. Kể từ trận lụt đầu tiên gây bởi sông Arno mà lịch sử đã ghi nhận được vào năm 1177, cho tới nay thành phố Florence đã bị thủy họa 55 lần, và cứ mỗi thế kỷ lại có một trận hồng thủy như vào năm 1966.
Ngoài việc tàn phá các cơ sở hạ tầng của thành phố, các trận lụt và nhất là siêu lụt (superflood) còn hủy hoại với mức độ dữ dội nhất các di sản văn hóa của Florence, trong đó có các tác phẩm mỹ thuật vô giá(*). Báo New York Times từng liệt kê: “Khoảng 1.500 hiện vật nghệ thuật đã bị biến dạng hoặc bị hủy hoại, trong số đó có 320 bức tranh được vẽ trên gỗ (một hay nhiều tấm – tiếng Anh gọi là “panel painting”), 629 tranh vẽ trên toan, 495 tác phẩm điêu khắc và 124 bích họa”.
Giữa cảnh hỗn độn, tang thương sau trận siêu lụt năm 1966 ở Florence, một nhóm các tình nguyện viên đã nhanh chóng tự tập hợp lại để nhanh tay cứu hộ những tài sản nghệ thuật quý giá khỏi đống bùn lỏng đầy mảnh vụn, rác rưởi vẫn còn tràn ngập thành phố. Họ được gọi là “Angeli del Fango” (“Những thiên thần của bùn đất”). Trong số đó có Massimo Zecchi, đồng chủ nhân cửa hàng cung cấp vật phẩm mỹ thuật Zecchi nổi tiếng ở Florence.
Cửa hàng mang tên Zecchi chính thức được khai trương từ năm 1956 và được coi là cửa hàng vật phẩm mỹ thuật lâu đời nhất, truyền thống nhất tại Florence bởi công việc kinh doanh của gia tộc Zecchi đã được tiến hành từ đầu những năm 1800. Với bề dày lịch sử như vậy, cửa hàng Zecchi của thời hiện đại tập trung kinh doanh các vật phẩm mỹ thuật mà về mặt chất liệu và quy trình chế tác tương tự như những gì thợ thủ công giai đoạn đầu thời Phục hưng đã làm.
Ông Massimo giải thích: “Những năm 1970, sự mê say đối với chủ nghĩa hiện đại đã bắt đầu hướng các họa sĩ đến với các chất liệu và kỹ thuật hội họa mới, thế nhưng chúng tôi đã có một chọn lựa khác. Thay vào đó, chúng tôi nỗ lực gìn giữ việc bán hàng, cách sử dụng và tri thức của hội họa cổ điển cùng các kỹ thuật chế tác thủ công các vật phẩm mỹ thuật. Qua thời gian, thật rõ ràng là các truyền thống này không chỉ vẫn đúng đắn mà thực sự còn bền bỉ theo thời gian”.
Ông Massimo mới 14 tuổi khi xảy ra cơn hồng thủy năm 1966 nhưng đến nay ông vẫn chưa quên thảm họa tự nhiên đó. Ông còn nhớ mực nước dâng cao trong cửa hàng Zecchi, chỉ còn vài cm thì chạm những kệ chứa các lọ đựng bột màu vẽ. Nhưng trận lụt đã nhuộm nhà thờ Chính tòa của Florence với hàng ngàn màu sắc. Một loạt các tác phẩm hội họa và điêu khắc quý giá bị nước lũ hủy hoại trong nhà thờ Chính tòa, trong Cung điện – bảo tàng Uffizi và trong nhiều giáo đường, nhiều thiết chế mỹ thuật khác.
Trong số đó có tác phẩm của các bậc thầy thời Phục hưng như Giorgio Vasari (1511-1574), Donatello (1386-1466) và Michelangelo (1475-1564). Kiệt tác Doni Tondo (vẽ năm 1505-1506) – bức tranh vẽ trên gỗ hình tròn duy nhất còn lưu giữ được của Michelangelo cũng bị hư hại. Thế nhưng, như Massimo ghi nhận, trận siêu lụt đó đã rất mau chóng gây xúc tác cho sự phục hưng trong lĩnh vực trùng tu tác phẩm mỹ thuật tại Florence: “Toàn bộ các phòng thí nghiệm về phục chế đã được hình thành để lần đầu tiên thực hiện các công việc này một cách khoa học, từ đó đòi hỏi phải có nhiều dụng cụ, máy móc mới…, thế nhưng cũng cần đến các vật liệu truyền thống được làm tại đây”.
Ông Massimo nhắc đến cuốn sách Il Libro dell’Arte của tác giả thế kỷ 14 Cennino Cennini (đã được dịch sang tiếng Anh và phổ biến rộng rãi với tựa Cẩm nang của thợ thủ công), được coi là ấn phẩm cổ xưa nhất của nước Ý còn lưu giữ được về nghề vẽ tranh, và đó cũng là nền tảng triết lý kinh doanh của cửa hàng Zecchi: “Chúng tôi muốn tiếp nối những kỹ thuật đã đi vào truyền thống xa xưa nhất, và Cennino Cennini đã để lại cho chúng tôi những chỉ dẫn thực hành lâu đời nhất có thể (trong sách của ông)”.
Đến lúc cần ứng dụng những nguyên tắc đó vào các nỗ lực phục chế tác phẩm mỹ thuật, không thể tìm ở đâu cách làm có giá trị hơn phương pháp mẫu mực của nhà Zecchi khi chuyển đổi tinh chất đá bán quý lapis lazuli thành chất màu Blu Oltremare (hay màu blue marine). Được khai thác chủ yếu ở vùng núi Afghanistan, loại đá có màu xanh lam rực rỡ này (còn được gọi là ngọc lưu ly) được chế tác thành một màu nguyên mà các họa sĩ chuyên nghiệp xưa và nay đều ưa thích nhất. Họ đều đồng lòng ca ngợi cái màu sáng lấp lánh đó, vốn được dùng rộng rãi trong các tác phẩm được kỳ vọng nhất của hội họa Phục hưng.
Theodore Turquet de Mayerne (1573-1655), một nhà y học cung đình chuyên sưu tầm các công thức tạo màu đã viết: “Lapis lazuli là kim cương của tất cả các màu sắc bởi sự hoàn hảo chưa bao giờ ngưng của nó”, còn trước đó hai thế kỷ Cennini thậm chí còn ca ngợi hơn nữa: “Blu Oltremare là màu sang trọng, đẹp đẽ và vượt xa tất cả các màu khác về sự hoàn hảo”.
Sáu thế kỷ sau, chỉ còn vài nơi bảo tồn được màu Blu Oltremare như cửa hàng của gia tộc Zecchi ở Florence và họ tiếp tục sản xuất loại màu này trong các phòng thí nghiệm theo một quy trình mất nhiều ngày giống như các tiền nhân của họ thời Phục hưng. Gần hai thập niên sau trận hồng thủy 1966, khi cần phục chế bức Doni Tondo của Michelangelo vào năm 1985, các chuyên gia đã tìm đến nhà Zecchi để được cung cấp loại màu được tôn vinh này.
(*) Trận lũ khủng khiếp ngày 4-11-1966 ở Florence đã cướp đi sinh mạng của 101 người, làm hư hại hay hủy diệt hàng triệu bản sách quý hiếm và vô số tác phẩm mỹ thuật tuyệt mỹ; nó được coi là trận lũ tồi tệ nhất tấn công thành phố này kể từ năm 1557